|
Đón chúng tôi tại huyện Lakhonpheng, cửa ngõ phía nam tỉnh Salavan là anh Nou Tiêm, bí thư tỉnh đoàn. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, tình thân như trong gia đình. Một hàng rào danh dự gồm học sinh, thanh niên, các ban ngành đoàn thể, lực lượng vũ trang, lãnh đạo chính quyền tay cầm bó hoa dại vẫy chào khách bằng nụ cười thường trực trên môi với tiếng chào ríu rít “Sambaiđi” (xin chào) thân thiện.
Bốn ngày sau, chúng tôi càng cảm nhận hơn tình cảm của bà con các bộ tộc Lào khi về công tác tại Tumlan, một huyện khó khăn miền núi tỉnh Salavan. Bên sâu thẳm đại ngàn, vây quanh là những người dân mộc mạc, chân chất, phảng phất nét hoang dã của núi rừng, hầu như chưa một lần được chăm sóc sức khỏe một cách bài bản, những y bác sĩ đã tận tình, nỗ lực làm việc như quên đi mệt mỏi.
Ông Bou Thong, chủ tịch huyện hôm nào cũng tìm gặp chúng tôi, xởi lởi: “Mong cho hôm nay đừng mưa”, bởi ông biết nếu trời mưa thì các thôn, bản sẽ biệt lập khi lũ rừng về ngăn lối đi khiến người dân không thể đến địa điểm khám chữa bệnh. Thêm một lẽ, trời mưa xuống người dân sẽ tranh thủ làm ruộng. Nông nghiệp tại Lào mỗi năm chỉ duy nhất làm một mùa, đúng vào những ngày đoàn công tác sang làm việc.
Tại nơi xa xôi, hẻo lánh, chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi gặp Y Phon, Nức, Xỉ Thong..., những người nói tiếng Việt rất giỏi, bởi họ đã có những năm tháng không thể quên khi được học tập và sống trên đất nước Việt. Chính họ, bằng sự chăm chỉ, nhiệt tình của mình đã giúp những y bác sĩ quên hết mệt mỏi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khám và cấp thuốc miễn phí cho gần 1.500 bệnh nhân. Rồi tìm lối cắt rừng, đưa bác sĩ tình nguyện VN về tận các bản để khám cho những người già.
Mế Kun Pha La mắt ngấn nước: “Có bác sĩ mế vui lắm. Mùa mưa sang năm qua khám cho mế nữa nhé!”, bàn tay hằn vết nhăn năm tháng cứ bóp chặt tay chúng tôi như không muốn rời.
Ngoài công tác khám chữa bệnh, đoàn công tác còn trao tặng người dân nơi đây hàng trăm chiếc áo thun, hàng trăm suất quà là tập vở và khăn quàng đỏ cho học sinh, mấy trăm cơ số thuốc chữa bệnh còn lại chúng tôi cũng gửi tặng hết cho các bạn. Bởi nơi đây thiếu thốn, khó khăn đủ bề.
Đêm chia tay Tumlan đầy bịn rịn và lạ thay trời bỗng đổ mưa. “Mưa” trong tiếng Lào có nghĩa là về, như thể nhắn lời chào chúng tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về quê hương. Thế nhưng, ông Bun Than, bí thư huyện ủy, ôm chặt chúng tôi lơ lớ mấy câu tiếng Việt: “Mưa lớn đi”.
Hỏi ông tại sao lại muốn thế, ông cười giòn giã, thân thiện: “Để lũ về, các anh ở lại với chúng tôi mãi mãi”. Tấm lòng của người dân Lào thật đơn sơ, mộc mạc, trong sáng như núi rừng.
Đêm ấy, khôn (người) Việt, khôn Lào hòa lẫn vào nhau trong nhịp điệu dân tộc Lào đầy đam mê, cuốn hút. Dường như khoảng cách giữa con người hai bên biên giới không hiện hữu nơi đây. Ngoài kia mưa xối xả, mưa phủ lối đi nơi đại ngàn đất nước bạn, và từ trong cơn mưa ý tưởng về hướng đi mới cho phong trào thanh niên tình nguyện lại trỗi dậy.
Chúng tôi sẽ trở lại nước bạn Lào, đem theo những tình cảm đặc biệt của con người VN sang phía tây dãy Trường Sơn.
Theo Tuổi trẻ