Nữ “dị nhân” và 40 năm vớt xác, cứu người

(CTG) Bên dòng sông Hồng đang chảy xiết, người phụ nữ nhỏ bé dõi ánh mắt nhìn xa xăm. Hơn 40 năm qua, bà đã gắn mình với khúc sông này, cũng ngần ấy thời gian, với tấm lòng nhân ái, bà không ngại ngụp lặn dưới sông nước với bao hiểm nguy để giành giật hàng trăm người khỏi tay con nước dữ. Bà là Trần Thị Bình ở thôn Hồng Ngự, xã Thuỵ Phương, Từ Liêm, Hà Nội.


 

Bà Trần Thị Bình trong túp lều bên sông Hồng.


Vừa dõi đôi mắt theo khoảng sông rộng mênh mông, bà Bình thở dài trải lòng: “Cứ mỗi mùa nước lên, chứng kiến những vụ đuối nước thương tâm tôi lại không thể cầm lòng. Mỗi khi nghe tiếng thét gào đau đớn của người thân, tôi thấy mình cần phải làm gì đó giúp họ”.

Trên khúc sông tử thần

Sinh ra và lớn lên trên sông nước từ nhỏ, đến giờ ở khúc sông Hồng qua địa phận này, chỗ nào nông, sâu, nguy hiểm, chỗ nào có vực nước xoáy bà đều thuộc như lòng bàn tay. Bà có biệt tài bơi lặn giỏi. Thế nên, năm 1971, khi vừa tròn 17, lũ dâng cao làm ngập úng nhiều nơi. Khu vực bà sinh sống từ Dầy Kẻ, Phùng, Đan Phượng đến Xù Gạ, quận Tây Hồ chìm trong biển nước. Lũ cuốn đi nhiều nóc nhà, cướp đi nhiều sinh mạng. Bà không ngần ngại cứu giúp những người chới với trong nước. Từ đó, nghiệp cứu người vớt xác gắn với cuộc đời bà.

Cuốn sổ nhỏ bà tỉ mỉ ghi chép danh tính những người bà cứu giúp đã hoen ố, nhưng vẫn còn khá rõ. Bà nhớ lại: “Năm 1978, khi đang quăng chài thả lưới ven sông, tôi nghe tiếng kêu cứu vọng ra từ dưới sông, rồi thấy có một phụ nữ đang chới với. Tôi đã nhảy xuống kịp thời ứng cứu. Mừng nhất là tôi không chỉ cứu được một sinh mạng, bởi người đàn bà đó đang mang thai. Hỏi ra mới biết vì hận người chồng phụ bạc cô ấy đã tìm đến dòng sông”.

Gần 60 tuổi đời nhưng có đến 39 năm tuổi nghề, năm nào bà cũng cứu người chết đuối, năm ít nhất cũng phải đến con số hàng chục người. Bà cho biết, năm 2009 trong khi đi tắm sông, một em bé bên Tây Hồ bị đuối nước. Nghe có người tri hô, Bà vội vã nhảy xuống dòng nước. Sau hơn tiếng đồng hồ đứa bé được cứu sống. “Lúc đưa cháu bé lên bờ, toàn thân lạnh toát, khi đó tôi vội hút mồm hút mũi rồi dùng chăn ủ ấm, dùng lông gà thông vào mũi, lông cánh được đưa vào cổ họng thổi mũi xuống mồm”, bà Bình kể.

Không chỉ cứu người thoát khỏi tử thần, bà còn vớt hàng ngàn xác chết trôi sông. Hễ thấy có người chết trôi trên sông là bà nhảy xuống sông vớt đưa vào bờ mai táng. Bất kể khi nào, dù ban ngày hay đêm, dù mưa hay nắng, mặc cái nắng chang chang tháng 6 hay cái lạnh căm căm giữa mùa đông, hễ có người nhờ giúp, bà lại sẵn lòng.

Tắm cho hàng ngàn hài cốt

Trong căn nhà cấp bốn mái tôn ximăng xiêu vẹo, bà mời chúng tôi uống rượu. Cách sống này, khiến nhiều người dân trong thôn gọi bà Bình “tê tê say say”. Bà giải thích rằng bà không chỉ cứu người vớt xác trên sông mà còn làm nghề bốc mộ. Mỗi lần bật nắp quan, bà uống rượu từng bát để át mùi.

Năm bà tròn 25, trong một lần theo cha nuôi đi bốc mộ, tiết trời mùa đông lạnh căm căm, thương cha nuôi già yếu, bà không ngần ngại, giúp cha lượm lặt xương. Bà cẩn thận thò tay vào cỗ quan tài, nhặt một mảnh vải và vứt lên bờ, lần được ngay những mẩu xương nhỏ. Bà lôi ra một ống quần, rút được xương ống chân. Cứ thế, lựa xương giữa những lớp quần áo... Có những lúc, tay bà lùa xuống dưới nước một cách hú hoạ, mò mẫm những mẩu xương còn sót lại. Riêng phần sọ của hài cốt, được bà khoắng xuống vài ba lần và súc, một thứ nước đen ộc ra trên nền màu gan gà của đất. Chiếc sọ lộ dần màu trắng ngà. Lúc này có một thứ mùi rất lạ, không xộc lên mà len sâu vào khứu giác, rợn người. Công việc bốc mộ gắn với bà từ đó. Ban đầu, bà chỉ giúp những người hàng xóm láng giềng, những xã lân cận, sau dần tiếng lành đồn xa, nhiều bà con ở các huyện lân cận cũng tìm tới nhờ giúp.

Bà Bình bảo nghề này phải có thần kinh thép. Nhưng nhiều lúc vẫn rùng mình kinh sợ. Mỗi người có một cái chết khác nhau, từ bệnh tật, tai nạn… Nhưng đáng sợ nhất là lại bốc phải “mộ kết”. Người ốm uống quá nhiều kháng sinh, khi chôn chèn nhiều quần áo hay chè khô lót dưới quan tài, đất khô, kín… làm cho xác người chết không phân huỷ được.

Hơn 40 năm bốc hàng ngàn ngôi mộ, trong tâm trí của bà vẫn còn lưu giữ không ít chuyện rùng rợn mà nếu nghe qua nhiều người cũng phải rùng mình. Trong một lần bốc mộ tại Phùng, sau khi bới xong lớp đất, lộ thiên quan tài bỗng nghe trong quan tài có tiếng động lạ, nhiều người hốt hoảng bỏ chạy. Bà vẫn quyết định mở nắp thiên quan và thấy hai con cá trê quẫy nước nổi lên. Bà bình tĩnh bắt cá và vẫn tiếp tục công việc bốc mộ. Sau đó, bảo người nhà cho chôn cá cùng để tạ ơn người đã chết đã tạo ra nơi cho sinh vật sống.

Câu nói của bà lúc chia tay để lại trong tôi nhiều ấn tượng: “Đời người như muối bỏ biển, biết sống chết thế nào, còn sức tôi vẫn tiếp tục giúp đỡ cho mọi người”.

Theo Sài Gòn tiếp thị