Nữ sinh tốt nghiệp loại xuất sắc ngành... của nam giới

CTG - Nguyễn Thị Hường (23 tuổi), quê Thanh Hóa, nhận bằng tốt nghiệp loại xuất sắc với số điểm GPA 3,61/4.0. Hường là nữ sinh đầu tiên nhận bằng loại xuất sắc của Học viện Hàng không Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ thuật, Hường được học viện giữ lại làm giảng viên.

“Ngành chọn mình, mình không chọn ngành”

Nhớ lại ngày đăng ký nguyện vọng vào trường, Hường bảo như một cơ duyên. “Ngành kỹ thuật hàng không ban đầu không phải lựa chọn của mình. Mình đăng ký ngành cảnh sát nhưng mình không trúng tuyển. Trong khoảng thời gian suy nghĩ nên học gì, làm gì, mình đã đăng ký ngành kỹ thuật Hàng không. Mình không chọn ngành mà ngành đã chọn mình. Nhiều người nói con gái học ngành này khó khăn, mình vẫn quyết định lựa chọn học tập và học thật giỏi”, Hường nói.

Khi nhận được thông báo đậu ngành kỹ thuật hàng không, Hường dành 1 tháng để suy nghĩ là nên đi học hay nghỉ học ở nhà dành thời gian ôn luyện, năm sau thi lại ngành công an. Sau thời gian suy nghĩ, Hường đã quyết định nói với bố mẹ là cô sẽ không đi học đại học. Tuy nhiên, mẹ Hường đã không đồng ý lựa chọn nghỉ học của cô.

Hường kể: “Mẹ không muốn mình thất học, mẹ tìm mọi cách cho mình đi học. Mình nói với mẹ là mình không học đại học. Rồi một hôm, mẹ nói là mẹ đặt vé vào TP.HCM để đi chơi. Trên đường từ quê vào TP.HCM, mẹ đã khuyên mình đi học. Khi đó, mình nói với mẹ là mình thử học 1 học kỳ đầu tiên, sau 1 học kỳ về quê ôn thi lại ngành mình thích”.

Nữ sinh từ “nhắm mắt đưa chân” lựa chọn ngành học đến tốt nghiệp loại xuất sắc - Ảnh 1.
 

Hường tốt nghiệp loại xuất sắc ngành kỹ thuật hàng không. Nhờ thành tích học tập tốt, Hường nhận học bổng ở tất cả các học kỳ. Cô gái không phải lo học phí khi đi học.

NVCC

Hơn 1 năm học tại Học viện Hàng không, Hường quyết định sẽ tiếp tục theo đuổi ngành học, không thi lại vào ngành công an. Hường chia sẻ: “Điều kiện gia đình khó khăn, nếu mình quay về nhà, mình có vượt qua hoàn cảnh của gia đình để tiếp tục ôn thi, đậu trường mình thích. Trăn trở, cân nhắc kỹ lưỡng, mình quyết tâm ở lại học”.

Hiền nói thêm: “Động lực cho mình phấn đấu là tương lai của mình và gia đình của mình. Mình không muốn sau này phải sống khổ như bố mẹ, không muốn bố mẹ thất vọng, bố mẹ đã nỗ lực cho mình đi học”.

Cuối năm thứ 3 học tại học viện, điểm học tập của Hường đang ở mức độ giỏi, lúc đó Hường suy nghĩ cố gắng học tập để tốt nghiệp loại xuất sắc. “Hành trình học tại trường, mình đã cố gắng học tập chăm chỉ để tốt nghiệp loại giỏi. Mỗi lần định bỏ cuộc, mình luôn tự động viên thôi cố lên một chút. Tốt nghiệp đạt loại xuất sắc, vượt qua mong đợi của mình”, Hường chia sẻ.

Là nữ học tập tại ngành kỹ thuật - ngành được xem là thuộc về nam giới, Hường phải cố gắng gấp 2, 3 lần. Không chỉ những môn trên lớp, với những môn thực hành, Hường cũng tỏ ra không thua kém gì các bạn nam. Cũng phải tháo lắp thiết bị như các bạn nam, Hường không thấy có vấn đề gì, coi như mình trang bị được những kỹ năng mà hiếm bạn nữ nào có.

Hường kể: “Khi học những môn liên quan đến máy móc mình bị ngỡ ngàng, các bạn nam học nhanh hơn mình. Những thiết bị thực hành rất nặng chẳng hạn thiết bị tháo lắp bánh xe máy bay, thiết bị của máy bay, mình không khiêng nổi, mình phải nhờ các bạn nam hỗ trợ. Mình không ngại khi phải làm việc ở ngoài nắng, tháo lắp động cơ, sửa chữa máy móc”.

Nữ sinh từ “nhắm mắt đưa chân” lựa chọn ngành học đến tốt nghiệp loại xuất sắc - Ảnh 2.

Hường luôn cố gắng nỗ lực học tập để bản thân ngày càng giỏi hơn

PHÚC KHA

Từ khi xác định mục tiêu tốt nghiệp loại giỏi, Hường đã nỗ lực hết mình cho học tập, phát triển bản thân, luôn tìm niềm vui trong việc học. Để có được thành tích tốt, Hường luôn giữ một tinh thần học tập nghiêm túc, tìm tòi tài liệu liên quan đến môn học. Nữ sinh rất hạnh phúc khi những cố gắng vun trồng đã đến ngày được hái quả ngọt. Với Hường, kết quả học tập là minh chứng cho sự nỗ lực của bản thân trong suốt thời gian học.

“Mình đặt ra lộ trình học tập học tập liên tục, xác định đâu là môn mình điểm mạnh, đạt điểm cao, phân ra môn dễ môn khó, môn khó mình học như thế nào, mình học chăm chỉ những môn quan trọng. Những môn học, mình cố gắng đạt điểm loại giỏi, nếu kỳ học nào có môn điểm trung bình, mình phải cố gắng đạt điểm xuất sắc trong những môn học còn lại để kéo nó lên”, Hường nói.

 
Nữ sinh từ “nhắm mắt đưa chân” lựa chọn ngành học đến tốt nghiệp loại xuất sắc - Ảnh 3.

Hường không ngại khi phải làm việc ở ngoài nắng, tháo lắp động cơ, sửa chữa máy móc

NVCC

So với cô học trò cách đây 4 năm từng chọn ngành theo cách “nhắm mắt đưa chân”, Hường cảm thấy may mắn vì đã nhận ra giá trị ngành học, từ đó thấy yêu thích và có động lực cố gắng.

Hường chia sẻ: “Mình đã từng nghĩ con gái không học được, có những lúc mình muốn bỏ ngang quá trình học vì nhiều vị trí tuyển dụng không tuyển nữ, mình đặt câu hỏi là mình học 5 năm tại sao mình không được đi làm vị trí mình muốn. Sau đó, mình suy nghĩ là sẽ có nhiều vị trí cho mình, mình phải cố gắng trau dồi kiến thức, kỹ năng để khi ra trường có việc làm tốt”.

Thời gian tới, cùng với công việc tại học viên hiện tại, Hường dự định đăng ký xin học bổng du học bậc thạc sĩ. Nhìn lại hơn 4 năm đại học, Hường cho rằng điều giúp cô đạt loại xuất sắc khi tốt nghiệp là luôn đặt ra mục tiêu cụ thể và nỗ lực hết mình trong học tập.

Theo TNO