Thứ nhất, sức cạnh tranh của nền kinh tế đang yếu sức trong cuộc chạy đua toàn cầu:
|
Chúng ta kéo dài quá lâu mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều ngang, chủ yếu dựa vào sự tăng vốn đầu tư, sử dụng lao động rẻ, khai thác tài nguyên thô và gia công hàng xuất khẩu..., thể hiện qua các chỉ báo như: hệ số ICOR, tỷ trọng GTGT/GTSX, cơ cấu hàng xuất khẩu, năng suất lao động, tổng yếu tố của tăng trưởng... Trong quan hệ với nền kinh tế toàn cầu và trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực, sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta vẫn còn nằm ở vị trí của nhóm 30% các nền kinh tế có sức cạnh tranh thấp. Theo bảng xếp hạng của WEF, thì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam luôn luôn ở nhóm 1/3 thấp nhất trong bảng xếp hạng. Do đó, nếu chỉ nhìn ngày hôm qua của mình, thì rõ ràng bộ mặt kinh tế – xã hội nước ta có những tiến bộ rõ rệt (dĩ nhiên vẫn còn nhiều mặt thụt lùi như môi trường; xâm hại tài nguyên; trật tự đô thị; kỷ cương xã hội…), nhưng nếu nhìn ra thế giới, trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập thì chúng ta đang tụt hậu xa hơn trên nhiều mặt.
Thứ hai, căn bệnh nhập siêu là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây bất ổn vĩ mô: Một nền kinh tế hướng vào xuất khẩu, nhưng sau 20 năm vẫn trong tình trạng nhập siêu ngày càng nặng; sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều dựa vào nhập khẩu, gia công công đoạn cuối cùng để tiêu dùng trong nước. Nếu căn cứ vào cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hoá và bảng cân đối tài khoản vãng lai (xuất – nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ), có thể nhận ra rằng, nền kinh tế nước ta thực chất là nền kinh tế tiêu thụ bán thành phẩm và thành phẩm của nước ngoài. Để bù đắp cho cân đối tài khoản vốn cho nền kinh tế mang nặng tính chất tiêu thụ như trên, chúng ta dựa vào các nguồn ngoại tệ bấp bênh như FDI, ODA, kiều hối, xuất khẩu lao động…
Thứ ba, đầu tư công thiếu hiệu quả cùng với bội chi ngân sách ngày càng nặng: Tình trạng bội chi ngân sách ngày càng lớn, đầu tư công thiếu đồng bộ và không tuân thủ nguyên tắc chi phí cơ hội đã góp phần tăng nhanh hệ số ICOR. Trong mười năm qua, để thúc đẩy tăng GDP, khu vực đầu tư công (bao gồm đầu tư ngân sách nhà nước và doanh nghiệp nhà nước) tăng nhanh, thu hút một khối lượng tín dụng khá lớn; trong đó một phần bội chi ngân sách dựa vào tín dụng và phát hành. Ngay cả trái phiếu của Chính phủ cũng dựa chủ yếu vào ngân hàng thương mại, phần huy động trực tiếp từ công chúng chiếm tỷ trọng nhỏ. Một khối lượng tiền khá lớn đưa vào khu vực này, nhưng do tiến độ đầu tư kéo dài, thiếu đồng bộ nên không tạo ra được khối lượng tài sản tương ứng, kéo chậm vòng quay của đồng tiền, gây bất ổn vĩ mô, nhưng chưa được đánh giá đầy đủ.
Thứ tư, nền kinh tế đối mặt với bẫy “tự do hoá thương mại” toàn cầu:
|
Điều kiện cam kết để gia nhập WTO của Việt Nam vào thời điểm 2006, người ta gọi là WTO cộng, vì chúng ta chấp nhận mở cửa thị trường với những điều kiện bất lợi hơn so với các nước phát triển gia nhập trước đó như cắt giảm hàng rào thuế quan, mở cửa thị trường dịch vụ, thị trường đầu tư, sở hữu trí tuệ... Việc chấp nhận những điều kiện bất lợi hơn để có thể gia nhập sân chơi này là quyết định khó khăn, nhưng hoàn toàn đúng đắn, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá nền kinh tế, khi mà toàn cầu hoá đang là xu hướng khách quan của thế giới bước vào thế kỷ 21 và cũng là thời đại của kinh tế tri thức. Tuy nhiên, vấn đề đáng nói ở đây là chúng ta làm gì để vượt qua những bất lợi đó trước và sau khi gia nhập WTO? Tạo thuận lợi thu hút dòng vốn nước ngoài thì nền kinh tế không hấp thụ nổi (hiện tượng thừa vốn diễn ra ngay trong năm 2007 – năm đầu gia nhập WTO); cắt giảm hàng rào thuế quan, xoá bỏ các biện pháp bảo hộ phi thuế thì nhập siêu tăng nhanh; các chính sách và biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ sản xuất nông nghiệp mà khuôn khổ WTO cho phép, thì không mang lại kết quả rõ rệt. Tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc tăng vọt, mà chưa có giải pháp nào để kiềm chế. Với lộ trình cắt giảm thuế và mở cửa thị trường dịch vụ trong vài năm tới, nhất là từ sau 2015 khi thực hiện đầy đủ hiệp định mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc, thách thức càng nghiêm trọng hơn. Việc nền kinh tế rơi dần vào “bẫy tự do hoá thương mại” không còn là nguy cơ, mà bắt đầu là hiện thực.
