Trần Tuấn Kiệt là học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, TP.Vị Thanh, Hậu Giang. Kiệt mắc hội chứng tự kỷ nên khả năng giao tiếp hạn chế, diễn đạt kém, đôi lúc loạn ngôn ngữ khó hiểu.
Chỉ tay về chiếc bàn đầy lego, ông Trần Đình Tuấn (41 tuổi, cha của Kiệt) cho biết Kiệt hầu như không có bạn bè nên gia đình thường xuyên mua đồ chơi tặng con. Hồi còn bé xíu, Kiệt đã bộc lộ rõ niềm đam mê với trò ghép lego. Với sự mày mò và tự học trên mạng, Kiệt có thể "hô biến" những mảnh ghép vô tri thành siêu xe, tàu lửa, máy bay, ca nô, robot. Đặc biệt, dù khiếm khuyết về trí tuệ nhưng Kiệt rất có động lực tự học tiếng Anh và tin học… "theo cách riêng của mình".
Trước tiên, Kiệt phác họa mẫu thiết kế mô hình xe bằng phần mềm vẽ studio trên máy tính. Sau đó, em viết chương trình điều khiển bằng phần mềm powered up, lắp thêm thiết bị điện tử kết nối bluetooth với điện thoại thông minh. Trong quá trình lắp ráp lego, Kiệt chọn vị trí thích hợp để đặt bộ điều khiển cảm ứng vào xe…
Khi hoàn thiện sản phẩm, Kiệt vô cùng thích thú, vui mừng đến nỗi mang theo vào lớp học. Tại đây, Kiệt nhận được nhiều lời khen và lời khuyên dự thi từ bạn bè và thầy cô.
Do trở ngại trong giao tiếp, Kiệt kết nối với Ngô Đức Trọng (bạn cùng trường) đồng hành, đảm nhận phần thuyết trình trước ban giám khảo. Kết quả, sản phẩm xe lego điều khiển bằng điện thoại thông minh đoạt giải nhất Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hậu Giang lần thứ 10 năm 2023. Hiện, sáng kiến của Kiệt đã gửi tham dự cuộc thi toàn quốc.
Ông Huỳnh Hùng Phương, Trưởng ban giám khảo Tiểu ban các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em, Sở Khoa học - Công nghệ Hậu Giang, cho biết tuy mắc chứng bệnh tự kỷ nhưng Kiệt biết tiếp thu những kiến thức có ích trên internet để tạo ra sản phẩm đồ chơi thiết thực, phù hợp với nhóm tuổi. Ông Phương mong Kiệt sẽ tiếp tục phát huy khả năng, đồng thời khuyến khích các trường lan tỏa nhiều hơn hoạt động sáng tạo những sản phẩm gần gũi, có ích tương tự trong học sinh các cấp.
Theo TNO