Một chút tâm tình với ASEAN

(CTG) Nhớ lại thời kỳ khoảng 20 năm trở về trước, người Việt Nam đến thăm các nước ASEAN không dễ dàng. Tôi mang hộ chiếu Việt Nam nên không xin được visa đi Malaysia mặc dù được một học giả nổi tiếng người bản xứ bảo lãnh sang dự hội nghị.


Singapore chắc cũng thế, tôi biết là khó nên không tích cực xin visa mặc dù có cơ hội đi. Hồi đó tôi chỉ đi được sang Thái Lan và Indonesia, những nước tương đối thân thiện với Việt Nam, nhưng thủ tục xin visa cũng rắc rối và mất nhiều thì giờ. Bây giờ thì công dân của các nước ASEAN đến các nước khác trong khối nếu chỉ ở trong vòng hai tuần thì không cần visa. Thời thế thay đổi. Đây đúng là một trong những lợi ích cụ thể người dân được hưởng khi các nước thúc đẩy quan hệ hợp tác ở tầm cao.

Trong các nước ASEAN, tôi có nhiều kỷ niệm với Thái Lan nhất. Sau khi Việt Nam tuyên bố rút quân khỏi Campuchia và bắt đầu bình thường hóa quan hệ với nhiều nước và nhiều cơ quan quốc tế thì ở Thái Lan một không khí phấn chấn, tự tin lan rộng trong giới nghiên cứu, giới ngôn luận và doanh nhân. Phát biểu của Thủ tướng Thái Chatichai (năm 1988) "Đông Dương sẽ chuyển từ chiến trường sang thị trường" đã gây ấn tượng mạnh về tương lai phát triển sáng sủa của vùng này. Dư luận ở Thái lúc đó lạc quan phấn chấn vì hai lý do.

Thứ nhất, họ đã đi trước các nước khác trong vùng về trình độ phát triển nên hy vọng sẽ đóng vai trò truyền đạt kinh nghiệm xây dựng kinh tế thị trường cho Việt Nam, Lào và Campuchia. Thứ hai, thị trường của hàng hóa Thái Lan sẽ được mở rộng, ảnh hưởng của kinh tế Thái trong vùng sẽ ngày càng mạnh. Nhiều học giả Thái và cả một số nhà nghiên cứu nước ngoài đưa ra khái niệm "Vùng kinh tế của đồng baht" để nói về khả năng đồng tiền Thái ngày càng hiện diện ở cả vùng Đông Dương khi ảnh hưởng của kinh tế Thái lan rộng.

Những năm đó tôi thường được mời sang Bangkok hoặc Pattaya, khu nghỉ mát của Thái Lan, tham dự các cuộc hội thảo về những vấn đề nêu trên. Nhiều buổi rất sôi nổi, có khi bàn sang các chuyện về lịch sử. Có một hôm khi bàn về khả năng hợp tác của Thái Lan đối với Việt Nam, một bạn Thái nêu ý kiến là trong quá khứ Thái Lan đã từng giúp một người Việt Nam thắng lợi trong cuộc tranh chấp nội bộ và xây dựng được vương triều hơn 100 năm (ý nói về sự kiện Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm hồi cuối thế kỷ XVIII) nhưng Việt Nam sau đó đâu có đánh giá thiện chí của Thái.

Hôm đó tôi là người Việt Nam duy nhất trong hội nghị nên phải lên tiếng, dĩ nhiên là chỉ cung cấp thêm một số chi tiết liên quan đến sự kiện lịch sử đó và nói thêm là người Việt Nam không chấp nhận việc cầu viện nước ngoài để giải quyết tranh chấp nội bộ. Hồi đó tôi cũng không đồng ý với các bạn Thái là ảnh hưởng của đồng baht sẽ lan rộng tới Việt Nam mặc dù tán thành ý kiến là quan hệ hai nước Việt - Thái sẽ phát triển nhanh. Nhờ những dịp thảo luận này, từ đó tôi có rất nhiều bạn thân Thái Lan, chủ yếu là những người giảng dạy ở Đại học Thammasat hoặc Chulalongkorn.



Người dân Myanmar đi lễ ở chùa Shwedagon, Yangon


Hồi tôi mới đến Nhật, cuối thập niên 1960, ở trong cư xá dành cho sinh viên nước ngoài. Phòng tôi ở cạnh phòng của một sinh viên người Malaysia nên thường gặp nhau trò chuyện. Hồi đó Việt Nam còn chiến tranh. Bên Malaysia thì có xung đột sắc tộc, thường xảy ra các vụ xung đột đẫm máu giữa người Mã, người Hoa và người Ấn.

