Người lính quân hàm xanh và con chữ nghĩa tình

(CTG) Từ việc tiết kiệm chi tiêu trong sinh hoạt và 500 đồng/người/ngày, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lai Châu đã gây dựng nên “Hũ gạo tình thương” giúp học sinh nghèo được theo đuổi giấc mơ con chữ. Hũ gạo tình thương không chỉ là những câu chuyện cảm động mà còn là nghĩa tình giữa những người lính biên phòng với đồng bào dân tộc nơi biên cương xa xôi


Trung tá Nguyễn Thái Nguyên, Chính trị viên Đồn BP Ka Lăng cùng Vàng Phì Pứ và ông ngoại Chu Xé Giá.



“Hũ gạo tình thương” đưa em đến lớp

Hơn 1 năm nay, đồn BP Ka Lăng có 1 thành viên đặc biệt, đó là nữ học sinh Chu Gió Pa, người dân tộc Hà Nhì đang học lớp 7 trường THCS xã Ka Lăng. Nhà Pa ở bản Ló Mé, cách trung tâm xã gần 1 ngày đường đi bộ. Từ ngày nhận được sự giúp đỡ từ “Hũ gạo tình thương” của đồn BP Ka Lăng, Pa như một thành viên “biên chế” của đồn BP. Hàng ngày, Pa cũng thức dậy vào giờ báo thức, cũng đến bếp ăn khi có kẻng. Chỉ khác là đến giờ làm việc, em lại cắp sách tới trường và khi các chú biên phòng sinh hoạt vào buổi tối thì em ngồi vào bàn học. Mỗi tối, em lại được cán bộ, chiến sĩ thay phiên nhau kèm học bài. Bởi vậy, Pa luôn đứng đầu các môn học trong lớp. Chu Gió Pa chỉ là một trong 4 học sinh được đồn BP Ka Lăng nhận đỡ đầu giúp các em đến trường thông qua quỹ “Hũ gạo tình thương” của đơn vị. 3 học sinh còn lại gồm: Vàng Phì Nhứ (SN 1988) người dân tộc Hà Nhì, Lì Lò Cà và Lỳ Gó Nhù (SN 1998), người dân tộc La Hủ. Đầu năm học, các em được đồn BP cấp đồ dùng học tập, quần áo. Hàng tháng, Nhứ, Cà và Nhù còn được đồn BP trợ cấp 200 nghìn để mua gạo và thức ăn.

Cách Ka Lăng không xa, “Hũ gạo tình thương” của đồn BP Hua Bum đã tiếp sức cho Lò Me Mêm (SN 1999, dân tộc Mảng) vượt quãng đường từ bản Nậm Nghẹ đến trung tâm xã để theo học lớp 5, trường Tiểu học Hua Bum. Niềm vui đó cũng đến với cha mẹ em Pờ Há Ni (SN 2006, dân tộc Hà Nhì), ở bản Chung Chảo Pá, vì bắt đầu từ tháng 10-2010, em được sự hỗ trợ đỡ đầu của đồn BP Hua Bum. Đại úy Dương Văn Út, Phó đồn trưởng đồn BP Hua Bum tâm sự: “Chúng tôi có kế hoạch đón 2 cháu Mêm và Ni về đồn BP chăm sóc nhưng do các cháu còn nhỏ, rất cần bàn tay chăm sóc của bố mẹ nên việc này sẽ tạm gác lại. Tạm thời, chúng tôi sẽ chu cấp cho các cháu 300 nghìn mỗi tháng”. Với đồn BP Dào San, hiệu quả thiết thực từ “Hũ gạo tình thương” là nguồn động viên, khích lệ cho 2 học sinh là Dì Thỉ Nỉ (SN 1992), dân tộc Mông tại bản Hợp 2, xã Dào San và Tẩn Lao Lủ (SN 1994), dân tộc Dao, ở bản Nhóm 3, xã Vàng Ma Chải đang học cùng lớp 11 trường PTTH Dào San. Hàng  tháng, đơn vị hỗ trợ 5kg gạo, 5kg rau (do đơn vị tăng gia) và 50 nghìn đồng để các cháu có thêm chi phí sinh hoạt. Mặc dù số tiền hỗ trợ chưa nhiều, nhưng với sự ổn định như thế này, cán bộ, chiến sĩ tin rằng các cháu sẽ yên tâm và chuyên cần hơn trong học tập để nối tiếp danh sách 20 sinh viên của Dào San đang học tại các trường đại học ở Hà Nội.

