Năm 2012: quan trọng nhất là bình ổn hệ thống ngân hàng

(CTG) Điều quan trọng nhất trong năm nay là có bình ổn được hệ thống ngân hàng hay không, có duy trì được thanh khoản và trên cơ sở đó tái cấu trúc hệ thống ngân hàng một cách an toàn?



Đó là vấn đề được các chuyên gia kinh tế đặt ra và thảo luận sôi nổi tại hội thảo “Từ bình ổn vĩ mô đến khởi đầu cải cách, hướng tới một lộ trình chính sách cho năm 2012 và xa hơn” do đại học Kinh tế (đại học Quốc gia Hà Nội) và trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức sáng 23.2 tại Hà Nội.

Chi phí tái cấu trúc ngân hàng là bao nhiêu?

Thay mặt nhóm chuyên gia kinh tế biên soạn báo cáo “Những thách thức của nền kinh tế Việt Nam từ ngắn hạn, trung và dài hạn”, ông Nguyễn Đức Thành, giám đốc VEPR nhấn mạnh, hiện nay thanh khoản của ngân hàng rất kém do nợ xấu cao. Vì thế đây có thể là điểm nhấn quan trọng nhất trong việc điều hành kinh tế để giữ thanh khoản tốt, mà không gây ra lạm phát. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn có một chút dư địa chính sách, vì năm nay lạm phát có khuynh hướng giảm tương đối so với năm trước. “Chúng ta vẫn còn dư địa nhất định để ngân hàng Nhà nước sử dụng các công cụ về tiền tệ để hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng thương mại bằng cách này hay cách khác, và đi liền với đó là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại”, ông Thành nói.

Ông Thành lý giải, thanh khoản năm nay là vấn đề khó khăn với hệ thống ngân hàng thương mại do thị trường tài chính và môi trường kinh doanh vẫn chứa đựng nhiều bất trắc, cùng những thông số không dự báo được. Nợ xấu trong hệ thống, gốc rễ của vấn đề thanh khoản, không dễ dàng giải quyết tính theo đơn vị quý, chừng nào các thị trường tài sản chưa tan băng để hỗ trợ việc giải chấp, khiến tốc độ lưu thông vốn trong nền kinh tế sẽ thấp hơn mức bình thường. Trong khi đó, nguồn cung thanh khoản trực tiếp từ ngân hàng Nhà nước chỉ mang tính sự vụ, không thể giải quyết dứt điểm vấn đề này. Ngay cả khi ngân hàng Nhà nước có ý định cung ứng một lượng lớn thanh khoản ở kỳ hạn dài, thì bất ổn vĩ mô sẽ nhanh chóng trở lại do lạm phát sẽ bùng lên. Điều này sẽ xoá tan mọi nỗ lực bình ổn vĩ mô trong hơn một năm qua. Ông Thành cho rằng, những cải cách của khu vực ngân hàng là bước tiến bộ đáng kể, và việc đáng quan tâm nhất của cải cách là chi phí mất bao nhiêu, do ai gánh chịu? Các vấn đề đó liên quan đến kỹ thuật điều hành và tổ chức công cuộc tái cấu trúc. Tuy nhiên hiện nhóm nghiên cứu chưa tính được chi phí này.

Theo ông Võ Trí Thành, phó viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thuộc bộ Kế hoạch và đầu tư, sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Thái Lan đã phải mất đến 33% GDP để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, và giảm số lượng từ hơn 300 xuống còn 40 ngân hàng.

Nỗi lo đình đốn trong năm 2012

Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên bộ trưởng bộ Thương mại, giải quyết thanh khoản phải là nhiệm vụ ưu tiên trước mắt của chính sách tiền tệ. Cụ thể, cần tăng cung tiền để bảo đảm thanh khoản, giãn rộng thời gian tái cấp vốn, giúp doanh nghiệp có điều kiện quay vòng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Hai là, ngân hàng Nhà nước mua lại các ngân hàng thương mại mất thanh khoản. Việc mua lại này không làm tăng trưởng tín dụng mà chủ yếu là ngăn chặn nợ xấu lan sang các ngân hàng lành mạnh. Khi thực hiện giải pháp này ngân hàng Nhà nước có thể phát hành tín phiếu để rút tiền về.

Theo ông Tuyển, khi đã xử lý được các ngân hàng yếu kém và giải quyết được vấn đề thanh khoản, thực hiện bỏ lãi suất trần huy động để thị trường xác lập cân bằng. Từ đó chuyển sang xử lý mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát. Năm nay chỉ cần giữ lạm phát dưới 10% để giữ niềm tin trong dân chứ chưa cần phải đưa lạm phát xuống thấp hơn, mục tiêu 6 – 7% có thể thực hiện vào các năm sau.

Góp thêm ý kiến về vấn đề thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ông Võ Trí Thành cho rằng, năm 2012 xử lý bài toán ổn định kinh tế vĩ mô khó nhất chính là lạm phát cao, bất ổn kinh tế cao nhưng sản xuất đình đốn. Tình hình hiện nay cực kỳ khó, Nhà nước và doanh nghiệp đều gặp khó khăn, và xử lý như thế nào thì “2012 là năm nghệ thuật điều hành”.

Trước đó, ông Nguyễn Đức Thành nêu nhận định của nhóm nghiên cứu, lãi suất năm 2012 khó có thể giảm dù kỳ vọng lạm phát có thể giảm xuống dưới 10%, tiếp tục gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhìn rộng hơn, nhóm nghiên cứu nhận định, giai đoạn 2008 – 2011 tăng trưởng hàng năm của Việt Nam chỉ đạt mức trung bình 6% và có khuynh hướng giảm trong những năm tiếp theo. Thậm chí năm 2012 ít có khả năng đạt GDP 6%.

Đáng chú ý, việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công có thể sẽ không đạt được tiến bộ đáng kể nào trong năm 2012 này và do đó, vấn đề tái cấu trúc về cơ bản sẽ thuộc về những năm tiếp theo. Ông Đức Thành nói, có nhiều khả năng cho thấy các tiến bộ cải cách thực sự chưa rõ ràng, thời điểm này chưa nhìn thấy kế hoạch hành động hay lịch trình cụ thể nào.


Theo SGTT