Nhiều kiến nghị về chính sách việc làm cho từng đối tượng thanh niên

(CTG) Sáng nay 5/5/2023, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam phối hợp với Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, Bộ Lao động thương binh và xã hội, Trung ương Đoàn tổ chức Diễn đàn Chính sách về việc làm cho thanh niên năm 2023.

Diễn đàn diễn ra tại Hội trường Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam (Hà Nội) và kết nối trực tuyến với 67 điểm cầu tại trụ sở các Tỉnh, Thành Đoàn, Đoàn trực thuộc.

Quang cảnh Diễn đàn.

Tham dự diễn đàn có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam Bùi Quang Huy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ; Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Lê Văn Thanh; ông Đinh Ngọc Quý, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội; anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam; anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBQG về thanh niên Việt Nam; chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương; anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam; cùng tại điểm cầu trực tuyến ở 67 Tỉnh, Thành Đoàn, Đoàn trực thuộc, có đại diện lãnh đạo Sở LĐTB&XH, Sở Nội vụ, Ban Thường vụ Tỉnh, Thành Đoàn, Trung tâm giới thiệu việc làm do Đoàn Thanh niên và Ngành LĐTB&XH quản lý; đoàn viên, thanh niên.

Anh Bùi Quang Huy, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ; Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh; anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam đồng chủ trì Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Lê Văn Thanh cho biết: Trong những năm qua, thể chế hóa những chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 nhằm phát huy vai trò, vị trí và tiềm năng to lớn của thanh niên nói chung, trong lao động, lập nghiệp, khởi nghiệp nói riêng, Quốc hội đã thông qua Luật Thanh niên năm 2020, Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Việc làm năm 2013… Trên cơ sở các quy định của pháp luật về việc làm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên. Nhờ đó mà công tác lao động, việc làm cho thanh niên đã đạt được những kết quả tích cực: hơn 29,3% lao động thanh niên đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; có khoảng 10,8 triệu lao động thanh niên, chiếm 21,4% lực lượng lao động cả nước; cơ cấu lao động thanh niên tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, phần lớn thanh niên làm việc trong khu vực công nghiệp, dịch vụ, chiếm 69,2%…

Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Cũng theo Thứ trưởng Thanh, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, thách thức đối với lao động trẻ hiện nay, như: Tỷ lệ lao động thanh niên qua đào tạo có cao hơn tỷ lệ chung của cả nước nhưng không đáng kể, chỉ hơn 3%; một bộ phận thanh niên ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp yếu; nhiều sinh viên thiếu các kỹ năng “mềm”, kỹ năng làm việc; tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là nhóm tuổi 15 - 24 tiếp tục là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Quý 1-2023 là 7,61%, cao gấp 3,38 lần tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước (2,25%); bình quân trong 10 thanh niên thì có một thanh niên bị thất nghiệp; số lao động trẻ đang làm việc hiện nay có nguy cơ mất việc cao gấp ba lần so với những lứa tuổi lớn hơn…

Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị các đoàn viên, thanh niên hãy mạnh dạn, hăng hái bày tỏ, chia sẻ những suy nghĩ, mong muốn, nguyện vọng của bản thân, đưa ra các khuyến nghị, đề xuất với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về việc làm nói chung, chính sách cho thanh niên nói riêng.

Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam và kết nối trực tuyến với 67 điểm cầu trên toàn quốc.

Tại diễn đàn, các đại biểu, chuyên gia đã trao đổi và kiến nghị về chính sách nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên hiện nay. Trong đó, đáng chú ý là về các chính sách hiện có để hỗ trợ thanh niên bị giảm việc, mất việc, ngừng việc trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19; chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên nông thôn, đặc biệt là thanh niên có hoàn cảnh khó khăn để sản xuất, kinh doanh, lập nghiệp, khởi nghiệp; những chính sách thu hút thanh niên tham gia vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…

Các đại biểu chia sẻ tại diễn đàn.

Tại điểm cầu Tp. HCM, bạn Trần Thị Kiều Anh, Chủ tịch Hội sinh viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM đặt vấn đề phần lớn sinh viên sau giờ học đều tranh thủ đi làm thêm bên ngoài để có kinh nghiệm thực tiễn và thêm thu nhập. "Tuy nhiên, việc quản lý sinh viên làm thêm còn chưa được các ngành quan tâm. Vậy trong thời gian tới có chính sách gì về quản lý việc làm thêm của sinh viên hiện nay?", Kiều Anh nói.

