Người trẻ thiếu trầm trọng kỹ năng sống: Nguy cơ trở thành tội phạm

(CTG) Chuyên gia cho rằng có mối quan hệ giữa việc thiếu kỹ năng sống và nguy cơ trở thành tội phạm. Chính vì thế, cần phải đào tạo, trang bị kỹ năng sống cho người trẻ để hạn chế nguy cơ này.

DỄ THỰC HIỆN HÀNH VI GÂY NGUY HIỂM CHO XÃ HỘI

Tiến sĩ tội phạm học, thượng tá Đào Trung Hiếu (Bộ Công an), cho biết những kỹ năng sống cần thiết với mọi người nói chung, người trẻ nói riêng là: xác định mục tiêu cuộc sống; giao tiếp, kết nối; kiểm soát và quản lý cảm xúc.

Nguy cơ trở thành tội phạm - Ảnh 1.

Bạo lực học đường cũng xuất phát từ nguyên nhân học sinh thiếu kỹ năng sống

CHỤP MÀN HÌNH

Nếu có kỹ năng xác định mục tiêu cuộc sống thì người trẻ sẽ sống có kế hoạch, hoài bão, ít bị lôi cuốn bởi "những chuyện dọc đường", tránh được cám dỗ của các tệ nạn, nỗ lực phấn đấu vì những mục tiêu đã xác định. Khi có kỹ năng giao tiếp, kết nối, sẽ tránh được những va chạm, xích mích, xung đột trong đời sống; đặc biệt khi sử dụng mạng xã hội sẽ biết cách giữ mình trên không gian mạng, giúp an toàn hơn.

Và nếu không có kỹ năng kiểm soát, quản lý cảm xúc thì khi gặp những hoàn cảnh không như ý, tình huống bất lợi, người trẻ dễ nổi giận, trạng thái thần kinh bị kích thích dẫn đến thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Thực tế cho thấy nhiều hành vi bạo lực thường bắt đầu từ việc không kiểm soát được bản thân. Ngược lại, nếu được đào tạo kỹ năng sống, người trẻ có thể giữ bình tĩnh, kiềm chế, biết lựa chọn cách xử sự phù hợp.

"Ba kỹ năng này có mối quan hệ trực tiếp, mật thiết. Trong các nghiên cứu về tình trạng tội phạm bạo lực của thanh thiếu niên thì nguyên nhân xuất phát đa phần là do không thể kiềm chế bản thân, không biết xử lý bức xúc tâm lý như thế nào. Nói cách khác, họ không được trang bị các kỹ năng sống nêu trên. Nếu người trẻ được đào tạo, tập huấn những kỹ năng sống đó thì sẽ có thể tìm cách giải quyết vấn đề hợp lý, tránh nguy cơ sử dụng bạo lực", tiến sĩ Hiếu cho biết.

ĐIỂM DANH NHỮNG "LỖ HỔNG"

Cũng theo tiến sĩ Đào Trung Hiếu, thêm một kỹ năng sống mà nhiều người trẻ đang thiếu là xác định mối quan hệ nhân quả. "Có những người trẻ không biết tự đặt ra câu hỏi là: nếu làm điều này thì chuyện gì sẽ xảy ra? Họ không xác định được hậu quả của hành vi. Có người thấy bạn bè đua xe cũng… vác xe đi đua, hò hét cổ vũ mà không hề nghĩ đến việc có thể gây tai nạn giao thông, bị xử lý theo quy định của pháp luật...", tiến sĩ Hiếu nói.

Trong các nghiên cứu về tình trạng tội phạm bạo lực của thanh thiếu niên thì nguyên nhân xuất phát đa phần là do không thể kiềm chế bản thân, không biết xử lý bức xúc tâm lý như thế nào. Nếu người trẻ được đào tạo, tập huấn những kỹ năng sống thì sẽ có thể tìm cách giải quyết vấn đề hợp lý, tránh nguy cơ sử dụng bạo lực.

Tiến sĩ tội phạm học, thượng tá Đào Trung Hiếu (Bộ Công an)

Còn theo thiếu úy, bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh, trợ lý Phòng Khoa học quân sự của Bệnh viện Quân y 175, hiện nay một số người trẻ thiếu trầm trọng kỹ năng làm việc nhóm. "Nguyên nhân có thể do họ chưa được rèn luyện nhiều qua việc làm bài tập nhóm khi ngồi trên ghế nhà trường. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp có cái tôi quá lớn, không chấp nhận ý kiến số đông, để rồi từ đó dẫn tới bất đồng quan điểm, ảnh hưởng đến hiệu quả chung công việc", bác sĩ Thanh chia sẻ.

