Hành trình của phong trào tình nguyện
Thưa ông, được coi là "cha đẻ" của Tháng Thanh niên, xin ông cho biết Tháng Thanh niên đã ra đời như thế nào?
Vào thời điểm năm 2003, khi tôi là Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên VN, phong trào thanh niên tình nguyện đã lan rộng trong phạm vi cả nước. Có thể nói, đó là một thực tiễn sinh động để thấy khí thế của một phong trào đang được dấy lên rất tốt và năng lượng của thanh niên, sinh viên rất dồi dào. Điều đó đặt ra một suy nghĩ là làm sao chúng ta có không gian và thời gian rộng hơn nữa, tốt hơn nữa để khơi dậy một cách mạnh mẽ và cao độ tinh thần hành động vì cộng đồng của thanh niên. Tôi và anh chị em trong Ban Bí thư T.Ư Đoàn và Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên VN có suy nghĩ là chúng ta cần có Tháng Thanh niên. Nhưng lúc đó đặt vấn đề này không hề dễ dàng.
Trong bối cảnh đó, chúng tôi đã quyết định chủ động phát động chương trình Tháng Thanh niên đầu tiên với tinh thần "Thanh niên hành động vì cộng đồng, xã hội chăm lo, bồi dưỡng thanh niên". Tháng Thanh niên đầu tiên mà T.Ư Đoàn phát động nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng và đã thành công tốt đẹp.
Sau đó, T.Ư Đoàn đã có báo cáo gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng, Thường trực Chính phủ về kết quả Tháng Thanh niên và cuối năm 2003, Ban Bí thư T.Ư Đảng và Thường trực Chính phủ đã đồng ý với đề nghị chọn tháng 3 là Tháng Thanh niên, bắt đầu từ năm 2004.
Thưa ông, sau khi Tháng Thanh niên ra đời, phong trào thanh niên tình nguyện đã có gì mới?
Vào những năm 1998 - 1999, phong trào tình nguyện được khởi đầu trong sinh viên với các chương trình Mùa hè xanh, Viên gạch hồng... Đến năm 2000, phong trào thanh niên tình nguyện được phát động trong cả nước. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, nội dung hoạt động của phong trào chưa phong phú lắm, chủ yếu thanh niên tình nguyện đi vùng sâu, vùng xa và đảm nhận những việc khó khăn mà cộng đồng xã hội chưa lo được, như: sửa đường, làm cầu, vệ sinh môi trường, sửa sang nghĩa trang liệt sĩ, giúp bà con khó khăn… Từ khi tháng 3 được chọn là Tháng Thanh niên, giá trị của phong trào đã được nhân lên rất lớn. Tổ chức Đoàn đã tổ chức được rất nhiều hoạt động và đội hình tình nguyện như: Trí thức trẻ tình nguyện, Y bác sĩ trẻ tình nguyện…
Có thể nói, phong trào tình nguyện đã phát triển cả về chất và lượng, ngày càng đi vào chiều sâu, đóng góp thiết thực cho xã hội.
Ấn tượng sâu đậm trong lòng xã hội
Sau 20 năm hình thành và phát triển, theo ông, Tháng Thanh niên và phong trào thanh niên tình nguyện đã có giá trị như thế nào đối với người trẻ nói riêng và đời sống xã hội nói chung?
Trong 20 năm qua, Tháng Thanh niên đã có rất nhiều giá trị với cộng đồng. Thanh niên đã tình nguyện đi đầu trong nhiều lĩnh vực như: xóa đói, giảm nghèo, khoa học kỹ thuật, đặc biệt là khoa học kỹ thuật nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, y tế, giáo dục, công nghệ… Đó là những vấn đề hết sức thiết thực mà thanh niên đang đóng góp rất hiệu quả cho sự phát triển của cộng đồng.
Đối với tuổi trẻ, phong trào thanh niên tình nguyện là môi trường thực tiễn sinh động để các bạn rèn luyện, trưởng thành về mặt nhận thức, về kiến thức, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, bồi đắp tình thương, tính nhân văn, trách nhiệm công dân của thanh niên.
Thưa ông, ý nghĩa của Tháng Thanh niên không chỉ là để thanh niên hành động vì cộng đồng, mà còn có ý nghĩa để chăm lo, bồi dưỡng thanh niên. Vậy 20 năm qua, Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm như thế nào đối với thanh niên?
Với hoạt động của Tháng Thanh niên, với phong trào thanh niên tình nguyện, Đảng và Nhà nước ngày càng thấy vai trò và tầm quan trọng của công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi, thấy được sức mạnh của lực lượng trẻ. Trước đây, nói đến Đoàn thanh niên là nói đến vai trò xung kích. Bắt đầu những năm 2000, bên cạnh vai trò xung kích, chúng ta nói nhiều hơn đến phong trào thanh niên tình nguyện. Có thể thấy, đây là bước phát triển mới cả về lý luận và thực tiễn về sự nhìn nhận của xã hội đối với lực lượng trẻ. Phong trào thanh niên tình nguyện là hoạt động xung kích trong thời kỳ mới.
Sau khi Tháng Thanh niên ra đời và có trải nghiệm thực tiễn tiếp diễn năm này qua năm khác, đến năm 2005, Quốc hội đã thông qua luật Thanh niên. Sau này, chúng ta có Chiến lược phát triển thanh niên VN; Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng có rất nhiều nghị quyết về công tác thanh niên. Như vậy, thực tiễn chứng minh, Tháng Thanh niên đã góp phần nâng cao sự quan tâm của xã hội đối với thanh niên và nâng cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ngày càng sâu sát, hiệu quả của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đối với thanh niên và công tác thanh niên.
Theo ông, để Tháng Thanh niên và phong trào tình nguyện có sức sống lâu bền, tổ chức Đoàn, Hội cần phải làm gì?
Có thể thấy, Tháng Thanh niên đã đi vào lịch sử và hiệu ứng đến nhanh hơn, hiệu quả hơn trước. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải tiếp tục suy nghĩ và tiếp tục khắc phục những mặt hạn chế, bởi tính thiết thực đòi hỏi rất cao. Hành động gì và làm gì cũng phải tính đến hiệu quả thiết thực, thực chất. Phong trào càng thực chất bao nhiêu thì càng có chiều sâu bấy nhiêu. Xã hội cần tính thiết thực. Sức sống lâu bền của phong trào thanh niên tình nguyện là tính thiết thực. Vì thế, theo tôi, nội dung hoạt động của Tháng Thanh niên cần đi vào chiều sâu và hiệu quả là quan trọng nhất. Nếu nâng cao được nội dung và chất lượng hoạt động thì Tháng Thanh niên sẽ có sức sống lâu bền và sẽ ngày càng hiệu quả hơn nữa.
Xin cảm ơn ông!
Theo TNO