Khác với hình dung, lãnh đạo công ty đã không ra sân bay đón anh Hùng trở về. Vợ anh, Lại Thị Thoa và gia đình, vì một lý do nào đó, cũng đã không có mặt tại sân bay chào đón anh Hùng trở về. Ngay cả trong cuộc gặp với báo chí tối qua, Vinalines vẫn không cho báo chí được gặp thân nhân anh Hùng
Về từ cõi chết
Anh Đậu Ngọc Hùng chia sẻ: “Từ lúc con tàu Vinalines Queen gặp nạn, tôi là người may mắn thoát được lực hút con tàu, ngoi lên được chiếc phao bè của tàu. Sau một ngày lênh đênh trên biển, rạng sáng ngày 26.12, phao bè không chịu được sóng to gió lớn bị lật, tôi thoát ra ngoài, may mắn lần được tới con xuồng cứu hộ số 2, có lương khô, nước ngọt, thuốc men dự trữ duy trì sự sống đến ngày tàu London Courage cứu được (30.12)”.
|
Việc xuồng cứu sinh tại sao không phát tín hiệu cấp cứu, anh Hùng cho biết khi anh lên xuồng, xuồng đã bị lực va đập của con tàu, phần mũi toác ra, nước biển vào phần máy, thiết bị báo động của xuồng bị sóng đánh ra ngoài. Nhưng do xuồng thiết kế tốt, với hai phao dạng co đặc nên ngay cả khi nước vào hết cũng không chìm được.
Anh Hùng cũng giải thích, thời điểm tàu chìm, sóng rất mạnh, cao, không hạ được xuồng do chằng buộc vì tàu vẫn còn đang hoạt động. Không nhảy ra ngoài vì tàu đang chạy, nếu nhảy khỏi tàu, lực hút của chân vịt sẽ không duy trì được mạng sống.
Về số phận của 22 thuyền viên còn lại, anh Hùng kể từ lúc tàu nghiêng 18 độ đến lúc chìm diễn biến rất nhanh, thời tiết xấu nên không nhìn được cách 3 - 4m. Những ngày lênh đênh trên biển, không có thiết bị tín hiệu, sóng gió mạnh nên anh cũng không thể nhìn thấy máy bay cứu hộ.
Thủy thủ Đậu Ngọc Hùng nói chuyện với vợ từ cảng Marina South Pier của Singapore - Ảnh do Đại sứ quán VN tại Singapore cung cấp
Vinalines bưng bít thông tin?
Tại cuộc họp báo, phóng viên Thanh Niên đặt câu hỏi với anh Hùng, liệu việc Vinalines hạn chế cho anh Hùng tiếp xúc với báo chí trước đó có phải do công ty này muốn bưng bít thông tin các sự việc liên quan đến vụ chìm tàu hay không? Đây cũng là nghi vấn của nhiều phóng viên, dù anh Hùng khẳng định không có chuyện này.
Tại cuộc họp, trình bày rất dài về diễn biến vụ việc, nhưng lãnh đạo Vinalines chỉ dành cho phóng viên một tiếng để hỏi đáp với lý do anh Hùng phải về quê - Nghệ An ngay trong đêm nay cùng với gia đình.
Trả lời câu hỏi "đã được tập huấn về vận chuyển quặng niken chưa?", anh Hùng cho biết lãnh đạo tàu đã nhắc nhở, cảnh báo quặng niken là một trong số các hàng hóa nguy hiểm, cẩn trọng nghiêm ngặt. Nhưng khi tàu nghiêng, anh không được thông báo lý do nghiêng, có phải do quặng niken hay không.
Liên quan đến việc Vinalines chậm trễ gửi yêu cầu tìm kiếm, cứu hộ, ông Nguyễn Cảnh Việt, Tổng giám đốc Vinalines cho biết mất liên lạc với chủ tàu là chuyện thường xuyên xảy ra trong vài tiếng đến 10 tiếng và chủ động khắc phục, khi cảm thấy thời tiết xấu mới thông báo lên Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam - MRCC tàu mất liên lạc chứ không phải mất tích.
“Việc mất liên lạc có thể xảy ra thường xuyên với bất kỳ chủ tàu nào, nên lúc đầu chưa đưa vào khẩn cấp. Trong trường hợp tàu phát tín hiệu SOS mới phát tín hiệu cấp cứu tới trung tâm tìm kiếm. Nhưng tới nay vẫn không có tín hiệu nào của tàu lên vệ tinh”, ông Việt nói.
Trả lời câu hỏi tại sao niken là loại hàng hóa nguy hiểm mà Vinalines vẫn nhận chở, ông Nguyễn Quế Dương cho rằng các nước vẫn chuyên chở mặt hàng này, tàu Vinalines Queen cũng đã chở 8 tháng theo hợp đồng thuê tàu gần 1 năm, không phải chuyến đầu tiên. Theo thông lệ, quặng niken được xếp trên bờ trước khi bốc dỡ xuống tàu, khi nhận chở, thấy đảm bảo quy cách (độ ẩm của hàng phải dưới giới hạn độ ẩm cho phép chở hàng, phải đo, tính bằng thiết bị) mới nhận chở. Việc đo này lấy mẫu hàng tại từng hầm, từng giai đoạn trong cả một quá trình, tính quân bình mới biết độ ẩm có thỏa mãn hay không.
Nhưng theo ông Nguyễn Cảnh Việt, tàu được trang bị rất hiện đại, toàn bộ hệ thống tự động, hiện đại, thiết kế chở hàng rời đương nhiên phù hợp chở niken. Tàu cũng được chính quyền Indonesia, Trung Quốc kiểm tra đảm bảo quy trình vận chuyển.
|
Vì sao tàu mất tín hiệu vẫn là ẩn số
Ông Việt nói, thuyền trưởng được đào tạo bài bản qua các cấp, được giao quyền rất lớn, thay mặt chủ tàu xử lý và phán quyết mọi tình huống con tàu trong hành trình trên biển… Thuyền trưởng được quyền hành động trước, báo cáo chủ tàu sau trong điều kiện thời tiết xấu, ảnh hưởng đến tàu. Thuyền trưởng tàu Vinalines có kinh nghiệm trên 3 năm, được đào tạo bài bản, quyết định chuyển hướng tàu 240 độ là rất đúng, khi tàu nghiêng 20 độ đã báo cáo.
Cũng theo ông Việt, vụ chìm tàu Vinalines Queen là thảm kịch lớn nhất của Vinalines. Nhưng vì sao một con tàu hiện đại như Vinalines Queen lại hoàn toàn mất tín hiệu vẫn chưa có lời giải đáp.