Bất ổn về chính trị, xã hội nên tương lai kinh tế lúc đó khá mờ mịt. Chúng tôi gặp nhau thường nói lời chia sẻ lo âu về tình hình nước mình và nước bạn. Nhưng từ đầu thập niên 1980, với chiến lược phát triển đúng đắn và chính sách đoàn kết dân tộc thích hợp, Malaysia đã phát triển nhanh, sang thập niên 1990 đã thoát khỏi hình ảnh một nước xuất khẩu cao su và khí đốt, trở thành nơi sản xuất và xuất khẩu hàng công nghiệp quan trọng ở Đông Nam Á. Hiện nay thu nhập đầu người của Malaysia đã lên tới 8.000 USD. Họ đang phấn đấu để chen vào hàng ngũ những nước tiên tiến trong 20 năm tới. Ngày nay ai đến sân bay quốc tế Kuala Lumpur và ngồi trên tàu điện KLIA tiện lợi, nhanh chóng, chỉ mất 30 phút đi từ sân bay về nội thành, sẽ cảm nhận được sự phát triển nhanh của đất nước phức tạp về chủng tộc này.

Do tình hình chính trị trong nước và các mối phức tạp trong quan hệ quốc tế, Myanmar là nước chậm tham gia vào sự năng động của vùng Đông Nam Á. Tôi may mắn có cơ hội thăm đất nước này vào cuối năm 2003. Lúc đó thủ đô vẫn còn ở Yangon, chưa dời về Naypyidaw. Sân bay quốc tế Yangon lúc đó rất nhỏ, sơ sài, hành lý di chuyển từ chỗ làm thủ tục check-in ra cửa sân bay phải do nhân viên mang đi, không có dây chuyền di chuyển tự động. Nhìn chung sân bay Yangon hồi đó về cơ sở vật chất có lẽ gần như sân bay Nội Bài của ta vào đầu thập niên 1980. Nhưng công an cửa khẩu vui vẻ, lịch sự và những người tôi gặp ở sân bay cũng như ở những nơi khác trong mấy ngày ở Yangon để lại trong tôi một ấn tượng rất đẹp.



Tháp Petronas, Kuala Lumpur (Malaysia) về đêm


Đặc biệt tôi ân hận về một chuyện nhỏ ở sân bay khi mới đến. Trong lúc tôi loay hoay tìm hành lý thì một thanh niên đến tìm giúp và khi đã tìm thấy lại sốt sắng giúp chuyển ra bến đỗ taxi. Không may tôi lại chưa đổi tiền vì trước đó lúc sắp hàng trước quầy đổi tiền thì có một khách người Âu - Mỹ đến khuyên nên vào trong thành phố đổi ở khách sạn thì có lợi hơn. Tôi lại có xe của khách sạn đón và lúc khởi hành ở Tokyo rất vội nên không nghĩ đến chuyện chuẩn bị tiền lẻ đôla. Người thanh niên cũng có ý muốn nhận "tip" và thấy tôi lúng túng tìm trong ví thử có đồng đôla nhỏ nào không, anh ta nói luôn: "Tiền baht của Thái cũng được". Nhưng rủi là tôi cũng không có tiền baht. Thế rồi tôi phải nói mấy câu xin lỗi anh thanh niên. Nhưng anh ta không tỏ vẻ khó chịu (dù có thể đang thất vọng), còn lễ phép chào trước khi vào lại trong tòa nhà.

Ở Nhật tôi đã từng nghe nói người Myanmar rất hiền hòa. Trong chuyến viếng thăm đó tôi thật sự cảm nhận như vậy. Đa số vẫn mặc quốc phục, nói năng rất nhẹ nhàng, ngay ở chợ cũng không thấy có nhiều tiếng ồn ào. Đặc biệt có người để lồ lộ ví tiền trong túi quần phía sau dù đang đi giữa phố đông người. Tôi cũng không thấy có người ăn xin ở chợ, ở các đường phố. Có điều là Myanmar bị cấm vận, viện trợ và đầu tư nước ngoài rất ít nên cơ sở hạ tầng kém, phố xá thiếu sinh khí, không sáng sủa, nhộn nhịp như thủ đô Vientian của Lào mà tôi đã ghé qua trước khi đến Yangon. Rất mừng là gần đây lãnh đạo Myanmar đẩy mạnh dân chủ hóa và nhờ đó tình hình quốc tế trở nên thuận lợi. Với tiềm năng về thiên nhiên và con người, Myanmar sẽ nhanh chóng hội nhập vào dòng phát triển của Đông Nam Á. Đặc biệt người Myanmar vốn giỏi tiếng Anh, đây sẽ là một thuận lợi trong việc hội nhập.

