Ngày càng nhiều người trẻ không về nhà ăn tối, không trò chuyện với người thân

(CTG) Công việc, sở thích cá nhân, các mối quan hệ xã hội... cuộc sống của nhiều người trẻ giờ đây bận rộn đến mức họ không có thời gian ăn tối cùng gia đình, trò chuyện với người thân.

Nhiều người né tránh cơm nhà vì ngại đối diện với những câu hỏi khó từ bố mẹ như bao giờ lập gia đình. Ảnh: The Soup.

“Thế bao giờ mới chịu lấy chồng?” là câu hỏi mẹ của Thu Hà (nhân viên bán hàng tại siêu thị điện máy) lặp đi lặp lại trong mỗi bữa cơm tối.

27 tuổi, Hà kiếm được chưa đến 10 triệu đồng/tháng. Bạn trai cô chưa có. 9X cảm giác bản thân chẳng có gì trong tay. Ngay cả cha mẹ mình, Hà cũng không đủ tự tin đối diện.

Mấy năm gần đây, số bữa cơm nhà của Hà cứ ít dần. Tháng trước, cô ước chừng mình ăn cơm tối với bố mẹ chưa đến 10 bữa. Một phần vì bận nhưng chủ yếu Hà muốn né tránh những câu hỏi của mẹ.

“Vẫn biết mẹ chỉ hỏi han, quan tâm nhẹ nhàng thôi. Nhưng với mình đó là áp lực rất lớn”, cô gái gần 30 tuổi nói.

Kể từ khi ra trường tới giờ, Hà có duy nhất một mảnh tình vắt vai. Tuy nhiên, bạn trai cô đi du học. Hai người chia tay năm Hà 24 tuổi.

Ba năm sau đó, 9X không còn mấy hứng thú với tình yêu. Hầu hết thời gian của cô đều dành cho công việc, bạn bè và tập thể dục. Hà coi việc tập yoga như chân lý sống. Nó giúp cô khỏe mạnh, dẻo dai và thay đổi suy nghĩ theo hướng tích cực hơn.

17h tan làm, Hà chạy về nhà thay đồ để kịp vào lớp lúc 18h. Tập khoảng hai tiếng, cô vệ sinh cá nhân tại trung tâm và đi ăn tối, có khi với bạn nhưng đa phần là một mình.

Ngày nào cũng vậy, Hà thường trở về nhà lúc 21-22h. Khi ấy, bố mẹ cô đã về phòng đi ngủ.

“Càng ít thời gian tiếp xúc, càng đỡ có chuyện. Mình nghĩ vậy nên ăn tối ở ngoài là chủ yếu", 9X kết luận.

Thu Hà không phải là người duy nhất hiếm khi ăn tối ở nhà và coi đó là chuyện bình thường.

Với những lý do khác nhau như bận rộn công việc, có hẹn cùng bạn bè, mệt mỏi vì loạt câu hỏi khó của phụ huynh... nhiều người trẻ ở độ tuổi 20, 30 ngày càng có nhiều lý do để né tránh những bữa cơm gia đình.

Nguyễn Trung Hiếu (25 tuổi, TP.HCM) là nhân viên của một công ty phần mềm. Hiếu sống cùng bố mẹ ở một căn hộ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM còn công ty anh ở quận 4.

Một tuần 5 ngày, Hiếu đều ra ngoài lúc 7h30 và có mặt ở nhà sau nửa đêm. Anh dành 2 ngày cuối tuần để ăn cơm với gia đình. May mắn thì một tuần sẽ có 4 bữa còn nếu không thì chỉ còn 2 bữa trưa thứ 7 và chủ nhật.

Hành trang ra khỏi nhà của chàng trai 25 tuổi không có gì đặc biệt: bình nước cá nhân, túi đồ tập.

Hiếu bắt đầu công việc lúc 8h30, kết thúc vào 17h30 mỗi ngày. Sau đó, anh tập gym ở tòa nhà đối diện công ty.

Xong việc cũng đã quá giờ cơm ở nhà. Thấy con trai hay về trễ, mẹ Hiếu thường hỏi: “Dạo này yêu em nào rồi, tối nào cũng thấy đi chơi".
Nhưng thật ra, đã 3 năm nay, Hiếu không có bạn gái.

Buổi tối là thời gian anh dành để ngồi cafe đọc sách hoặc tán gẫu với bạn bè. Tới chừng 23h, anh sẽ chạy xe dạo 1 vòng Sài Gòn kiếm chút gì đó bỏ bụng.

Khi thì phá lấu, lúc là bánh canh… rồi mới chạy về nhà.

“Khoảng 2 năm nay mình không ăn tối với bố mẹ. Thử tưởng tượng tới giờ kẹt xe, chạy từ quận 4 về Bình Thạnh là không chịu được rồi”, Hiếu kể.

9X nói bố mẹ anh là những người dễ tính và biết cuộc sống của giới trẻ bây giờ.

