Làm theo lời Bác, phấn đấu đưa Hải Dương thành "tỉnh kiểu mẫu"

(CTG) 65 năm kể từ ngày vinh dự được đón Bác về thăm (lần 3), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương không ngừng vận dụng sáng tạo lời dạy của Người, phấn đấu xây dựng Hải Dương thành "tỉnh kiểu mẫu".

Làm theo lời Bác, phấn đấu đưa Hải Dương thành tỉnh kiểu mẫu - 1

Ngày 1/4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương (Ảnh tư liệu)

 

Cách đây 65 năm, ngày 1/4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và làm việc với Tỉnh ủy Hải Dương. Đây là lần thứ ba Bác về thăm tỉnh, đúng vào thời điểm toàn quân, toàn dân Hải Dương đang hăng hái thi đua lao động sản xuất, đạt nhiều thành tích tiêu biểu trong phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, thâm canh tăng vụ, chăn nuôi tập thể, làm thủy lợi nội đồng...

Lần về thăm này, tại trụ sở của Tỉnh ủy, Bác tập trung làm việc với các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính cùng cán bộ các ban, ngành của tỉnh. Bác khen ngợi những thành tích của nhân dân và cán bộ Hải Dương đạt được, nhất là về sản xuất nông nghiệp và phong trào tổ đổi công hợp tác xã. Bác căn dặn, tỉnh nhà cần đẩy mạnh việc tăng năng suất cây trồng để bảo đảm hoàn thành và vượt mức kế hoạch. Phải chú trọng chống hạn, đề phòng hạn có thể kéo dài, cần bón thêm phân cho lúa và hoa màu. Về công tác đê điều cần cố gắng hoàn thành tốt trước mùa mưa...

Người nhắc nhở: "Phải quyết tâm và biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của quần chúng. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên phải gương mẫu trong mọi công việc. Cán bộ lãnh đạo phải đi sát thực tế, nắm vững trọng tâm và toàn diện, chú trọng áp dụng chỉ đạo riêng. Cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chú trọng phát triển thêm đảng viên mới, tích cực giáo dục nâng cao ý thức xã hội chủ nghĩa cho đảng viên, đoàn viên và quần chúng".

Dẫu thời gian Bác làm việc tại trụ sở Tỉnh ủy không dài nhưng những cử chỉ, hành động, những lời căn dặn của Bác đã để lại cho Đảng bộ, quân và dân Hải Dương những tình cảm thiêng liêng, sâu nặng.

Đáp lại tình cảm thiêng liêng, cao quý của Bác, Tỉnh ủy Hải Dương đã phát động phong trào thi đua làm thủy lợi trong toàn tỉnh, đẩy mạnh tham gia xây dựng công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải. Ngay trong mùa xuân năm 1959, thực hiện một đợt thi đua ngắn để hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ đông xuân, tập trung lực lượng chống hạn. Hưởng ứng các phong trào do tỉnh phát động, các tổ đổi công hợp tác xã đã tổ chức tát nước tập đoàn. Tiêu biểu như các xã Toàn Thắng, Lê Lợi (Gia Lộc) tập trung tới 16 guồng và 224 gầu, nhân dân thay phiên nhau tát nước liên tiếp hàng tuần lễ. Nhờ đó, giữa tháng 4/1959 tỉnh Hải Dương đã cứu được trên 14.800 mẫu ruộng bị hạn. Toàn tỉnh đã cấy trên 95% diện tích lúa chiêm chính vụ, tăng trên 2.600 mẫu so với năm 1958; trồng được gần 7.400 mẫu hoa màu.

Với quyết tâm cao trong công tác thủy lợi và chống hạn, đến hết năm 1960, toàn tỉnh Hải Dương đã đạt thành tích lớn nhất so với trước đó về khối lượng đào đắp các công trình thủy lợi với trên 19 triệu m3 đất, huy động được trên 10 vạn người tham gia; toàn tỉnh đã khôi phục gần 8.000 mẫu ruộng bỏ hoang nhiều năm do không có nước tưới, đưa trên 70% diện tích cấy lúa 1 vụ thành 2 vụ. Với những thành tích tiêu biểu về công tác thủy lợi trong 6 tháng đầu năm 1960, ngày 30/9/1960, tỉnh Hải Dương vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Cờ thi đua luân lưu khá nhất và cũng về thành tích thủy lợi; năm 1961, tỉnh Hải Dương tiếp tục được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

 
Làm theo lời Bác, phấn đấu đưa Hải Dương thành tỉnh kiểu mẫu - 2

Ông Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, và các vị trong Thường trực Tỉnh ủy đón nhận Quyết định Quy hoạch tỉnh.

Thực hiện chủ trương đưa sản xuất nông nghiệp phát triển lên một bước mới của Tỉnh ủy, các hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh đã mạnh dạn áp dụng nhiều biện pháp khoa học, kỹ thuật mới vào trồng trọt đi đôi với cải tiến nông cụ. Điển hình trong phong trào này là Hợp tác xã Vũ La (xã Nam Đồng) đã thành lập được xưởng sản xuất nông cụ, chuyên sản xuất bừa cỏ cải tiến, xe bò, máy cấy, guồng nước...