Cùng quan điểm, giáo sư Hồ Phạm Minh Nhật, giáo sư bậc một về khoa học dữ liệu, thống kê và học máy tại ĐH Texas - Austin (Mỹ), cho rằng một số người trẻ hiện nay thiếu những kỹ năng sống như làm việc nhóm, hòa nhập, thích nghi trong môi trường mới, diễn giải và truyền đạt suy nghĩ hiệu quả…

"Theo tôi, giao tiếp và làm việc nhóm là hai kỹ năng mà người trẻ đang thiếu hụt nhiều nhất. Mặc dù người trẻ ngày nay đã có những tiến bộ nhất định so với các thế hệ trước về khả năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, nhưng nhìn chung sự tiến bộ này vẫn chưa đủ đáp ứng được nhiều trong công việc, đặc biệt các công việc đòi hỏi tính toàn cầu hóa và áp lực cao", giáo sư Nhật nói.

Còn theo tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phòng Truyền thông và Công tác sinh viên Phân hiệu Trường ĐH Thủy lợi TP.HCM, tư duy sáng tạo là một trong những kỹ năng sống mà người trẻ hiện nay đang thiếu. "Một vấn đề có thể nhìn dưới nhiều lăng kính khác nhau. Tuy nhiên, một số người trẻ có thói quen chỉ nhìn một mặt của vấn đề. Chính việc thiếu tư duy sáng tạo dẫn đến họ gặp những khó khăn trong học tập, công việc", tiến sĩ Sơn cho biết.

Thạc sĩ tâm lý Cao Thành Tấn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thì cho rằng một số người trẻ thiếu kỹ năng làm chủ thế giới mạng nên rơi vào các bẫy lừa trên mạng xã hội. Ngoài ra còn hạn chế những kỹ năng: từ chối cám dỗ, ứng xử trong các mối quan hệ xã hội, quản lý cảm xúc và nhận thức bản thân…

Theo thạc sĩ tâm lý Quang Thị Mộng Chi, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, trong cuộc sống hiện đại, người trẻ cần trang bị nhiều kỹ năng sống quan trọng như: nhận thức bản thân, đặt mục tiêu, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, giao tiếp, quản lý cảm xúc, quản lý tài chính… Chính những kỹ năng sống này sẽ giúp người trẻ biết bản thân là ai, có điểm mạnh, điểm yếu gì, hiểu rõ muốn và cần gì để phát triển khả năng...

Nguy cơ trở thành tội phạm - Ảnh 3.

Cũng vì thiếu kỹ năng sống, nhóm học sinh ở một huyện thuộc tỉnh Quảng Ngãi mang hung khí đến trường để giải quyết mâu thuẫn. Rất may cơ quan chức năng đã phát hiện kịp thời

THANH PHONG

"Nhưng không phải người trẻ nào cũng được trang bị đủ những kỹ năng sống ấy. Và theo nhìn nhận cá nhân tôi, có vẻ như người trẻ ngày nay gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp. Lý do có thể vì dành nhiều thời gian cho việc giao tiếp qua mạng xã hội, ít tương tác trong các tình huống thực tế, khiến họ ngại ngùng khi tiếp cận với người khác", bà Chi nói.

GIA TĂNG CÁC VẤN NẠN XÃ HỘI

Theo thạc sĩ Cao Thành Tấn, nếu người trẻ thiếu kỹ năng sống sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. "Hệ lụy nhìn thấy rõ nhất là gia tăng tình trạng mắc phải các rối nhiễu tâm lý hoặc các rối loạn sức khỏe tâm thần, làm mất cân bằng đời sống tâm lý và xã hội của người trẻ. Ngoài ra còn làm gia tăng các vấn nạn xã hội như: bạo lực, xâm hại, trộm cắp... Ở khía cạnh cá nhân, việc thiếu kỹ năng sống sẽ khiến người trẻ giảm khả năng phục hồi và đương đầu với nghịch cảnh. Từ đó tác động tiêu cực đến vốn tâm lý của bản thân. Nói cách khác, sức bền tâm lý của người trẻ sẽ bị tác động tiêu cực nếu không có kỹ năng sống", ông Tấn cho biết.

Thạc sĩ Quang Thị Mộng Chi thì cho rằng việc thiếu kỹ năng sống sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đến khả năng học tập, thích nghi cũng như giải quyết những thách thức, khó khăn mà người trẻ có thể gặp trong cuộc sống. "Bên cạnh đó còn có thể dẫn đến giảm giá trị sống, nghi ngờ bản thân và người khác, khó khăn trong việc thiết lập cũng như duy trì mối quan hệ bền vững", bà Chi nói thêm.

Theo chị Trần Thị Diệu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Skill Media, TP.Thủ Đức, TP.HCM, doanh nghiệp thời nay "thèm khát" những nhân sự giỏi chuyên môn, nghiệp vụ và vững kỹ năng sống. Chính vì thế, nếu chỉ tập trung vào học kiến thức trong nhà trường mà quên đi việc rèn luyện kỹ năng sống thì sẽ khó tìm được việc làm, hoặc khi thử việc không thể đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng…

Theo Thanh Niên