Trong nhiệm kỳ qua, các cấp bộ Hội đã chú trọng tổ chức các hoạt động tạo môi trường giúp thanh niên rèn luyện thể chất, nâng cao kỹ năng, trang bị kiến thức nhằm nâng cao năng lực hội nhập quốc tế. Các hoạt động tuyên truyền, vận động thanh niên rèn luyện thể chất được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, như: tổ chức các giải thể thao, đi bộ vì sức khỏe, phong trào mỗi thanh niên 10.000 bước chân mỗi ngày...
Các hoạt động hỗ trợ nâng cao nhận thức về hội nhập, giúp thanh niên rèn luyện kỹ năng, chủ động hội nhập quốc tế được các cấp bộ Hội triển khai theo nhiều hình thức, như: tổ chức các diễn đàn, hội thảo tuyên truyền cho thanh niên về cộng đồng ASEAN và các thể chế Việt Nam tham gia làm thành viên; thành lập, củng cố các câu lạc bộ tin học, ngoại ngữ giúp thanh niên có nhiều cơ hội rèn luyện kỹ năng, kiến thức, nâng cao trình độ.
Bên cạnh đó, các hoạt động trang bị, huấn luyện kỹ năng thực hành xã hội cho thanh niên được nhiều cơ sở Hội chú trọng, bước đầu triển khai có hiệu quả thông qua việc bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết trong quá trình thanh niên học tập và làm việc sau khi tốt nghiệp; tạo môi trường giúp thanh niên khỏe thể chất, vững kỹ năng, chủ động hội nhập quốc tế…
Việc rèn luyện thể chất, nâng cao kỹ năng, trang bị kiến thức cho thanh niên Việt Nam nhằm nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm góp ý kiến, tham luận trong các diễn đàn.
Chia sẻ kinh nghiệm nâng cao thể chất, trí tuệ tại địa phương, đại biểu Lê Bá Hưng, Hội Liên hiệp Thanh niên Bình Thuận cho biết, một số trường Trung học Phổ thông trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đánh giá học sinh không chỉ trên tiêu chí học lực và hạnh kiểm mà còn dựa trên sức khỏe thể chất. Theo đó, thông qua hệ thống đồng hồ hoặc điện thoại thông minh, học sinh thực hiện quy định về số bước chân đi bộ và số bậc thang thực hiện hàng ngày, tính điểm thi đua theo từng tuần, tháng và học kỳ. Để đảm bảo kỹ năng tốt, một số trường thành lập các Câu lạc bộ ở các lĩnh vực khoa học tự nhiên, văn hóa - xã hội, nghề nghiệp, kỹ năng, kiến thức xã hội… giúp học sinh tự tin, áp dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt khi trở thành sinh viên hoặc tốt nghiệp đi làm.
Tuy nhiên, mô hình thí điểm của tỉnh Bình Thuận còn gặp nhiều khó khăn do ý thức tự giác của học sinh chưa cao, việc làm còn chưa thực chất; chưa kết nối được chuyên môn với các chuyên gia… Đại biểu Lê Bá Hưng đề nghị các cấp Hội phối hợp với các cơ quan chức năng ban hành hướng dẫn cụ thể khỏe về thể chất, mạnh về tri thức, quy định chi tiết đến từng đối tượng học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên… qua từng giai đoạn.
Tiếp tục đóng góp ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương, Bí thư Đoàn Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh cho rằng, xu hướng xã hội đang chuyển dần từ giáo dục đại học sang giáo dục các kỹ năng cần thiết, bao gồm yếu tố sáng tạo và khả năng tư duy, phản biện. Trên thực tế, không ít thanh niên “ngại hỏi, ngại phản biện” đã cản trở khả năng tiếp cận các kiến thức mới; việc phát triển các kỹ năng mềm cho thanh niên tại các tỉnh chậm hơn so với các thành phố lớn... Do đó, các cấp Hội cần tạo môi trường sáng tạo cho thanh niên; tổ chức các sân chơi, cuộc thi sáng tạo trong nhiều lĩnh vực, nhằm kích thích khả năng sáng tạo của thanh niên, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên.
Theo đại biểu Nguyễn Thành Linh, Chủ tịch Hội Sinh viên tại Pháp, các Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài là “cánh tay nối dài” của thanh niên trong nước, do đó, các cấp Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến sinh viên, thanh niên Việt Nam ở nước ngoài; cùng nhau tổ chức các hoạt động kết nối, hỗ trợ, đặc biệt trong công tác giáo dục ngoại ngữ và tư vấn du học. Theo đó, nhu cầu tìm hiểu về du học của học sinh, sinh viên Việt Nam hiện nay rất lớn. Điển hình, mỗi chương trình tư vấn du học do Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp tổ chức tại các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… thu hút khoảng 2.000 người tham dự. Do đó, đại biểu Nguyễn Thành Linh đề xuất, hàng năm, các cấp Hội tổ chức diễn đàn du học trên cả nước, từ đó kết nối, tăng hiểu biết về văn hóa, xã hội, kỹ năng ngoại ngữ… cho học sinh, sinh viên nói riêng, thanh niên Việt Nam nói chung.
“Sinh viên du học rất năng động, hòa đồng và có nhu cầu tham gia các hoạt động tình nguyện trong nước. Trong nhiệm kỳ tới, các cấp Hội đẩy mạnh kết nối, tổ chức hoạt động dạy tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha… miễn phí cho thanh niên trên cả nước, đặc biệt thanh niên các tỉnh miền núi, dân tộc. Đồng thời, các cấp Hội cần phối hợp cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng các viện Việt Nam học, tổ chức dạy tiếng Việt, văn hóa Việt cho bạn bè quốc tế và thế hệ trẻ em Việt Nam sinh ra ở nước ngoài, qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam”, đại biểu Nguyễn Thành Linh đề xuất.
Hải Đăng