Thứ năm, FDI: tích cực và tiêu cực đan xen nhau: Sau hơn 20 năm thực hiện chính sách thu hút FDI, không thể phủ nhận những tác động tích cực của dòng vốn này mang lại cho nền kinh tế đất nước. Nhưng nếu xét trên bình diện quốc gia và lợi ích quốc gia, FDI luôn luôn là “nợ quốc gia”, chứ không đơn giản là tiền của nước ngoài đầu tư, mình không mất gì, như nhiều người đã quan niệm. Do đó, cần phải tính “cái giá” phải trả cho việc thu hút dòng vốn này, mà mục tiêu quan trọng nhất là những lợi ích trực tiếp và lợi ích lan toả do doanh nghiệp FDI mang lại cho nền kinh tế. Mở cửa thị trường trong nước cho FDI, người ta thường lý giải: hy sinh thị trường để đổi lấy công nghệ và khi đã có công nghệ thì sẽ lấy lại thị trường. Triết lý trên là đúng. Tuy nhiên, thử đánh giá thực trạng hơn 20 năm thu hút FDI để đối chiếu với triết lý trên, bắt đầu từ ngành công nghiệp ôtô, điện tử, điện lạnh, hoá chất, hoá dược, thực phẩm, đồ uống, kinh doanh bất động sản... thì e rằng chúng ta không được công nghệ, mà đã mất thị trường. Tình trạng chuyển giá (lãi thật lỗ giả) để trốn thuế trong các doanh nghiệp FDI ngày càng tinh vi và nghiêm trọng. Cục Thuế TP.HCM cho biết có đến 50% doanh nghiệp FDI trên địa bàn khai lỗ, thậm chí có doanh nghiệp lỗ luỹ kế nhiều hơn vốn pháp định, nhưng vẫn tồn tại và sống tốt. Tình trạng này tạo ra một sự cạnh tranh bất chính đối với các doanh nghiệp trong nước ngay trên thị trường nội địa.
Thứ sáu, sự tồn tại cơ cấu kinh tế tỉnh và sự lu mờ các vùng kinh tế động lực: Chúng ta có 63 tỉnh, thành trên một lãnh thổ khoảng 330.000km2, trong đó nhiều tỉnh có ranh giới hành chính được hình thành từ thời thực dân Pháp cai trị. Trong giai đoạn tồn tại nền kinh tế kế hoạch hóa, nhiều tỉnh đã từng được mở rộng về quy mô diện tích để xây dựng thành những nền kinh tế có cơ cấu hoàn chỉnh (công – nông nghiệp), nhưng khi chuyển qua kinh tế thị trường, tư duy cơ cấu kinh tế tỉnh vẫn không mấy thay đổi, dù đã chia ra nhỏ hơn. Trong khi đó, chúng ta hình thành các vùng kinh tế, đặc biệt là ba vùng kinh tế trọng điểm ở ba miền, nhưng trên thực tế vẫn xây dựng cơ cấu kinh tế tỉnh. Trong những năm gần đây, do mở rộng việc phân cấp quản lý kinh tế cho các tỉnh, nên sự xung đột lợi ích giữa các địa phương, phá vỡ tính tổng thể của nền kinh tế quốc gia là điều không tránh khỏi. Nguồn lực sản xuất của quốc gia bị phân tán, đầu tư công và cả đầu tư tư nhân bị dàn trải; các vùng kinh tế trọng điểm không có được sức mạnh của liên kết vùng. Tình trạng chạy đua công nghiệp hoá, xây dựng hàng trăm khu công nghiệp, khu kinh tế mở, khu đô thị mới của các địa phương trong nhiều năm qua đã biến một bộ phận rất lớn đất nông nghiệp thành đất hoang, tạo sức ép nặng nề đối với nông nghiệp và nông dân. Phân công lao động ngày nay mang tính toàn cầu, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại cơ cấu kinh tế tỉnh. Khái niệm chuyển dịch cơ cấu kinh tế cần nhìn ở quy mô nền kinh tế quốc gia, chứ không phải theo các ranh giới hành chính tỉnh hay huyện. Vấn đề này liên quan đến việc quy định cụ thể chức năng kinh tế của chính quyền địa phương.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị