Nếu trượt một kỳ thi

(CTG) Giữa năm lớp 6, con tôi tuyên bố sau này sẽ làm quản giáo. Tôi đoán là do cháu vừa đọc một bộ tiểu thuyết trinh thám - hình sự - tâm lý tội phạm.

Trước đó, ước mơ của cháu bay qua bay lại giữa các nghề youtuber, streamer vì "hay và dễ nổi tiếng". Đến lớp 7, cháu lại muốn làm nhà tâm lý học "có thể kiếm vài trăm đô một giờ chỉ bằng việc ngồi nghe người khác nói chuyện, hoặc nhìn họ ngủ", các bộ phim Hollywood bảo thế.

Thế rồi một ngày, hâm mộ những người "mặc vest xách cặp đi khắp nơi bắt tay các thủ tướng", cháu quyết tâm trở thành nhà ngoại giao. Tôi liên hệ với một nhà ngoại giao mà cháu từng nhìn thấy nhiều lần trên truyền hình. Trước khi đến gặp bác, tôi nhắc cháu chuẩn bị tất cả những gì con muốn hỏi về nghề, kể cả những điều mà con nghĩ là khó nói ra nhất. Hai bác cháu có buổi trò chuyện nhiều giờ đồng hồ, giúp cháu biết được cả những góc khuất của nghề - không bao giờ được đề cập đến trong các tài liệu tuyển sinh.

Trong nhiều năm, chúng tôi không ngừng nỗ lực: con ước mơ về nghề gì, tôi sẽ tìm người đang làm nghề đó, để con trực tiếp trò chuyện, tìm hiểu; đồng thời xin thông tin, đọc sách báo, phim tài liệu về nghề. Mục đích của tôi chưa bao giờ là khuyến khích, hoặc ngăn cản, mà chỉ giúp con được tiếp cận đa chiều, có đủ thông tin để quyết định.

Hè năm lớp 7, chúng tôi lại nói với nhau về nghề nghiệp. Cháu sẽ thống kê danh sách tất cả trường đại học tại Việt Nam, tất cả ngành đào tạo, kèm theo các tổ hợp môn thi mà những ngành đó xét tuyển. Từ danh sách cả trăm trang, tôi nói với cháu chọn ra 20 ngành con cảm thấy thích nhất, gần với con nhất, có khả năng làm được tốt nhất. Khi cháu đã chọn, tôi tiếp tục đề nghị lập bảng so sánh: ưu điểm, nhược điểm, cơ hội và thách thức khi dấn thân vào nghề đó. Nói nôm na, là bảng phân tích theo mô hình SWOT dạng đơn sơ (Strengths - Điểm mạnh, Weaknesses - Điểm yếu, Opportunities - Cơ hội, Threats - Thách thức).

Tổng hợp được 20 ngành, chúng tôi xếp hạng ưu tiên từ cao đến thấp và loại bớt được 15 nghề. Không phải vì cháu không thích nữa, mà vì cháu đã hiểu, chỉ thích thôi là hoàn toàn không đủ, phải có khả năng làm tốt, có thu nhập, và xã hội cần. Đó là bốn yếu tố cơ bản của mô hình chọn nghề nghiệp Ikigai được áp dụng rộng rãi khi chọn nghề.

Danh sách cuối cùng còn lại 5 nghề, trong đó có một nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, cháu cảm thấy có thể gắn bó suốt đời. Giai đoạn đầu của quá trình hướng nghiệp tạm thời dừng lại ở đó. Chúng tôi còn nhiều thời gian để tìm hiểu về 5 nghề trong shortlist và cũng không loại trừ khả năng sẽ được bổ sung thêm.

Vì sao con cần tìm hiểu ngành nghề từ những năm cấp hai? Vì khi vào cấp ba, các cháu sẽ phải chọn khối để học. Quá trình này nếu để muộn hơn, con sẽ bối rối và có thể lạc lối trong những năm học phổ thông.

Vài tuần trước khi cháu thi vào lớp 10 - kỳ thi khốc liệt nhất trong cuộc đời đa số bạn trẻ ở Hà Nội, mẹ con lại nói chuyện. Tôi nói, 10 năm trước mắt có thể là 10 năm quan trọng nhất cuộc đời con. Vào trường nào, đại học ngành gì, công việc đầu tiên ở đâu, và rất có thể là mối tình thứ nhất, rồi kết hôn và sinh con. Tất cả đều có thể diễn ra trong khoảng thời gian 15 đến 25 tuổi. Và những quyết định trong thời gian này, nhất là quyết định về nghề nghiệp, gần như sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ quãng đời còn lại.

Nhưng có vẻ con tôi đã chọn nghề xong từ mùa hè năm lớp 7. Cháu trung thành với quyết định trở thành một nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp. Lựa chọn này không dễ dàng, bởi cháu hiểu công việc này khó giàu, ít tiếng tăm và cũng không "sang chảnh" như những nghề mà các bạn cùng lớp đang theo đuổi. Song cháu cho rằng mình sẽ cảm thấy hạnh phúc, và mang lại lợi ích cho nhiều người, như vậy là đủ.

5 năm qua, cháu hầu như không đi học thêm, mà dành thời gian đến các trường đại học, tham dự những hội thảo miễn phí, gặp gỡ các chuyên gia trong nghề, để tích lũy thêm thông tin.

Chỉ vài tuần nữa, lứa 2006 con tôi sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tôi vẫn nói với cháu, con vẫn còn thời gian trước khi điền "nguyện vọng 1" và chốt sổ là mình sẽ theo nghề nào. Tôi cũng khuyến nghị rằng, dù đã cân nhắc kỹ, vẫn có thể một ngày nào đó - khi đang trên giảng đường, hoặc đã trong năm đầu tiên đi làm, con chợt nhận ra, lựa chọn của mình là không phù hợp. Không sao cả, ta vẫn có thể thay đổi, cho tới khi tìm được điều đúng đắn. Con có quyền được sai và sẽ học được nhiều điều từ lựa chọn chưa đúng đó.

Năm nào Bộ Giáo dục và Đào tạo và các viện nghiên cứu cũng đưa ra những con số đáng lo ngại về việc định hướng nghề nghiệp của giới trẻ: hơn 60% sinh viên năm nhất không hiểu mục đích của ngành mình theo học; 70% cảm thấy không thỏa mãn với nghề đã chọn; 30% muốn thi lại; thậm chí 20% sinh viên ra trường cảm thấy mình đã chọn sai nghề...

So với áp lực khi nhận ra đã chọn sai, thì chuyện không đỗ nguyện vọng 1 lớp 10 hoặc nguyện vọng 1 đại học xem ra chỉ là chuyện nhỏ. Tôi muốn nói với tất cả bạn trẻ đang đợi kết quả kỳ thi vào lớp 10 năm nay, và các bạn đang chuẩn bị tốt nghiệp lớp 12, rằng nếu không đạt kết quả như mong đợi thì cũng không sao cả.

Không có bầu trời nào sập xuống chỉ vì bạn trượt một kỳ thi.

Quan trọng là, hãy trang bị cho mình đủ kiến thức, chuẩn bị mọi tình huống, và tìm hiểu đủ thông tin để sẵn sàng làm một người trưởng thành, dám chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

Theo Vnexpress