Phải làm gì khi bạn chán công việc mình đang làm?

(CTG) Nhiều bạn trẻ ra trường đi làm vẫn có thể rơi vào cuộc “khủng hoảng định hướng công việc”. Họ cũng cần được định hướng.


Anh Nguyễn Đức Hải, Giám đốc đào tạo của Học viện khởi nghiệp và kinh doanh thực tiễn VietFounder chia sẻ với các bạn trẻ về định hướng phát triển công việc.



Anh Nguyễn Đức Hải.


- Nhiều bạn trẻ ra trường đi làm, nhưng sau 1 thời gian, họ không còn hào hứng với công việc. Họ không nhìn thấy tiềm năng phát triển bản thân trong tương lai nhưng cũng không biết phải làm gì ở hiện tại. Anh nghĩ sao về điều này?

Thực tế, trong quá trình tư vấn định hướng nghề nghiệp, chúng tôi gặp nhiều bạn gặp phải tình trạng này. Đi làm được 1 – 3 năm, công việc đều đều trôi đi, họ không biết mình sẽ làm gì tiếp theo. Họ không nhìn thấy cơ hội phát triển của mình. Thậm chí, họ không còn hào hứng với công việc, động lực làm việc giảm sút. Nhiều người rơi vào trạng thái tâm lý mà tôi hay gọi là “khủng hoảng định hướng công việc”.

- Theo anh, nguyên nhân là gì?

Người trẻ phần lớn đều chưa có thói quen đặt mục tiêu dài hạn cho mình. Khi học phổ thông, mục tiêu của họ đơn giản là thi đỗ đại học. Thi đỗ đại học là mục tiêu hàng đầu, vì thế có xu hướng đạt được mục đích là thả lỏng. Tôi nghĩ đại học chỉ là chặng đường trong nhiều chặng đường của mỗi người.

Khi vào được đại học, những năm đầu tiên, mục tiêu học tập của nhiều bạn cũng chỉ đơn giản là thi qua các môn với điểm số cao, cũng chưa tính đến việc ra trường sẽ thế nào.

Đến những năm cuối của đại học, họ cũng chỉ đặt mục tiêu là ra trường có việc làm, chưa hề tính đến vài năm sau mình sẽ trở thành người như thế nào, phát triển ra sao. Thiếu hoạch định nghề nghiệp dài hạn khiến họ luôn trong trạng thái “mất định hướng” và khả năng đi lạc đường rất cao.

“Khủng hoảng” xảy ra khi những kỳ vọng về sự phát triển nghề nghiệp của mình vẫn còn nhưng bạn lại loay hoay không biết mình sẽ đi như thế nào. Những áp lực từ nhiều phía mà chủ yếu là từ xã hội và chính bản thân khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu.

- Theo anh nên hoạch định công việc của mình như thế nào? Anh có thể chia sẻ phương pháp mà anh đã và đang áp dụng cho mình?

Theo tôi, mỗi chúng ta nên có kế hoạch nghề nghiệp 5 năm cho bản thân mình. Sở dĩ lấy mốc này là do sự quan sát của tôi với những người có nền tảng vững chắc, tốc độ phát triển nhanh trong sự nghiệp. Theo tôi, có 2 cách để chúng ta định hướng phát triển công việc cho bản thân:

Định hướng nghề nghiệp theo chiều sâu. Tức là bạn phát triển để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Chuyên gia ở đây tôi muốn nói đến chuyên gia về nghề nghiệp như chuyên gia bán hàng, chuyên gia về marketing, chuyên gia về nhân sự, chuyên gia về tài chính, chuyên gia về công nghệ… Một chuyên gia về nghề phải là người có năng lực làm việc xuất sắc trong nghề đó.

Dưới cấp độ chuyên gia là các cấp độ thấp hơn, lần lượt là: chuyên viên cao cấp, chuyên viên và cấp thấp nhất là nhân viên.

Ngoài ra, tôi muốn nói đến định hướng nghề nghiệp theo chiều cao, tức là bạn phát triển để trở thành người quản lý trong một tổ chức. Người quản lý có thể là quản lý về chuyên môn như Trưởng phòng/giám đốc kinh doanh, trưởng phòng/giám đốc Marketing, trưởng phòng/giám đốc nhân sự, trưởng phòng/giám đốc công nghệ… hoặc quản lý tổng thể như Phó giám đốc/giám đốc điều hành.

Một người quản lý trước hết phải là một người có năng lực chuyên môn vững chắc (không nhất thiết phải giỏi xuất sắc) và kiến thức, kỹ năng quản lý công việc; quản lý con người. Cao hơn nữa là người quản lý phải học được kỹ năng lãnh đạo và truyền cảm hứng cho nhân sự của mình, dẫn dắt họ đạt được mục tiêu mà tổ chức giao phó. Dưới cấp độ quản lý là các cấp độ thấp hơn, lần lượt là: trưởng nhóm, chuyên viên và cấp thấp nhất cũng là nhân viên.

Hi vọng với phương pháp định hướng nghề nghiệp này, các bạn sẽ tìm thấy lộ trình nghề nghiệp phù hợp với bản thân mình!

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

 
Theo TP