Phòng, chống “diễn biến hòa bình”: Đừng để thế lực thù địch... “dắt mũi”

(CTG) Hết giờ dạy sáng, Lan bước vào phòng nghỉ của giáo viên, gương mặt đầy ưu tư. Quay sang thầy Hùng và cô Minh đang ngồi uống nước, Lan băn khoăn: Em thấy nhiều người trên mạng bảo Luật Nhà giáo sắp ra đời chỉ để giáo viên chúng ta hưởng “đặc quyền, đặc lợi”. Em không biết phải nghĩ sao nữa!

- Em lại đọc mấy thông tin trên mạng xã hội đúng không? Hồi trước, đọc mấy bài viết đó, con gái chị còn bảo sau này sẽ không theo nghề của mẹ nữa. Công việc vất vả, cuộc sống khó khăn mà còn bị “mang tiếng”. Họ đâu có hiểu, để có mỗi giờ lên lớp, còn biết bao đêm thầy, cô giáo nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị giáo án; bao nhiêu trăn trở vì các thế hệ học trò...

- Lan à, nghe những thông tin trên mạng em phải suy xét kỹ, nhất là trên các trang phản động như “Việt Tân”, “Dân Luận”... Một số thế lực cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật, làm chúng ta mất lòng tin vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đấy. Thầy Hùng phân tích.

Phòng, chống “diễn biến hòa bình”: Đừng để thế lực thù địch... “dắt mũi”
Ảnh minh họa: Chinhphu.vn 

- Nhưng nhiều người tin và công kích nghề giáo mình lắm thầy ạ!

- Đúng là lực lượng chống phá có bài bản. Vừa qua, trong dự thảo Luật Nhà giáo có nội dung miễn học phí cho con giáo viên. Ngay lập tức thế lực thù địch đã bám lấy chi tiết này để công kích nhà giáo, tạo cảm giác bất công. Nhưng quy định này chỉ là ý tưởng ban đầu trong dự thảo. Sau khi lắng nghe dư luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiêm túc tiếp thu, bỏ quy định này và nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội mà.

- Đã ban hành Luật Nhà giáo chắc chắn phải là hệ thống đồng bộ, đầy đủ cả quyền lợi và nghĩa vụ, phải không thầy Hùng, cô Minh?

- Đúng thế. Đảng ta xác định phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đó mới là mục tiêu bao trùm. Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị hồi tháng 8 vừa qua nhấn mạnh phải hoàn thiện cơ chế, chính sách về giáo dục-đào tạo và Luật Nhà giáo chính là bước hiện thực hóa các nghị quyết đó.

- Chị hiểu rằng luật này không phải tạo “đặc quyền” mà để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhà giáo, giúp đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục yên tâm cống hiến cho sự nghiệp "trồng người". Cô Minh phân tích thêm.

- Nhưng tại sao họ lại chống phá dữ vậy? Lan băn khoăn.

- Vì họ muốn phá hoại niềm tin vào Đảng và Nhà nước. Họ biết giáo dục là lĩnh vực rất nhạy cảm, dễ gây chú ý. Lợi dụng một vài chi tiết chưa rõ ràng, họ xuyên tạc rằng luật này chỉ phục vụ lợi ích cá nhân, làm người dân hiểu sai bản chất. Thầy Hùng phân tích.

- Đúng đấy Lan à. Là giáo viên, chúng ta không chỉ dạy tri thức mà còn phải làm gương về cách tiếp nhận và xử lý thông tin. Đoàn kết, vững tin vào chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, chúng ta mới góp phần xây dựng nền giáo dục vững mạnh được.

- Cảm ơn thầy Hùng, cô Minh. Em sẽ chia sẻ điều này để mọi người sáng tỏ, tránh để thế lực thù địch lợi dụng “dắt mũi” dư luận.

HUY PHONG

Theo QĐND