Noi gương hiếu hạnh

(CTG) Trong suốt chiều dài văn hóa dân tộc, người Việt Nam luôn đề cao lòng hiếu thảo. Chẳng thế mà người xưa có câu: "Bách thiện hiếu vi tiên", nghĩa là trong trăm cái thiện thì hiếu thảo là việc tốt đẹp nhất.

Người Việt có câu "Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ"-tháng ba âm lịch, nhiều đền thờ Mẫu tổ chức lễ hội tri ân, tưởng nhớ công đức của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đặc sắc hơn, tại đền Cô bé Ngai Vàng (Sóc Sơn, Hà Nội) có tổ chức lễ tri ân cha mẹ theo cách riêng, đặc biệt noi gương hiếu hạnh Thánh Mẫu.

Noi gương hiếu hạnh
Cha mẹ nhận lời tri ân từ các con tại đền Cô bé Ngai Vàng. 

Để ghi nhớ và tôn vinh Thánh Mẫu là mẫu nghi thiên hạ, một trong Tứ bất tử, nhân dân đã lập đền thờ của bà ở những nơi có thánh tích của mẫu. Dựa trên sự tích Thánh Mẫu giáng trần lần thứ nhất: Đời Hậu Lê, năm 1443, Mẫu hạ phàm sinh ra làm con gái trong một gia đình có cha mẹ đã luống tuổi. Cô gái công, dung, ngôn, hạnh đủ đầy, hết lòng chăm sóc, yêu thương cha mẹ, đến khi cha mẹ mất, cô làm nhiều việc thiện trợ giúp người nghèo, chữa bệnh người ốm, dạy dân nuôi trồng, khai hoang mở rộng làng xã, xây cầu làm đường... Đền Cô bé Ngai Vàng đã tổ chức Lễ tri ân “Bách thiện hiếu vi tiên” với nghi thức tổ chức lễ tri ân cha mẹ noi theo gương hiếu hạnh của đức Thánh Mẫu, nhằm răn dạy, giáo dục con người hướng đến nét đẹp chân-thiện-mỹ.

Hiện nay, có nhiều cơ sở tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ với những hoạt động như: Hầu đồng, hát văn, chầu văn... Tuy nhiên, đền Cô bé Ngai Vàng là nơi hiếm hoi tổ chức lễ hội tôn vinh chữ hiếu. Năm nay, lễ tri ân đã thu hút sự quan tâm, tham gia và chiêm bái của hàng nghìn người dân đến từ nhiều địa phương trong cả nước. Tại buổi lễ, những nghi thức trang trọng, hoạt cảnh về sự tích Thánh Mẫu, những tiết mục biểu diễn nghệ thuật trong lễ tri ân, chữ hiếu được đề cao, những tình cảm gia đình thiêng liêng được nhấn mạnh khiến mọi người rất xúc động.

Các hoạt động của sự kiện lan tỏa cho mọi người hiểu hơn về chữ hiếu, đạo làm con, giúp những người con cùng ngồi lại, tạm rời xa cuộc mưu sinh xô bồ để nghĩ nhiều hơn đến công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.

Trong truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, chữ hiếu được xem là nền tảng đạo đức quan trọng trong mỗi gia đình. Cùng với gia phong, gia đạo, gia lễ... gia hiếu đã góp phần xây dựng một gia đình tiến bộ, văn minh và hạnh phúc. Có mặt tại chương trình nhiều người tâm đắc buổi lễ đã góp phần giúp mỗi người hiểu sâu sắc hơn về đạo làm con, chữ hiếu với cha mẹ. Chữ hiếu không cần phải là tặng món quà to hay đẹp, mà chính những lời động viên, sự quan tâm chăm sóc là chất keo gắn kết cha mẹ và con cái.

Theo QDND