Trước đại dịch, Hashimoto từng làm việc trong một công ty bảo hiểm ở Tokyo và mong muốn được nghỉ hưu ở nông thôn. Khi đại dịch bùng phát, Kana Hashimoto, 25 tuổi, đã phải xem xét lại các ưu tiên của bản thân và quyết định sẽ không tiếp tục bám trụ lại thành phố. Hồi tháng 4, cô chuyển tới Minami-Aso, ngôi làng có khoảng 11.000 dân ở phía nam Nhật Bản.
Hashimoto đang làm những công việc mà cô yêu thích, như trồng trọt, hỗ trợ phân phối sản vật địa phương cho các nhà hàng quanh vùng, làm việc trong một quán súp miso và spa suối nước nóng.
Kana Hashimoto làm việc trên cánh đồng ở Minami-Aso, phía nam Nhật Bản (Ảnh: Washington Post). |
"Cuộc đời tôi giờ hoàn toàn thay đổi. Tôi không thể hình dung được cuộc sống ở Tokyo nữa. Tôi thích cảm giác được thiên nhiên bao bọc, cũng như cảm thấy khỏe mạnh và hạnh phúc hơn", cô nói.
Covid-19 đã khiến nhiều người trên thế giới phải cân nhắc lại các lựa chọn trong cuộc sống. Tại các quốc gia như Nhật Bản, nơi văn hóa làm việc điên cuồng có rất ít lựa chọn thay thế, đại dịch toàn cầu đã đem đến cơ hội hiếm hoi để hình dung xem tương lai nên như thế nào.
Tại thủ đô Tokyo và các khu vực lân cận, xu hướng này đặc biệt phổ biến ở nhóm người từ 20 đến 30 tuổi, theo khảo sát hơn 10.000 người của một cơ quan chính phủ về ảnh hưởng của đại dịch vào tháng 11.
Lao động trẻ đang tìm kiếm những lựa chọn thay thế công việc mệt mỏi trong các công ty ở Tokyo, với những ngày làm việc dài dằng dặc, đi lại trên những chuyến tàu điện ngầm đông nghịt người và hệ thống phân cấp nghiêm ngặt của công ty. Khoảng 1/3 người trong độ tuổi từ 20 đến 30 sống ở thủ đô Tokyo nói rằng họ đã dần chuyển tới các vùng nông thôn trong 6 tháng qua. Chỉ riêng nhóm ở độ tuổi 20, 44,9% cho biết họ thích chuyển tới vùng nông thôn.
Dù số lượng khảo sát chỉ là một bộ phận nhỏ, kết quả vẫn cho thấy xu hướng đang diễn ra vào thời điểm quan trọng với các vùng nông thôn Nhật Bản, nơi dân số sụt giảm do số người cao tuổi tăng và tỷ lệ sinh giảm.
Bỏ phố về quê và sống tự cung tự cấp là lựa chọn của nhiều người trẻ Nhật Bản trong đại dịch (Ảnh: iStock). |
Những năm gần đây, chính quyền địa phương và trung ương đã thúc đẩy nỗ lực phục hồi nông thôn để thu hút người trẻ đến các vùng ngoại ô Nhật Bản, như nhiều công ty cho phép làm việc từ xa hay cung cấp nhà ở giá rẻ khoảng 455 USD.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang tìm cách tăng cường những nỗ lực như vậy. Một trong số sáng kiến lớn của ông Kishida là đầu tư vào các chương trình nhằm thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, kế hoạch mà ông gọi là "tầm nhìn về một quốc gia thành phố vườn kỹ thuật số".
"Vùng ngoại ô các thành phố lớn của chúng ta rất quan trọng", ông Kishida phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 14/10, nhấn mạnh rằng "chuyển đổi kỹ thuật số" sẽ giúp giải quyết vấn đề suy giảm dân số ở vùng nông thôn.
Ở đất nước mà người trẻ thường rời quê để tìm kiếm cơ hội việc làm tại thành phố lớn, những người như Hashimoto đã lựa chọn con đường ngược lại. Quyết định này luôn đi kèm rất nhiều áp lực xã hội.
Kana Hashimoto làm việc tại một quán súp miso (Ảnh: The Washington Post). |
Bố mẹ của Kana Hashimoto đã sốc khi nghe cô thông báo về quyết định từ bỏ sự nghiệp ở thành phố, bởi Hashimoto từng được bố mẹ cho sang Canada du học với hy vọng cô trở thành giám đốc bảo hiểm toàn cầu giống bố.