Các điểm cầu và các bạn đoàn viên tham gia diễn đàn đặt câu hỏi cho các đại biểu.

Chia sẻ về vấn đề này, bà bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hiện nay sinh viên có nhu cầu làm thêm rất lớn. “Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao các cơ sở giáo dục hướng dẫn sinh viên tìm kiếm nhu cầu tuyển dụng, tự đánh giá kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời bồi dưỡng kiến thức cho các em hoặc tổ chức các ngày hội việc làm. Qua nắm bắt, đa phần sinh viên làm thêm sau giờ học thể hiện sự năng động, mong muốn phát triển kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, tích lũy kinh nghiệm và ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng”, bà Nhung cho hay.

Cũng theo bà Nhung, một bộ phận thanh niên chỉ đi làm thêm sau giờ học để kiếm thêm thu nhập, chưa làm thêm theo ngành nghề đào tạo. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên làm thêm nhưng kinh nghiệm hạn chế, thiếu hiểu biết pháp luật đầy đủ dẫn tới tình trạng không ký kết hợp đồng lao động, nhận thù lao trực tiếp dẫn tới khó khăn trong hỗ trợ các em khi xảy ra vấn đề.

Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cùng các bộ, ngành sẽ nghiên cứu quy định cụ thể, quy trình thủ tục, cách thức để quản lý tốt hơn việc làm thêm sinh viên, tuyển dụng sinh viên làm thêm, bảo vệ quyền lợi chính sách của sinh viên.

Chú ý giải pháp, tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật, hiểu rõ nguyên tắc lao động, điều kiện lao động, các vấn đề quản lý lao động… Cùng với đó, gia đình cần phối hợp chặt chẽ hơn với nhà trường trong quản lý sinh viên làm thêm. Chẳng hạn, thầy cô, cha mẹ giới thiệu việc làm phù hợp với các em, đảm bảo không ảnh hưởng đến việc học.

Thực tế, có nhiều việc làm thêm trên mạng xã hội, trang web lợi dụng lòng tin, mong muốn làm việc lương cao của sinh viên để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. “Do đó, mong cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý doanh nghiệp vi phạm”, bà Nhung nói.

"Đặc biệt đối với sinh viên chưa đủ 18 tuổi, các em cần hiểu rõ hơn các công việc được làm phù hợp với sức khỏe, thời gian làm việc và nhận được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ", bà Nhung nhấn mạnh.

Diễn đàn đã nhận được 38 tham luận của các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, các tỉnh, thành đoàn, các trung tâm giới thiệu việc làm, trung tâm dạy nghề của ngành lao động - thương binh và xã hội, đoàn thanh niên quản lý, các chuyên gia, nhà quản lý, cùng gần 1.000 câu hỏi của đoàn viên thanh niên cả nước.

Anh Bùi Quang Huy, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam phát biểu kết luận diễn đàn.

Phát biểu kết luận diễn đàn, anh Bùi Quang Huy, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh, giải quyết việc làm cho người lao động nói chung và thanh niên nói riêng là một trong những mục tiêu hàng đầu của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm vấn đề an sinh xã hội. Có thể nói, lực lượng lao động là thanh niên luôn luôn giữ vị trí to lớn trong các hoạt động sản xuất, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của đất nước. Chính vì vậy, Nhà nước ngày càng hoàn thiện các chính sách về việc làm cho thanh niên…

“Ngay sau Diễn đàn, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp đầy đủ các vấn đề, các câu hỏi và kiến nghị chính đáng của thanh niên gửi đến các Bộ, ngành giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật”, anh Huy nói.

Diễn đàn Chính sách về việc làm cho thanh niên năm 2023 là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh sau dịch bệnh Covid - 19 và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ. Thông qua diễn đàn sẽ cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, vai trò giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và vai trò quản lý nhà nước của Bộ LĐTBXH; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định những chính sách về việc làm cho thanh niên phù hợp với tình hình mới.

Với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, trách nhiệm, Diễn đàn chính sách về việc làm cho thanh niên năm 2023 sẽ góp phần đưa chính sách vào đời sống thanh niên thiết thực nhất; thanh niên sẽ chủ động nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thứcđể thích ứng với bối cảnh sau dịch bệnh Covid - 19 và yêu cầu phát triển của đất nước.

Hải Đăng