Người trẻ lao đao vì bị ăn cắp chất xám, đạo nhái logo

CTG - Vi phạm bản quyền logo và ý tưởng sáng tạo gây lao đao cho người trẻ. Tình trạng này diễn ra phổ biến dù đã có quy định pháp luật. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là cần thiết. Tìm hiểu cách bảo vệ logo và sáng tạo của bạn.

Lao đao vì sản phẩm sáng tạo bị đạo nhái

Nguyễn Minh Tùng (24 tuổi), làm việc tự do và kinh doanh homestay tại đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) cho biết từng lao đao vì tên và logo của homestay mà bản thân kỳ công thiết kế trong hơn 2 tháng bị sao chép. Tùng nói ngay sau khi thiết kế xong logo mang tên “Rì Rào” thì đã đăng ký sở hữu trí tuệ vào cuối năm 2022.

“Khoảng tháng 5.2024, một người bạn đã phát hiện có một quán cà phê tại tỉnh Quảng Bình sử dụng logo “Rì Rào” giống với homestay của mình. Ban đầu, bạn ấy và nhiều người khác nhầm lẫn là mình mở thêm dịch vụ”, Tùng kể lại.

Người trẻ lao đao vì bị ăn cắp chất xám, đạo nhái logo- Ảnh 1.

Logo homestay "Rì Rào" (trái) của Tùng bị một quán cà phê ở tỉnh Quảng Bình đạo nhái

ẢNH: NVCC

Tùng đã chủ động liên lạc với bên quán cà phê để giải quyết vấn đề bản quyền thương hiệu một cách thiện chí. Mặc dù ban đầu chủ quán cà phê kia đổ lỗi cho người thiết kế logo và hứa sẽ gỡ bỏ nội dung vi phạm, nhưng sau đó vẫn giữ nguyên.

Để bảo vệ quyền lợi, Tùng đã quyết định công khai vụ việc trên mạng xã hội, kèm theo giấy tờ chứng minh quyền sở hữu thương hiệu. Trước sức ép từ dư luận và sự minh bạch của thông tin, bên phía quán cà phê đã buộc phải gỡ bỏ nội dung vi phạm và xin lỗi công khai. Dù nhiều người khuyên nên kiện, nhưng Tùng đã chọn cách bỏ qua vụ việc, vì không muốn tốn thời gian, đồng thời cảm thấy hài lòng với lời xin lỗi đã nhận.

Người trẻ lao đao vì bị ăn cắp chất xám, đạo nhái logo- Ảnh 2.

Nguyễn Minh Tùng

ẢNH: NVCC

Tùng nhấn mạnh rằng đăng ký bảo vệ thương hiệu là điều cần thiết cho mọi doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty nhỏ: “Việc này, không chỉ bảo vệ quyền lợi hợp pháp mà còn giúp nâng cao uy tín và sự nhận diện trên thị trường. Tùng cảnh báo rằng doanh nghiệp nhỏ thường là mục tiêu của các hành vi vi phạm thương hiệu. Vì vậy, đầu tư vào bảo vệ thương hiệu ngay từ đầu là một quyết định chiến lược”.

Người trẻ lao đao vì bị ăn cắp chất xám, đạo nhái logo- Ảnh 3.

Áo thun in logo Thanh Niên rao bán công khai trên mạng

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

N.V.N, nam sinh viên ngành thiết kế thời trang tại một trường đại học ở Q.7 (TP.HCM) từng bị một nhà thiết kế sao chép ý tưởng: “Mình đã lên bản vẽ từ tháng 8.2022 và có đăng tải lên mạng xã hội. Vì đây là sản phẩm đồ án môn học nên mình cũng vô tư đăng tải và không có một sự bảo trợ sáng tạo nào từ cơ quan chức năng. Đến tháng 5.2023, mình ngỡ ngàng vì thấy chiếc váy mình vẽ xuất hiện trong bộ sưu tập của một nhà thiết kế. Lúc đó, mình như chết lặng, ngỡ ngàng trước sự thật”.

N. đã liên hệ riêng với nhà thiết kế để trao đổi thông tin. “Một thương hiệu thường có đội ngũ nhiều nhà thiết kế. Tất cả cùng nhau tạo nên bộ sưu tập thời trang đứng tên thương hiệu của một nhà thiết kế. Vì vậy, nhà thiết kế trên cũng không kiểm soát được quá trình làm việc của nhân viên. Câu chuyện đã được giải quyết nội bộ trong êm đẹp”, N. chia sẻ.

N. khuyên các bạn trẻ đang làm công việc sáng tạo nên cẩn trọng trong việc đăng tải thông tin lên mạng xã hội để tránh bị sao chép, ăn cắp chất xám.

Đạo nhái logo là hành vi vi phạm pháp luật

Thạc sĩ, luật sư Trần Anh Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết theo Điều 129, luật Sở hữu trí tuệ, các hành vi như sản xuất, phân phối, kinh doanh hàng hóa có nhãn hiệu giả mạo hoặc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đều bị coi là vi phạm pháp luật. Chủ sở hữu có quyền yêu cầu ngừng hành vi vi phạm, thu hồi hàng hóa và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Luật sư Tuấn cho biết tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, pháp luật có thể áp dụng các mức xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với vi phạm hành chính, người vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến 500 triệu đồng (Nghị định 99/2013/NĐ-CP).

Trong khi đó, vi phạm hình sự có thể bị phạt tiền đến 1 tỉ đồng, phạt tù lên đến 3 năm (Bộ luật Hình sự 2015). Pháp nhân thương mại có thể chịu phạt đến 5 tỉ đồng và đình chỉ hoạt động tới 2 năm. Những quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu trí tuệ và tạo môi trường kinh doanh công bằng.

Theo luật sư Tuấn, để bảo vệ chất xám và thành quả sáng tạo, cá nhân và doanh nghiệp cần đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Bao gồm đăng ký nhãn hiệu, bản quyền, hoặc sáng chế với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam để bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Việc này giúp khẳng định quyền sở hữu và tạo cơ sở pháp lý vững chắc để bảo vệ quyền lợi khi có vi phạm.

“Thường xuyên theo dõi thị trường để phát hiện các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình. Hành động pháp lý khi cần thiết. Khi phát hiện hành vi vi phạm, chủ sở hữu cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp pháp lý như gửi thư cảnh báo, yêu cầu ngừng hành vi vi phạm, khởi kiện ra tòa án, hoặc trình báo vụ việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, luật sư Tuấn nói.

Luật sư Tuấn cho biết thêm việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng về quyền sở hữu trí tuệ rất quan trọng.

Theo TN