Chung tay vì sự nghiệp trồng người

Mô hình các đơn vị BĐBP hỗ trợ, đỡ đầu các cháu học sinh cũng đã được triển khai tại nhiều đơn vị biên phòng trên cả nước. Tại biên giới Lai Châu mô hình đã trở thành phong trào sâu rộng. Đại tá Nguyễn Hồng Minh, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Lai Châu cho biết: “Hũ gạo tình thương” là một trong các phong trào triển khai trong cuộc vận động “Học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cùng chung tay với các ngành, các cấp trên địa bàn giúp cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Trước khát vọng được học tập của con em đồng bào dân tộc, trách nhiệm của người lính BP đối với bà con nơi biên giới càng được thêm hun đúc. Mỗi cán bộ, chiến sĩ đều dốc tâm, bằng mọi cách để “Hũ gạo tình thương” ngày càng phát triển nhân rộng. Đến nay, tổng số học sinh được các đồn BP trên tuyến biên giới Lai Châu nhận được sự hỗ trợ của “Hũ gạo tình thương” đã lên đến 30 cháu. Trong thời gian tới, số học sinh được hưởng nguồn lợi từ nguồn quỹ này sẽ còn tăng lên nhờ sự quyên góp, vận động của các đơn vị BP. Thiếu úy Phạm Văn Phương, cán bộ đồn BP Hua Bum bày tỏ: “Mỗi người đóng góp 15.000 đồng vào “Hũ gạo tình thương” hàng tháng, số tiền tuy ít ỏi nhưng là nguồn động viên lớn đối với học sinh nghèo vùng cao. “Hũ gạo tình thương” không chỉ có ý nghĩa với các em học sinh được giúp đỡ mà còn giúp các thầy cô giáo, các nhà trường duy trì sự nghiệp trồng người đầy gian truân nơi biên giới.

Vàng Phì Pứ, con nuôi của đồn BP Ka Lăng xúc động nói: “Bố mẹ em đã mất hết, em ở với ông ngoại. Đã mấy lần tưởng phải bỏ học đi nương nhưng giờ thì em đã yên tâm đến lớp. Em sẽ cố gắng học thật giỏi, không phụ công các chú BĐBP. Em muốn trở thành cô giáo, mang cái chữ cho người Hà Nhì, người La Hủ quê em”. Dù tiếng phổ thông không được chuẩn nhưng ông Chu Gió Hừ và bà Lì Khừ Pư đã cố gắng nói hết những suy nghĩ của mình khi được hỏi về việc con gái Chu Gió Pa được đồn BP nhận nuôi ăn học: “Nhà tôi có 3 đứa con, Pa là con đầu. Đứa thứ 2 học hết lớp 5 bỏ học rồi, giờ theo chúng tôi đi nương. Thằng út đang học lớp 1. Nhà nghèo, cứ tưởng phải cho cái Pa nghỉ học dù nó sáng dạ, thích học lắm. Giờ thì an tâm rồi, nó được đồn BP nuôi, nó sẽ trở thành người tốt”.

Đó chỉ là một vài lời giãi bày, tâm sự của những người xây dựng và những người được hưởng lợi từ “Hũ gạo tình thương” mà chúng tôi được nghe và biết. Điều đó khiến chúng tôi thêm hiểu “Hũ gạo tình thương” không chỉ đơn giản là giúp các em học sinh đến trường mà còn là cả nghĩa tình cao đẹp của những người lính biên phòng đối với đồng bào nơi biên cương.

Theo Biên phòng