Nhiều điểm sáng trong mùa lễ hội xuân Giáp Thìn

(CTG) Đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có hơn 400 lễ hội được tổ chức; trong đó, có những lễ hội lớn, thu hút hàng chục nghìn người mỗi ngày. Mùa lễ hội năm nay diễn ra với nhiều đổi mới, chưa có sự cố, bất cập lớn nào xảy ra. Các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng diễn ra trong an toàn, văn minh. Điều đó có được là do sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của ngành văn hóa cũng như các quận, huyện, thị xã; đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát được tiến hành thường xuyên, liên tục.

Lễ hội đền Voi Phục diễn ra trong không khí trang nghiêm, văn minh và an toàn, được dư luận đánh giá cao.
Lễ hội đền Voi Phục diễn ra trong không khí trang nghiêm, văn minh và an toàn, được dư luận đánh giá cao.

Ủy ban nhân dân quận Ba Đình vừa tổ chức lễ hội đền Voi Phục trong không khí phấn khởi, trang nghiêm. Với chủ đề “Tế khai sắc, rước khai xuân”, lễ hội năm nay có nhiều hoạt động phát huy nét đẹp truyền thống của lễ hội xưa. Nổi bật trong đó là nghi thức khai ấn nhằm tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống chống giặc ngoại xâm; ghi nhớ công lao to lớn của vương triều Lý trong việc khai đô Thăng Long, trong việc phá Tống-bình Chiêm. Một hoạt động khác thu hút sự quan tâm của công chúng là cuộc thi Bày mâm lễ vật đẹp với sự tham gia của 14 đơn vị trên địa bàn. Các mâm lễ vật không chỉ đẹp về hình thức, mà còn mang nhiều thông điệp có ý nghĩa.

Lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn) năm nay cũng có nhiều điểm mới với tinh thần xuyên suốt là phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương. Bên cạnh các nghi thức trong phần lễ được gìn giữ gần như nguyên bản, lễ hội đền Sóc năm nay có nhiều trò chơi dân gian như: Đi cà kheo, đi cầu thăng bằng, đập niêu đất, hội thi nấu cơm… Trên mảnh đất Sóc Sơn có nghi thức kéo mỏ được ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại (cùng với nghi thức kéo co của một số địa phương khác và các nước trong khu vực), để lan tỏa nét đẹp này, huyện Sóc Sơn tiến hành trình diễn nghi thức kéo mỏ trong lễ hội. Dự kiến đây sẽ trở thành hoạt động thường xuyên. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng dành không gian để du khách có thể trải nghiệm một số nét văn hóa gắn với sự tích Thánh Gióng như: Trải nghiệm làm cơm nắm muối vừng, têm trầu cánh phượng, làm cà muối, làm giò hoa tre… Hoạt động này đã tạo một sân chơi bổ ích, thú vị cho tất cả khách tham quan.

Với khu vực nội thành, hoạt động tại phủ Tây Hồ (phường Quảng An, quận Tây Hồ) cũng có nhiều nét văn minh, tiến bộ. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lễ phủ, quận Tây Hồ đã thực hiện thu phí gửi xe không dùng tiền mặt với các loại xe, thu phí không dừng với xe ô-tô. Việc thu phí gửi xe không dừng tại phủ Tây Hồ đã giảm đến mức thấp nhất tình trạng ùn ứ về giao thông tại đây; đồng thời, toàn bộ khu vực quanh phủ cũng triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, được đông đảo người dân hưởng ứng.

Lễ hội kỷ niệm 1.480 năm Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng đế và thành lập nước Vạn Xuân; khai hội làng Giang Xá (thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức) Xuân Giáp Thìn 2024 lần đầu tiên tổ chức theo quy mô cấp huyện. Huyện Hoài Đức đã sử dụng xe điện để phục vụ đưa đón du khách tới khu vực diễn ra các hoạt động của lễ hội và ngược lại nhằm bảo đảm trật tự giao thông, an toàn cho du khách, tạo cảm giác thoải mái, hài lòng cho du khách khi về dự lễ hội.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, đến thời điểm này, đã có hơn 400 lễ hội trên địa bàn thành phố được tổ chức trong không khí trang nghiêm, an toàn và văn minh. Để có được kết quả đó, 100% số quận, huyện, thị xã đã có văn bản hướng dẫn thực hiện bám sát chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao. Ban tổ chức các lễ hội được thành lập gồm: Lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn làm Trưởng ban, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành đoàn thể, đại diện cấp ủy, chính quyền thôn, người trụ trì nơi thờ tự (nếu có) có lễ hội là thành viên. Đối với các lễ hội có quy mô lớn, tổ chức dài ngày, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đều hướng dẫn các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo cấp quận, huyện, thị xã, chỉ đạo trực tiếp việc tổ chức lễ hội và cử cán bộ chuyên môn tham gia. Đây chính là nền tảng để lễ hội diễn ra đúng theo các nghi thức truyền thống, đồng thời, những nét đẹp văn hóa mới được chọn lọc, đưa vào một cách phù hợp, theo tinh thần phát huy giá trị truyền thống.

Công tác tổ chức lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn còn một số “hạt sạn”. Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sóc Sơn Tống Giang Phúc, vẫn còn tình trạng người dân chen lấn khi nhận lộc, mặc trang phục chưa phù hợp. “Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thực hiện văn minh lễ hội, đồng thời nhanh chóng dẹp bỏ những hoạt động cờ bạc trá hình tại lễ hội”, ông Tống Giang Phúc cho biết. Từ nay đến cuối năm vẫn còn hơn 1.000 lễ hội nữa. Do đó, cùng với việc vào cuộc xử lý, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng; quản lý tốt hơn các biển hiệu, hoạt động quảng cáo; xử lý kịp thời một số hiện tượng cờ bạc trá hình hay xem bói, giải quẻ ở một số lễ hội... để lễ hội thật sự là dịp phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần lành mạnh của nhân dân. 

Theo Nhân Dân