“Theo những khảo sát, ngủ gật sau vô lăng là nguyên nhân dẫn tới 30% số tai nạn xảy ra, đặc biệt với những chuyến đi đường dài. Do đó, cảnh báo tài xế khi có hiện tượng buồn ngủ là một vấn đề cấp thiết và thiết thực nhằm làm giảm tỷ lệ tai nạn giao thông” - nhóm SV Lê Thế Hải và Lê Thanh Hòa (ngành Viễn thông, Khoa Điện - Điện tử, niên khóa 2007 - 2012) đã giải thích khi chọn đề tài làm luận văn tốt nghiệp: “Nhận diện chớp mắt và cảnh báo buồn ngủ khi lái xe trên nền Windows và Android”.
![]() Những tác giả trẻ thử nghiệm mô hình cảnh báo tài xế ngủ gật trên máy tính - Ảnh: Như Lịch |
Những tác giả trẻ này cho hay gần đây, phương pháp phát hiện buồn ngủ dựa theo chu kỳ sinh học của mắt đã và đang được một số hãng xe hơi thực hiện như một ứng dụng của công nghệ xử lý ảnh. Theo đó, đề tài này cũng sử dụng một trong những ứng dụng của xử lý ảnh để phát hiện và cảnh báo buồn ngủ bằng cách nhận diện trạng thái đóng/mở của mắt. Khi người lái xe ngủ và mắt nhắm lại, lập tức sẽ có âm thanh cảnh báo nguy hiểm.
PGS-TS Hoàng Đình Chiến (giảng viên Bộ môn Viễn thông, khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) - người gợi ý, hướng dẫn cả hai đề tài cảnh báo tài xế ngủ gật nói trên, nhận xét: “Những đề tài trên đều thể hiện những điểm chung là có tính thực tiễn, thời sự; có tính học thuật, tích hợp công nghệ và có mô hình thực nghiệm kiểm chứng”. Dẫu vậy, ông Chiến cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Ở môi trường đại học thường chỉ nghiên cứu ra mô hình. Còn việc ứng dụng vào thực tiễn là thuộc về sự đầu tư của những doanh nghiệp, tập đoàn. Để làm ra sản phẩm, còn cần một quá trình rất dài phía trước”. |
Cũng nhằm cảnh báo tài xế ngủ gật trên những chuyến xe, hai SV Trần Lê Anh Chương và Nguyễn Khắc Hiếu (cùng ngành, cùng khóa học với Hải và Hòa) đã chọn đề tài luận văn “Nhận dạng trạng thái mắt ứng dụng trên Pandaboard”. Nhóm thiết kế một camera đặt ở phía trước để thu lại ảnh khuôn mặt của người lái xe, hình ảnh này sẽ được đưa vào chương trình để tiến hành phân tích. Nếu phát hiện mắt đang nhắm, chương trình sẽ tiến hành đếm trong một khoảng thời gian quy định trước (có thể lập trình được). Sau khoảng thời gian này mắt vẫn ở trạng thái nhắm, chương trình sẽ phát âm thanh cảnh báo qua loa. Trong quá trình thử nghiệm mô hình, các tác giả tự tin khẳng định: Chương trình này khả thi trong điều kiện thời gian thực trên thiết bị nhỏ gọn sử dụng vi xử lý ARM và có thể tích hợp được trên những phương tiện giao thông. “Tụi mình đọc rất nhiều tài liệu, làm tới làm lui vì thấy sai hoài. Sau nhiều lần thử nghiệm, mới dần dần khắc phục một số hạn chế” - tác giả Nguyễn Khắc Hiếu chia sẻ.
Được biết, các tác giả nói trên đều tự bỏ tiền túi thực hiện đề tài và đều đạt kết quả loại giỏi. Sau khi tốt nghiệp, hầu hết những tác giả trẻ trên đã lên đường hoặc đang chuẩn bị du học tại Na Uy, Hàn Quốc…