Hoạt động đa dạng, phong phú
Chiến dịch TNTN Hè được T.Ư Đoàn phát động trong toàn Đoàn từ năm 2000. Sau 23 năm triển khai, Chiến dịch đã được triển khai sâu rộng tới tất cả các cơ sở đoàn, có những bước phát triển vững chắc; được xã hội ghi nhận và đánh giá cao.
Năm 2023, Chiến dịch TNTN Hè tiếp tục được triển khai với 1 chương trình và 4 chiến dịch nhánh, gồm: Chương trình “Tiếp sức mùa thi”; Chiến dịch “Mùa hè xanh”, “Hoa phượng đỏ”, “Kỳ nghỉ hồng”, “Hành quân xanh”, bao phủ tới tất cả lực lượng từ học sinh, sinh viên, ĐVTN đến công nhân, viên chức, doanh nhân trẻ, lực lượng vũ trang… cùng tham gia tình nguyện. Năm nay, trong mỗi chương trình, chiến dịch đều có sự đổi mới, mở rộng đối tượng, quy mô nhằm tạo sự phủ sóng sâu rộng.
Chiến dịch TNTN Hè 2023 lan tỏa rộng khắp, tạo cảm hứng cho bạn trẻ cả nước. |
Trong đó, đáng chú ý, chương trình “Tiếp sức mùa thi” mở rộng đối tượng tham gia và đối tượng được hỗ trợ. Đối tượng tham gia bổ sung thêm học sinh, giáo viên trẻ các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trên cả nước. Đối tượng được hỗ trợ bổ sung đối tượng thí sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy; học sinh có nhu cầu du học ở nước ngoài.
Chiến dịch TNTN Hè 2023 có 29 đơn vị tỉnh, thành đoàn đăng ký hưởng ứng đồng loạt ra quân cùng với cấp T.Ư vào sáng 27/5, với hơn 1.600 đội hình tình nguyện; tổng số lượt ĐVTN tham gia là hơn 98 nghìn; hơn 2.400 công trình, phần việc thực hiện sau lễ ra quân. Tổng kinh phí triển khai các hoạt động sau lễ ra quân là hơn 50 tỷ đồng.
Chương trình được triển khai với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, như: tổ chức các đội hình "Tình nguyện số" tiếp sức trực tuyến; chuỗi hoạt động "Ôn thi cùng thủ khoa" (thủ khoa các trường hỗ trợ ôn tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn); hoạt động "Cùng em đi thi" (giáo viên trẻ hỗ trợ ôn tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn); dự án phát huy vai trò của các nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội để tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm. Đặc biệt, gắn với chủ đề chuyển đổi số, năm nay có hình thức tư vấn tự động gắn với nền tảng chatbot trực tuyến, trí tuệ nhân tạo.
Địa bàn trọng tâm của Chiến dịch TNTN Hè năm 2023 tập trung tại 33 Làng Thanh niên lập nghiệp do T.Ư Đoàn đầu tư xây dựng giai đoạn 2001 - 2020; 6 Đảo Thanh niên; các địa bàn có 16 dân tộc thiểu số quy mô dân số dưới 10.000 người.
Anh Lê Văn Lương, Bí thư Tỉnh Đoàn Nghệ An cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn chỉ đạo mỗi Cụm thi đua tổ chức triển khai ít nhất một công trình, hoạt động tình nguyện chung cấp Cụm, thể hiện tính liên kết chặt chẽ giữa các địa bàn trong hoạt động tình nguyện. Về địa điểm hoạt động, tuổi trẻ Nghệ An tập trung vào Làng Thanh niên lập nghiệp Tam Hợp, Tương Dương; bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương), nơi có đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người Ơ Đu sinh sống.
“Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn chỉ đạo các huyện, thành, thị Đoàn mỗi đơn vị đảm nhận hỗ trợ giúp đỡ ít nhất 1 thôn, bản, xóm khó khăn để hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xây dựng mô hình “Làng quê đáng sống”. Đối với cấp tỉnh, lựa chọn hỗ trợ bản Xẹt 2, xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu”, anh Lê Văn Lương thông tin.
Bạn trẻ ở Đắk Nông hưởng ứng trồng cây xanh tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long. |
Anh Lương cho biết thêm, để tạo điểm nhấn, độ lan tỏa cho Chiến dịch, Nghệ An sẽ triển khai 5 ngày cao điểm trên toàn tỉnh, gồm: Ngày Chiến sỹ tình nguyện vì đàn em thân yêu; Ngày cao điểm Chiến dịch tình nguyện “Kỳ nghỉ hồng”; Ngày cao điểm Chiến dịch tình nguyện Hành quân Xanh; Ngày cao điểm chung tay xây dựng nông thôn mới và Chủ nhật xanh; Chiến sỹ tình nguyện vì đô thị văn minh và hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, giải quyết thủ tục hành chính.
Lan tỏa từ Đất Mũi Cà Mau đến địa đầu Tổ quốc
Một điểm nhấn đặc biệt trong Chiến dịch TNTN Hè 2023, lần đầu tiên Lễ ra quân Chiến dịch tổ chức tại cực Nam của Tổ quốc - xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau (ngày 27/5). Đây là xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025”. Tại đây sẽ diễn ra loạt hoạt động tình nguyện, an sinh xã hội ý nghĩa như: xây dựng nhà nhân ái, nhà tình bạn, xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, nhà vệ sinh cho em,…
Lễ ra quân có sự hưởng ứng của các cấp bộ Đoàn trong cả nước và các tổ chức Đoàn, Hội ở nước ngoài. Tính đến 13h00 ngày 25/5, theo số liệu thống kê của bộ phận thường trực Chiến dịch đã có 29 đơn vị tỉnh, thành đoàn đăng ký hưởng ứng đồng loạt ra quân cùng với cấp T.Ư vào sáng 27/5, với hơn 1.600 đội hình tình nguyện; tổng số lượt ĐVTN tham gia là hơn 98 nghìn; hơn 2.400 công trình, phần việc thực hiện sau lễ ra quân. Tổng kinh phí triển khai các hoạt động tình nguyện hưởng ứng sau lễ ra quân là hơn 50 tỷ đồng. Những con số này tiếp tục được cập nhật và tăng lên.
Đặc biệt, Lễ ra quân hứa hẹn tạo cảm xúc đáng nhớ cho bạn trẻ cả nước khi lần đầu tiên T.Ư Đoàn kết nối hoạt động hưởng ứng từ cực Bắc (Lũng Cú, Hà Giang) đến cực Nam (Mũi Cà Mau) của Tổ quốc; kết nối liền mạch “Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước”, với điểm cầu hưởng ứng tại Trà Cổ, Quảng Ninh. Sự liên kết, hưởng ứng này sẽ tạo nên một ngày hội tình nguyện sôi nổi của tuổi trẻ trên khắp mọi miền đất nước. Từ đây, sẽ thổi bùng ngọn lửa tình nguyện của tuổi trẻ cả nước cùng bước vào những ngày hè tình nguyện thật ý nghĩa, mang sức trẻ dấn thân vào việc mới, việc khó, giải quyết những vấn đề mà địa phương, đơn vị mong chờ.
Tính hành động được thể hiện cụ thể sau Lễ ra quân khi 100% ĐVTN tham dự buổi lễ tại đất mũi Cà Mau sẽ tham gia triển khai, thực hiện ngay các công trình, phần việc tình nguyện thiết thực như trồng rừng; làm sạch biển; tham gia quảng bá sản phẩm du lịch, sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên; hỗ trợ khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân xã Đất Mũi...
THEO TP