Giá trị sản xuất công nghiệp địa phương năm 1960 bằng cả hai năm 1958 và 1959 cộng lại. Tỉnh đã xây dựng được xưởng cơ khí, xưởng sản xuất gạch, ngói quốc doanh. Sản xuất thủ công nghiệp năm 1960 vượt 24% so với kế hoạch Nhà nước giao.

Thực hiện lời Bác dạy về củng cố, phát triển tổ đổi công, phong trào hợp tác hóa ở Hải Dương diễn ra mạnh mẽ. Đầu năm 1958, toàn tỉnh mới có 5 hợp tác xã nông nghiệp điểm, đến cuối năm 1959 đã có 50% số hộ sản xuất trong tỉnh vào hợp tác xã. Năm 1960, phong trào hợp tác hóa phát triển với tốc độ nhanh, toàn tỉnh Hải Dương có tổng số 1.814 hợp tác xã nông nghiệp quy mô thôn, chiếm 91,6% tổng số hộ nông dân. Kết quả trên đã củng cố thêm lòng tin của nông dân đối với sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, giáo dục, giác ngộ và thu hút nông dân vào làm ăn tập thể, tạo nền tảng vững chắc để miền Bắc trở thành hậu phương lớn cho miền Nam chiến đấu chống Mỹ, cứu nước.

Hải Dương đã từng 5 lần vinh dự được đón Bác về thăm. Lần đón Bác ngày 1/4/1959 đã để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc trong tâm trí, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Hải Dương. Những lời dạy mộc mạc, ân cần của Bác không chỉ có ý nghĩa trong thời điểm lịch sử khi đó mà còn là những định hướng lớn cho Đảng bộ và nhân dân Hải Dương trong suốt quá trình xây dựng, phát triển đi lên từ một tỉnh thuần nông.

65 năm qua, khắc ghi lời dạy của Bác, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương đã luôn nỗ lực, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn khác nhau. Trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, các tầng lớp nhân dân Hải Dương đã nối tiếp nhau quật cường đứng lên. Hơn 30 vạn người con quê hương Hải Dương đã hăng hái tòng quân cứu nước; gần 39.000 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trên 4.000 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; hơn 21.000 thương binh và gần 9.000 bệnh binh đã bỏ lại phần xương máu, sức trẻ của mình trên các chiến trường để cống hiến cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Người ở hậu phương thì "tay cày, tay súng", thực hiện "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", mỗi làng xóm đều trở thành chiến lũy.

Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam; thực hiện nhiệm vụ vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương của hai miền Nam - Bắc; thời kỳ sáp nhập rồi chia tách tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, đến những chặng đường phát triển và hội nhập giai đoạn hiện nay, Hải Dương luôn làm theo lời dạy của Bác, dốc sức người, sức của trên mọi mặt trận. Đặt biệt, sau gần 38 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Hải Dương đã vượt lên những khó khăn, thách thức, đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đến nay, kinh tế Hải Dương liên tục có những bước tăng trưởng khá. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Giữa các thành phần kinh tế và các vùng trong tỉnh đã có sự chuyển dịch tích cực. Quy mô nền kinh tế ngày càng lớn, hiện đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 8,58%/năm. Theo Tổng cục Thống kê đánh giá mức tăng trưởng kinh tế quý I/2024 của Hải Dương đạt 9,8%, đứng thứ 6 cả nước, đứng thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng. Tổng thu ngân sách của tỉnh ước đạt 7.390 tỷ đồng, bằng 37,6% dự toán năm, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm trước. Từ năm 2017, Hải Dương đã tự cân đối ngân sách.

Hải Dương là một trong 5 tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển ổn định và có nhiều đổi mới. Mạng lưới, quy mô giáo dục ngày càng phù hợp. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội được triển khai hiệu quả. Lĩnh vực quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Đối ngoại được tăng cường và mở rộng. Đặc biệt, Hải Dương đã kịp thời bắt nhịp xu thế của thời đại đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, chú trọng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, phát huy bản sắc văn hóa, con người xứ Đông. Những thành quả ấy có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho bước phát triển của tỉnh những năm tới.

Từ thực tiễn sinh động của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã xuất hiện hàng nghìn tập thể, cá nhân tiêu biểu như nghìn bông hoa việc tốt, đã không ngừng lao động hăng say, cống hiến hết mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, được cấp ủy, chính quyền các cấp biểu dương, ghi nhận. Nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc vinh dự được Thủ tướng Chính phủ và các ban, bộ ngành Trung ương khen thưởng.

Bác Hồ đã đi xa, nhưng tình cảm và lời dạy của Bác vẫn mãi còn vang trong trái tim đồng bào, chiến sĩ Hải Dương. Cán bộ, đảng viên và nhân dân Hải Dương quyết tâm đưa tỉnh nhà sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và trở thành "tỉnh kiểu mẫu" như sinh thời Bác hằng mong muốn. Đảng bộ và nhân dân Hải Dương tiếp tục khơi dậy và phát huy sức mạnh đoàn kết, truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương Hải Dương anh hùng, không ngừng phát huy tinh thần xây dựng và bảo vệ đất nước mà Bác đã dành cả cuộc đời để vun đúc; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và coi đó là điểm tựa vững chắc về mặt lý luận, là sức mạnh về mặt tinh thần. Tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tập trung phát triển và thực hiện 5 trụ cột chính gồm: Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, hiện đại, thông minh; nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Thực hiện quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội để tạo đà thắng lợi vững chắc...

Theo Dân Trí