Nghệ An: Đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng vốn vay ủy thác từ Ngân hàng chính sách xã hội

(CTG) Trong thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã thực hiện tốt công tác quản lý sử dụng nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Công tác phối hợp giữa tổ chức Đoàn thanh niên với Ngân hàng chính sách xã hội ở các địa phương được thực hiện hiệu quả, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra.

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác từ NHCSXH

Tính đến hết tháng 3 năm 2021, tổng dư nợ vốn vay ủy thác từ NHCSXH do Đoàn Thanh niên quản lý là 1.547 tỷ đồng (tăng 40% so với đầu năm), tổng số dư tiết kiệm là 94.152 triệu đồng, với 1.086 tổ TK&VV và 39.162 hộ vay và 24 chương trình cho vay. 

Từ nguồn vốn vay ủy thác đã giải quyết được nhiều việc làm cho thanh niên nông thôn, nhiều mô hình thanh niên phát triển kinh tế đã phát huy được hiệu quả, góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế tại các địa phương. Điển hình như anh Hoàng Văn Lành (sinh năm 1987) - Bí thư Đoàn xã Hưng Tân, Phó chủ tịch Hội LHTN huyện Hưng Nguyên, là một gương thanh niên phát triển kinh tế huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Vào năm 2013, anh Lành vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư sản xuất nước đóng bình, đóng chai. 

“Nhờ có tổ chức Đoàn mà tôi được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Tôi đầu tư phát triển mô hình sản xuất nước đóng bình, đóng chai, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động, doanh thu hàng năm đạt 500 triệu đồng ” – Anh Lành chia sẻ. 

Mô hình sản xuất nước đóng chai đóng bình của anh Hoàng Văn Lành vay vốn từ nguồn vốn uỷ thác từ NHCSXH

Từ số vốn vay từ NHCSXH, đến nay, vợ chồng anh Hoàng Văn Lành đã có một xưởng sản xuất nước đóng bình, đóng chai rộng rãi, đầy đủ trang thiết bị, vợ chồng anh vừa mới xây dựng căn nhà khang trang trị giá hàng trăm triệu đồng. Chính nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đã tạo nên “bước đệm” giúp cho giấc mơ vươn lên làm giàu chính đáng của đoàn viên, thanh niên trở thành hiện thực ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.

Có thể nói, công tác phối hợp giữa tổ chức Đoàn thanh niên với Ngân hàng CSXH ở các địa phương được thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, công tác quản lý, sử dụng vốn vay ủy thác từ NHCSXH vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Hoạt động vay vốn tại một số địa phương còn chồng chéo, không đúng quy định, vẫn còn thực trạng hộ có nhiều người cùng vay vốn, hộ vay chồng chéo chương trình; Chất lượng mạng lưới tổ TK&VV tại một số đơn vị chưa được cải thiện nhiều, vẫn còn tổ có thành viên ít, dư nợ thấp, một số tổ không tham gia giao dịch đầy đủ hàng tháng; Việc phối hợp với NHCSXH tại một vài đơn vị trong giám sát, kiểm tra, đôn đốc người vay chưa tốt, nhiều trường hợp từ khi vay vốn đến nay chưa nộp lãi; Chất lượng dịch vụ ủy thác một số nơi chưa được cải thiện, tỷ lệ nợ quá hạn vẫn còn cao; Kết quả huy động tiền gửi tiết kiệm còn thấp tại một số đơn vị. 

Một trong những nguyên nhân đó là số hộ vay bỏ địa phương đi làm ăn xa, một số già yếu không người thừa kế; một số hộ không có thu nhập thường xuyên nên phải chờ tới mùa vụ thu hoạch mới trả vốn và lãi một lần; ngoài ra, số hộ không đất sản xuất nên phải đi làm thuê thì cũng chờ vào mùa thu hoạch mới có việc làm để có thu nhập trả nợ và lãi. Trong công tác đôn đốc nợ đến hạn, quá hạn, lãi tồn đọng chưa được một số tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn chú trọng, chưa thông báo kịp thời cho hộ vay và chưa tích cực đôn đốc khi có nợ quá hạn phát sinh… từ đó dẫn đến việc nợ quá hạn thường xuyên phát sinh tăng, nên tỷ lệ nợ quá hạn cao.

Những định hướng trong thời gian tới

Để phát huy hiệu quả vốn vay ủy thác, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát; thực hiện kiểm tra theo kế hoạch đề ra. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các đơn vị Đoàn xã, phường, thị trấn đăng ký nhận chỉ tiêu huy động tiền gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch xã; tăng cường đôn đốc xử lý, thu hồi đối với các trường hợp cho vay chồng chéo, đồng thời chỉ đạo thực hiện nghiêm túc họp bình xét vay vốn và nâng cao chất lượng kiểm tra sử dụng vốn vay trong vòng 30 ngày để hạn chế sai sót. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với NHCSXH các huyện, thành, thị có biện pháp đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn, thu lãi đảm bảo yêu cầu; thực hiện giải pháp tăng cường quy mô, chất lượng hoạt động của tổ TK&VV.

Dù công tác ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh còn những khó khăn nhất định, nhưng có thể khẳng định, vốn vay từ NHCSXH ủy thác qua Đoàn Thanh niên tỉnh Nghệ An quản lý được đoàn viên và người dân đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ổn định ở các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. 

Trịnh Hằng - Tỉnh đoàn Nghệ An