Các nhà hàng, quán ăn, dịch vụ ăn uống còn chưa kịp nghĩ ra phương án xoay chuyển tình thế sau tác động của Nghị định 100 về xử phạt nồng độ cồn, thì mới đây lại chịu thêm đòn giáng nặng nề từ dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra.
Lo sợ nhiễm virus, khách hàng chọn phương án ở nhà thay vì đến những chỗ đông người, khiến nhiều chủ quán và nhân viên cùng lâm vào cảnh "ngồi chơi xơi nước".
Tuy nhiên người ta thường nói trong nguy có cơ, đây có thể là thời điểm để các cửa hàng, dịch vụ cùng xem lại hoạt động kinh doanh của mình và thực hiện những điều chỉnh nếu cần thiết. Dưới đây là 6 bước thực tế những người kinh doanh nhà hàng, quán ăn nên chú ý để sớm vượt qua khủng hoảng, ổn định lại hoạt động.
1. Tiết giảm chi phí
Bài toán tối ưu hóa chi phí, tăng doanh thu luôn là bài toán người làm chủ cần chú ý, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng. Một trong những yếu tố tác động đầu tiên phải kể đến là các thiết bị điện, nước. Thậm chí, đôi khi chính sự lãng phí này là nguyên nhân gây thất thoát lớn nhất cho cửa hàng của bạn.
Đối với điện thắp sáng, hãy chuyển sang những loại bóng có tính năng tiết kiệm điện. Đối với nguồn nước, hãy chọn vòi nước có đầu thoát nước đa năng, dễ dàng điều chỉnh được mức nước và lực nước thoát ra. Trường hợp khả năng tài chính của quán ổn hơn, hãy chọn cho mình vòi nước cảm ứng, tự ngắt khi không sử dụng.
2. Đàm phán lại với chủ mặt bằng và nhà cung cấp
Năng lực đàm phán của người chủ có vai trò then chốt giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng nói chung, chứ không chỉ riêng trong đại dịch corona. Do tình hình kinh doanh khó khăn, bạn có thể đề nghị với người chủ mặt bằng hỗ trợ giảm một phần tiền thuê nhà, hoặc giãn thời gian cần thanh toán. Tương tự, với các nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào, hãy đề nghị lùi thời gian thanh toán hoặc trả thành nhiều lần để giảm bớt áp lực tài chính.
3. Đàm phán với người lao đông
Nhiều nhà hàng, quán cà phê phản ứng cực đoan là cho nhân viên nghỉ việc vì không có khách, tự những người chủ sẽ đứng ra trông coi, phục vụ. Tuy vậy trong dài hạn, khi dịch bệnh qua đi, nền kinh tế phục hồi và hoạt động kinh doanh trở lại bình thường, các hàng quán này sẽ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng, đào tạo lại nhân viên từ đầu.
Vậy nên thay vì chọn hình thức cho nhân viên nghỉ việc, người chủ cần đàm phán với họ về các hình thức tạm nghỉ, giảm lương, nghỉ làm luân phiên,... để không tốn nhiều chi phí nhân sự mà vẫn có đội ngũ sẵn sàng làm việc bất cứ lúc nào.
4. Đẩy mạnh kênh bán hàng online
Dịch bệnh khiến khách hàng e ngại đến những nơi đông người và chuyển sang các dịch vụ đặt đồ ăn trực tuyến. Đây là thời điểm thích hợp để những ai còn đang phân vân thì hãy mạnh dạn nghĩ đến chuyện bán đồ ăn trên các ứng dụng trực tuyến như GrabFood, Now, Go-Food hay Baemin.
Việc này vừa giúp các quán có cơ hội tiếp cận tới hàng triệu người dùng mà không cần phải chạy các chiến dịch marketing, quảng cáo tốn kém, vừa tối ưu hoá quy trình vì hoàn toàn có thể cắt giảm những bộ phận không cần thiết như nhân viên bán hàng hay nhân viên giao hàng.
5. Dành thời gian để huấn luyện nhân viên
Khủng hoảng là thời điểm chủ quán có thể tập trung vào hoạt động đào tạo nhân viên, công việc mà lúc bận rộn họ không để ý tới.
Vậy thì, các nhân viên cần được đào tạo thêm về điều gì? Đầu tiên, hãy quan tâm đến thái độ làm việc. Việc nhân viên đến đúng giờ và có tinh thần nỗ lực làm việc tốt hơn sẽ khiến quán tiết kiệm tiền bạc và thời gian đáng kể.
Ngoài ra, chủ quán có thể cân nhắc các chương trình đào tạo về pha chế, nấu ăn do bên thứ ba cung cấp. Bởi những nhân viên được dạy bài bản sẽ tạo ra những sản phẩm tốt hơn, những món đồ ngon hơn và giảm tình trạng lãng phí, sai sót.
5. Sử dụng các kênh truyền thông miễn phí
Truyền thông là một khía cạnh không thể bỏ qua trong thời buổi kinh doanh bùng nổ như hiện nay. Tuy nhiên, trong thời kỳ khủng hoảng, cần phải cắt giảm chi phí, bạn hãy tận dụng các kênh truyền thông có sẵn, miễn phí trên các mạng xã hội, đẩy mạnh nội dung tự nhiên trên fanpage, website.
Mách bạn một bí quyết nhỏ: Các hành động từ thiện, ủng hộ cộng đồng cũng là một phương pháp truyền thông miễn phí nhưng lại rất hiệu quả. Ví dụ, các quán ăn, cà phê đã nghĩ đến chuyện mua dưa hấu giải cứu nông dân, sau đó bán nước ép dưa hấu với giá phù hợp. Như vậy bạn vẫn duy trì được hoạt động kinh doanh mà lại dễ ghi điểm trong mắt khách hàng.
Theo Cafebiz
T.LN1