"Bố mẹ tôi ban đầu kịch liệt phản đối và chúng tôi đã tranh cãi rất nhiều. Cho con gái làm nông không bao giờ nằm trong kế hoạch của bố mẹ tôi", cô nói.
Ayaka Suita, 30 tuổi, từng làm việc tại một công ty nhân sự ở Tokyo trước khi chuyển tới Tsuno-cho, thị trấn khoảng 10.000 người ở tỉnh Miyazaki, phía nam Nhật Bản. Cô làm việc cho một công ty khởi nghiệp, dạy học sinh về sống bền vững và thúc đẩy các sáng kiến không carbon của thị trấn.
Suita từng cân nhắc rất nhiều về quyết định rời thành phố về quê và đại dịch đã cho cô thời gian để suy nghĩ nghiêm túc về nó. Khi Covid-19 tấn công Nhật Bản, công việc của cô bớt áp lực và bận rộn bởi các công ty không tuyển thêm nhân viên mới và ít nhu cầu về nguồn nhân lực.
Tại Tokyo, Suita cảm thấy thất vọng khi phải mất nhiều năm để được bổ nhiệm vào các vị trí mơ ước. Nhưng hiện tại, cô được đảm nhận các dự án mới, cho phép phát triển kỹ năng bản thân.
"Trong công ty ở Tokyo, không dễ gì để những người trẻ có cơ hội thăng tiến, nhưng ở vùng nông thôn, luôn có rất nhiều cơ hội bất kể tuổi tác", cô cho biết. "Trước khi đến đây, tôi đã từ bỏ những thứ mà tôi từng cho là mình không thể làm được, nhưng bây giờ tôi khám phá ra rất nhiều khả năng của bản thân".
Tuy nhiên, cuộc sống ban đầu ở vùng nông thôn không dễ dàng với nhiều người, khi ở đây rất ít người trong cùng độ tuổi với họ. Sáu tháng đầu là một trải nghiệm khá khó khăn với Suita khi cô đóng vai trò người thiết lập các cộng đồng trực tuyến nhắm tới những người trẻ Nhật Bản để giúp đỡ nhau trong quá trình chuyển đổi cuộc sống.
Hiện những người như Suita và Hashimoto đang nhận được sự giúp đỡ từ các tổ chức phi chính phủ để chuyển đổi cuộc sống từ thành phố về nông thôn dễ dàng hơn.
Ayaka Suita (phải) tại một vườn mận ở Tsuno-cho, tỉnh Miyazaki, Nhật Bản (Ảnh: The Washington Post). |
HERS (Heroines for Environment and Rural Support, tạm dịch là Nữ anh hùng hỗ trợ môi trường và vùng nông thôn), một tổ chức phi chính phủ hoạt động với mục tiêu giảm chênh lệch về giới tính trong nông nghiệp, đã nhận được yêu cầu của nhiều phụ nữ muốn rời Tokyo về quê.
Theo giám đốc Eri Otsu của HERS, nhóm đã tăng cường các lớp học và hội thảo trực tuyến cho phụ nữ muốn tìm hiểu về cuộc sống, công việc và nuôi dạy trẻ em tại nông thôn Nhật Bản. Tổ chức cũng đã hỗ trợ những phụ nữ mới chuyển tới sống ở vùng ngoại ô.
Otsu cho biết: "Chúng tôi nhận thấy ngày càng nhiều người quan tâm tới đại dịch. Tôi nghĩ tâm lý mọi người đã thay đổi để suy ngẫm về cuộc sống và nghĩ về lối sống khác".
Trước đại dịch, HERS đã nhận được yêu cầu từ những người phụ nữ muốn tìm kiếm lối thoát, khi chán ngấy cuộc sống thành phố hoặc mệt mỏi với những nhu cầu làm việc trong khi phải nuôi con ở Tokyo. Các yêu cầu mà Otsu nhận được kể từ sau đại dịch có xu hướng tích cực hơn. Những phụ nữ trẻ cảm thấy hào hứng với ý tưởng theo đuổi giấc mơ ở vùng nông thôn.
"Tôi nghĩ và hy vọng rằng những giá trị mới mà mọi người có được trong đại dịch sẽ tiếp tục", Otsu nói.
Theo The Washington Post