Họ chẳng yêu cầu con trai phải có mặt buổi tối ở nhà bởi biết chắc sau đó, nó sẽ lại xách xe chạy đi chơi. “Làm gì cũng được nhưng nhớ ăn uống đầy đủ", mẹ Hiếu thường dặn con trai như vậy.

Lâu rồi cũng thành quen, Hiếu không còn thói quen ăn cơm nhà buổi tối và cũng chẳng có cảm giác thèm.

Suy cho cùng, vẫn do địa điểm công ty và nhà cách nhau quá xa.

“Thà ăn ngoài còn hơn dành cả tiếng để bon chen trên đường về nhà. Bao giờ công ty chuyển về gần nhà, chắc chắn mình sẽ về ăn cơm với mẹ", Hiếu quả quyết.

"Không phải quan tâm đến những điều người khác nghĩ"
Giới trẻ không còn mặn mà với những bữa cơm gia đình bên người thân. Không chỉ Việt Nam, đó là câu chuyện phổ biến ở các quốc gia châu Á và một số nước phương Tây.

Hàn Quốc vốn nổi tiếng với nét văn hóa sum vầy bên mâm cơm gia đình. Các bữa cơm sáng, tối bắt buộc phải có mặt đông đủ các thành viên.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhiều nghiên cứu chỉ ra truyền thống này ngày càng phai nhạt vì con người bị cuốn vào vòng xoáy của công việc, học hành và không còn hứng thú với việc chia sẻ.

Xu hướng có tên là "honbap" (kết hợp giữa từ "honja" có nghĩa là một mình và "bap" có nghĩa là ăn trong tiếng Hàn) - ám chỉ những người chỉ luôn ăn tối một mình - phổ biến tại xứ sở kim chi.

Theo khảo sát của Tập đoàn Thương mại Nông nghiệp và Thực phẩm Hàn Quốc đầu năm 2019 với 3.014 người trưởng thành, trung bình một người ở độ tuổi 20 ăn tối một mình hơn 5 lần/tháng.

Một nghiên cứu năm 2017 chỉ ra rằng việc ăn một mình làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì lên 45%. Vậy tại sao nhiều người trẻ Hàn Quốc vẫn không muốn chia sẻ bữa ăn bên gia đình, bạn bè?

Kết quả khảo sát của nhà nghiên cứu Oh Yoo-jin của Viện Y tế Hàn Quốc được công bố vào năm ngoái chỉ ra nhiều lý do khiến người Hàn ít ăn tối ở nhà hơn.

Đối với nhóm thuộc độ tuổi 20, 24% cho biết họ không sắp xếp được thời gian, 23% không có ai ăn cùng.

Còn với những người 30 tuổi trở lên, lý do phổ biến nhất là không có người ăn cùng (38%), tiếp theo là không có thời gian (21%).

Trả lời phỏng vấn tạp chí Vogue, người mẫu Ahreum Ahn, nổi tiếng là một tín đồ "honbap", cho biết không chỉ vì bận rộn hay không có người ăn cùng, cô thực sự tận hưởng cảm giác dùng bữa một mình.

"Đó là thời gian dành riêng cho bản thân. Không còn những áp lực của xã hội: độ tuổi kết hôn, mức lương ổn định... Tôi không cần phải quan tâm đến những điều người khác nghĩ", Ahn nói.

Những quán ăn, nhà hàng dành cho một người ngày càng phổ biến tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh. Ảnh: Getty.

Cuộc khảo sát vào cuối năm 2017 với gần 2.000 người trên 20 tuổi của chính phủ Nhật Bản cho thấy 11% người trẻ xứ Phù Tang ăn một mình hầu như tất cả các ngày trong tuần. 4,3% có từ 4-5 bữa mỗi tuần không ăn cùng người thân.

Những con số này cao hơn rất nhiều so với kết quả của khảo sát tương tự được thực hiện vào năm 2011.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng giới trẻ Nhật Bản nhận thức việc ăn cùng các thành viên là rất quan trọng đối với sức khỏe lẫn mối quan hệ gia đình. Tuy nhiên, lý do chủ yếu khiến hầu hết chọn ăn một mình ở ngoài là vì không có thời gian, quá bận rộn với công việc.

Còn tại Anh, gần 1/3 người trưởng thành ăn một mình hầu hết bữa ăn trong ngày, theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Quốc gia, được thực hiện với hơn 8.000 người.

Cuộc khảo sát của công ty Mintel (Anh) với 2.000 người tiêu dùng từ 18 tuổi trở lên cũng cho thấy 1/3 người trẻ thường xuyên không ăn tối cùng gia đình.

Trang web đặt chỗ OpenTable báo cáo nhu cầu đặt chỗ bữa ăn cho một người ở các nhà hàng đã tăng 160% trên toàn nước Anh kể từ năm 2014.

Các nhà hàng, quầy bar với chỗ ngồi được thiết kế cho một thực khách ngày càng trở nên phổ biến tại xứ sở sương mù.

