Được ba mẹ định hướng từ năm 7 tuổi, Thụy Khanh có 4 năm học tập, rèn luyện piano trước khi thi vào Nhạc viện TP.HCM. Ngay từ những ngày đầu theo học, cô nàng được giáo viên nhận xét là có tư duy nghệ thuật tốt và rất nhạy với phím đàn. Năm 2014, Khanh thi đậu vào hệ trung cấp 9 năm chuyên ngành piano với tỉ lệ chọi 1/10.
Mặc dù có khởi đầu sớm hơn các bạn đồng trang lứa, nhưng Thụy Khanh vẫn gặp nhiều khó khăn và áp lực. Mỗi ngày, ngoài học văn hóa, Khanh còn học song song piano ở Nhạc viện TP.HCM. Trong suốt hành trình ấy, Khanh đã từng trải qua khoảng thời gian "khủng hoảng tuổi 18" và quyết định dừng hẳn việc học Trung cấp piano sau khi kết thúc năm thứ 8.
"Mình không học tiếp năm thứ 9 mà dành thời gian ôn thi thẳng vào hệ đại học với tư cách là thí sinh tự do. Sở dĩ làm như vậy là vì nghĩ rằng đã đến lúc mình phải cần có bước đột phá mới, bất chấp những trở ngại khi chưa tốt nghiệp hệ trung cấp. Mình nghĩ đây là sự đánh đổi hoàn toàn hợp lý", Khanh chia sẻ.
Năm 2023, được xem là một năm đầy thăng hoa trong sự nghiệp của Khanh khi cô nàng có cơ hội biểu diễn ở nhiều đêm nhạc. Đối với Khanh, thành công mà bạn luôn trân quý không phải là các giải thưởng đạt được, mà đến từ những màn trình diễn bùng nổ.
Chia sẻ về tác phẩm tâm huyết nhất, Khanh bật mí đó là "Trống cơm" và "Con gà rừng", được biểu diễn trong buổi hòa nhạc Piano Forte Opus 1: "Through the Ages" do Khoa Piano, Nhạc viện TP.HCM tổ chức vào tháng 10.2023. Hai tác phẩm đều có độ khó vượt tầm khả năng nên Khanh dành nhiều thời gian tập luyện và không may bị chấn thương cho đến ngày biểu diễn.
"Hình ảnh của mình ngày trước và như thế này ở hiện tại mới chính là nguồn cảm hứng để tiếp tục phát triển trong tương lai. Vì vậy, khi bước lên sân khấu, mình dường như không còn thấy đau nữa. Chỉ biết đắm vào phím đàn để tạo ra giai điệu ấn tượng với khán giả", Khanh bộc bạch.
Hiện nay, trước trào lưu nhạc hiện đại kết hợp với cổ điển, Khanh cho rằng đây là một tín hiệu tốt giúp các tác phẩm cổ điển "chạm" gần hơn đến trái tim của những người yêu nhạc. Tuy nhiên, người nghệ sĩ không nên làm điều ngược lại vì mỗi tác phẩm cổ điển đều mang một hệ tư tưởng riêng của các nhà soạn nhạc trong bối cảnh lịch sử. Thay vì làm mất đi tính nghệ thuật của nhạc cổ điển, tại sao không "thổi hồn" nhạc cổ điển vào các bài hát hiện đại?
Từ một cô nàng gen Z theo đuổi piano chuyên nghiệp, Thụy Khanh mong muốn phát triển vượt bậc hơn trong chuyên môn, đồng thời lan tỏa niềm đam mê và truyền cảm hứng tích cực đến những người trẻ trên hành trình theo đuổi nghệ thuật. Đó là một trong những lý do khiến Khanh phải suy ngẫm và quyết định cải tạo không gian nhà ở thành lớp dạy nhạc cụ và một số môn nghệ thuật ở độ tuổi 21.
Để thực hiện kế hoạch này, cùng với sự hỗ trợ từ gia đình, Khanh đã dùng toàn bộ thu nhập tích góp được trong 3 năm giảng dạy piano. Mặc dù không bắt đầu từ hai bàn tay trắng nhưng Khanh lúc nào cũng lo lắng, sợ mình không có kinh nghiệm dẫn đến khởi nghiệp thất bại.
"Tổng chi phí mở lớp lên đến 200 triệu đồng. Trong đó, sửa sang lại không gian nhà tốn 50 triệu đồng, chi phí đầu tư trang thiết bị là 50 triệu đồng và 100 triệu đồng nữa dành cho việc xây dựng phòng thu. Lúc đầu, hơi choáng vì số tiền này quá lớn đối với một cô sinh viên năm 3 như mình", Khanh nói.