Quan hệ của tôi với Philippines khá đặc biệt. Trên đường sang Nhật du học hơn 40 năm trước, máy bay đi từ Sài Gòn dừng lại ở Manila vài giờ trước khi bay tiếp sang Tokyo.

Từ đó cho đến những ngày rất gần đây không có dịp đặt chân đến đất nước này. Nhưng ngẫu nhiên là trong hai tháng cuối năm 2011, tháng nào cũng bay sang Manila dự hội nghị.



Đường phố Manila, Philippines


Đến sân bay quốc tế Ninoy Aquino ở Manila ta sẽ thấy một cảnh tượng rất khác lạ so với sân bay ở nhiều nước khác: rất nhộn nhịp người đưa, người đón. Đón và đưa người đi xuất khẩu lao động mà Philippines gọi là Overseas Filipino Workers (OFW). Ở cửa làm thủ tục xuất cảnh có cả một băng rôn to ghi hàng chữ đại ý là chúc cho các bạn đi lao động ở nước ngoài mạnh khỏe, thành công. Hiện nay mỗi năm

Philippines có hàng triệu người đi lao động nước ngoài và ngoại tệ do OFW chuyển về tương đương trên 10% tổng sản xuất trong nước (GDP). Các bạn Philippines của tôi ai cũng bảo không vui vì hiện tượng này. Tôi chia sẻ tình cảm của họ. Có gì đáng hãnh diện với thế giới khi người dân nước mình phải ra nước ngoài kiếm sống? Dĩ nhiên trong thời đại toàn cầu hóa, lao động di chuyển từ nước này sang nước khác không còn là hiện tượng ít thấy nữa. Tuy nhiên, nếu người nước ngoài đến nước mình chủ yếu để quản lý, kinh doanh, để sở hữu nhà máy và các tư liệu sản xuất khác, còn dân nước mình phải ra nước ngoài lao động, và sự bất tương xứng này không có dấu hiệu chấm dứt trong tương lai gần thì là điều rất đáng lo ngại.

Vào thập niên 1950, ở Á châu, Philippines là nước có trình độ phát triển rất cao, chỉ sau Nhật Bản. Nhưng sau đó do cơ chế, do bất ổn chính trị, xã hội, do một số chính trị gia thiếu tài đức mà Philippines bị bỏ lại đằng sau trong dòng thác công nghiệp ở Đông Á. Trong nửa sau thập niên 1980, qua truyền hình nhìn bà Tổng thống Corazon Aquino nhân hậu và thấy được người dân tin tưởng tôi đã thầm mong đất nước này sẽ chuyển sang thời đại mới. Nhưng rồi tình hình đã không thay đổi. Dân chúng Philippines bây giờ đang mong đương kim tổng thống Benigno Aquino, và là con trai bà Corazon Aquino, có đủ năng lực quy tụ nhân tài vốn rất phong phú của xứ này, và giải quyết các mâu thuẫn nội bộ để đất nước 95 triệu dân sớm vào quỹ đạo phát triển của vùng Đông Á.

Từ nửa năm nay tôi tham gia vào chương trình nghiên cứu kinh tế ASEAN vào năm 2030 do Ngân hàng phát triển Á châu (ADB) tổ chức và thực hiện. Chúng tôi chọn bốn từ khóa (key words) làm mục tiêu phát triển của ASEAN vào năm 2030: Resilient (bền bỉ, vững chắc), Inclusive (bao quát, ai cũng được tham gia và chia sẻ lợi ích), Competitive (cạnh tranh trên thị trường thế giới), và Harmonious (hài hòa với thiên nhiên và xã hội). Bốn từ khóa này kết hợp thành từ RICH. Tôi cũng như các đồng nghiệp ở các nước ASEAN mong vùng Đông Nam Á trong đó có Việt Nam sẽ phát triển bền vững, hài hòa và ngày càng cạnh tranh mạnh trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

 
Theo Doanh Nhân Sài Gòn Cuối Tuần.