“Mỗi thời mỗi khác”

Gia đình cô Hoàng Thị Phương (52 tuổi, quận Thủ Đức) có 4 người, gồm 2 vợ chồng và 2 con. Con gái lớn cô Phương đang du học Nhật Bản. Còn con trai út đang theo học năm cuối đại học và sống cùng bố mẹ.

Từ khi các con lên đại học, cô Phương nói gia đình hiếm khi có bữa cơm đầy đủ các thành viên. Con gái đi học xa, có khi cả năm không về nhà. Cậu con trai hầu như chẳng bao giờ có mặt trước giờ cơm tối.

“Ngoài học ra thì lúc nào nó cũng kêu bận, nào sinh hoạt câu lạc bộ của khoa, tham gia hoạt động ngoại khóa ở trường, lâu lâu lại nghe xin đi cà phê với bạn…”, cô Phương kể về đứa con trai 22 tuổi.

Vốn đã neo người, nay con cái lớn đều bận bịu với công việc riêng nên nhà cửa lúc nào cũng cảm thấy thiếu hơi người.

“Bữa cơm nhiều khi chỉ có hai ông bà già ngồi nhìn nhau với cái tivi, cũng thấy buồn”, bà mẹ ngoài 50 tuổi nói.

Thời gian trước, cô Phương thường phàn nàn với con trai về chuyện về nhà trễ, không ăn cơm cùng bố mẹ. Cô nghĩ bữa cơm gia đình vừa tốt cho sức khỏe của con, đồng thời cũng giúp các thành viên trong nhà thêm gắn bó, hòa hợp với nhau.

Tuy nhiên, có lần con trai cô gắt gỏng: “Con lớn rồi, đâu còn nhỏ dại gì nữa. Mẹ phải để con có thời gian ra ngoài giao du kết bạn chứ”.

Từ sau lần đó, cô Phương không còn đề cập hay cằn nhằn chuyện con đi sớm về hôm nữa.

“Chắc là mỗi thời mỗi khác. Cũng chẳng thể ép con cái theo ý mình cả đời được”, cô Phương nói.
Tuy nhiên, khác với cô Phương, cô Trần Phương Nhi (45 tuổi, sống tại quận 2, TP.HCM, đang làm việc ở một ngân hàng) và chồng có suy nghĩ khác.

Đôi vợ chồng gần đây áp dụng “thiết quân luật” với hai cậu con trai đang học cấp 3 và đại học bằng cách ra “nội quy gia đình”.

Ngoài những quy định lặt vặt liên quan đến dọn dẹp vệ sinh, nội quy có 3 điều mới: cố gắng ăn sáng ở nhà, 4/7 bữa cơm tối có đầy đủ các thành viên trong gia đình, riêng cậu út phải về nhà trước giờ "giới nghiêm" 23h.

Theo cô Nhi, nếu không đưa ra quy định này, cô, chồng cô và các con hầu như chẳng có thời gian nhìn mặt nhau dù sống chung một nhà. Hai vợ chồng mỗi tuần đi làm hơn 5 ngày, ra khỏi nhà từ 7h đến gần 20h mới về.

Còn hai cậu con trai các ngày trong tuần đều đi học, cuối tuần cũng hiếm khi ở nhà.

“Cảm giác cha con cả tuần không nhìn mặt nhau, mẹ con cả tháng không nói chuyện dù ở chung rất khó chịu. Gia đình mà thiếu tương tác với nhau thì kiểu gì cũng xảy ra chuyện”, cô Nhi nói.

Không chỉ con cái mới phải chấp hành “nội quy gia đình”, ngay cả chính vợ chồng cô Nhi cũng tự đặt ra cho mình những quy tắc riêng.

Cả hai luôn cố gắng dậy sớm nấu bữa sáng và tối nào cũng về nhà chuẩn bị thức ăn đầy đủ, trò chuyện với con nhiều hơn từ hỏi han việc học, trường lớp đến quan tâm bạn bè, các mối quan hệ của con…

“Tất nhiên ai cũng có công việc riêng nhưng nếu biết nghĩ cho gia đình một chút, dành thời gian cho nhau thì cũng không có gì là quá khó khăn”, bà mẹ U50 nói.
Thời gian trước, cô Phương thường phàn nàn với con trai về chuyện về nhà trễ, không ăn cơm cùng bố mẹ. Cô nghĩ bữa cơm gia đình vừa tốt cho sức khỏe của con, đồng thời cũng giúp các thành viên trong nhà thêm gắn bó, hòa hợp với nhau.

Tuy nhiên, có lần con trai cô gắt gỏng: “Con lớn rồi, đâu còn nhỏ dại gì nữa. Mẹ phải để con có thời gian ra ngoài giao du kết bạn chứ”.

Từ sau lần đó, cô Phương không còn đề cập hay cằn nhằn chuyện con đi sớm về hôm nữa.

“Chắc là mỗi thời mỗi khác. Cũng chẳng thể ép con cái theo ý mình cả đời được”, cô Phương nói.

 

Theo TPO