Bừng sáng những tuyến đường quê
Chúng tôi đến xã Mỹ An Hưng A, H.Lấp Vò (Đồng Tháp), hôm tuyến đường quê ở ấp An Thái chỉ vừa mới được đội hình sinh viên tình nguyện Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM hoàn thành đến công đoạn xây dựng và làm các trụ đèn năng lượng mặt trời, nhưng người dân ở đây ai cũng vui mừng khôn xiết.
Nhìn những trụ đèn năng lượng mặt trời vừa được dựng lên, ông Ngô Văn Tráng, người dân địa phương, tấm tắc nói: "Dựng cột xong rồi, sinh viên tình nguyện lắp bóng đèn vào nữa là tuyến đường ở đây sáng trưng luôn. Sáng vào tới nhà luôn ấy chứ".Ông Tráng kể: "Tuyến đường này trước đây ban đêm tối hù, người lớn không dám đi, đừng nói gì con nít. Chạy bằng xe máy có đèn xe cũng đỡ, chứ đi bộ hay xe đạp là không ai dám đi. Một bên đường còn có con sông nên ban đêm không có điện, rất nguy hiểm khi đi lại".
Theo ông Tráng, có điện đường không chỉ thuận tiện hơn trong việc đi lại mà vấn đề an ninh trật tự cũng được đảm bảo. Ông lý giải: "Những người có ý đồ xấu, trộm cắp mà thấy đèn sáng thì sẽ sợ và không dám làm liều. Đường trước đây buổi tối ít ai đi nên rất vắng, mà càng vắng và tối thì kẻ trộm cắp lại lộng hành, đi bẻ trộm trái cây, lấy xe cộ rồi máy móc, mô tơ làm đồng của người dân. Nhưng giờ đường sáng trưng về đêm như thế này rồi, kẻ xấu đâu dám có ý đồ gì nữa".
Làm công việc thường xuyên phải đi về khuya nên chị Lê Thị Sinh (ấp An Thái) rất mừng khi tuyến đường từ nay không còn cảnh tối hù về đêm nữa. Chị Sinh bày tỏ: "Tôi làm ở vựa xoài, có khi đến 2 - 3 giờ sáng mới về. Toàn đi về giờ khuya nên đường tối có cảm giác không an tâm. Giờ đây tuyến đường sáng trưng rồi nên tôi và người dân ở đây ai cũng vui".
Vừa nhắc đến đội hình sinh viên tình nguyện, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ An Hưng A, nói: "Các bạn đúng là tinh thần xung kích tình nguyện của tuổi trẻ. Các bạn đã làm rất có tâm và giúp cho địa phương nhiều công trình, phần việc ý nghĩa".
Kể về những trăn trở với tuyến đường bao năm về đêm cứ tối hù, ông Sơn cho biết bà con kiến nghị rất nhiều lần về việc thực hiện thắp sáng tuyến đường để giảm bớt tình hình tội phạm, tạo điều kiện đi lại về đêm được thuận tiện hơn, nhưng điều này vượt quá khả năng của chính quyền địa phương.
"Bà con đề xuất nhiều lần nhưng khả năng của địa phương là không có nguồn thu, nên vấn đề đầu tư cũng rất hạn chế. Các tuyến đường khác thì chủ yếu vận động rồi bà con cùng đóng góp. Còn tuyến đường này mặc dù là liên xã, việc lưu thông của người dân rất đông, nhưng lại thưa nhà nên việc vận động đóng góp kinh phí bị hạn chế. Vì thế, mặc dù người dân nhiều lần đề xuất nhưng chính quyền cũng chưa thể làm được. Khi đội hình sinh viên tình nguyện về, biết được nhu cầu của địa phương nên đã thực hiện công trình thắp sáng đường quê ý nghĩa này", ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng cho biết xã đang phấn đấu thực hiện nông thôn mới nâng cao. Qua các năm, những đội hình sinh viên tình nguyện về cũng đã hỗ trợ địa phương rất nhiều để đạt được các tiêu chí của nông thôn mới và tiến đến đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Thành quả của những ngày dãi nắng dầm mưa
Để hoàn thành tuyến đường điện năng lượng mặt trời dài hơn 2 km này, đội hình sinh viên tình nguyện đã phải dãi nắng và nhiều hôm dầm cả mưa để đẩy nhanh tiến độ.
Buổi sáng làm đến trưa thì nắng nóng, người nào người nấy mồ hôi thấm ướt lưng áo; nhưng chiều lại đổ mưa to, sinh viên tình nguyện thấp thỏm lo lắng. Vì nếu mưa lớn, nước mưa sẽ cuốn theo đất vùi lấp hết thành quả cả buổi sáng phơi mình dưới nắng, hì hục đào lỗ để dựng cột điện.
"Đó là lúc trời mưa lớn quá, tụi mình trở tay không kịp, hoặc đang lúc về nghỉ ăn cơm trưa thì trời lại đổ mưa, thế là sau đó nhiều lỗ tụi mình phải moi đất lên hoặc đào lại từ đầu. Do đó, tụi mình sợ nhất là trời mưa. Nhưng thường mưa lớn mới nghỉ, còn nếu vẫn làm được thì tụi mình vẫn không ngơi tay. Vì ai cũng mong tuyến đường nhanh chóng được sáng đèn để người dân thuận tiện hơn trong việc đi lại về đêm", Đường Yến Ngọc, Đội trưởng Đội hình Mùa hè xanh Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM tại tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ.
Những ngày hè qua, tại xã An Bình Tây, H.Ba Tri (Bến Tre), đội hình tình nguyện của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cũng dãi nắng, dầm mưa bê tông hóa tuyến đường đất vốn sình lầy, khó đi cho người dân.
Từ lúc mới đi khảo sát, gặp đúng hôm trời mưa, mới chỉ đi lại một lần trên tuyến đường này mà Nhan Hữu Hiếu, Đội trưởng Đội hình Mùa hè xanh Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM tại tỉnh Bến Tre, đã thấu hiểu được nỗi khổ của người dân nơi đây mỗi mùa mưa về.
"Đường lầy lội, rất dễ trơn trượt, nước mưa đọng lại thành nhiều vũng nên rất khó đi", Hiếu kể và cho biết, chứng kiến thực tế này nên cả đội hình càng thêm quyết tâm để nhanh chóng bê tông hóa tuyến đường.
Chính vì thế, trong quá trình thi công, mặc dù điều kiện thời tiết nắng mưa thất thường, nhiều khi thấy các bạn làm việc quá cật lực, chính quyền và người dân địa phương bảo chỉ nên làm buổi sáng và nghỉ buổi chiều để lấy lại sức. Nhưng các bạn vẫn xin làm luôn cả buổi chiều.
Hiếu kể: "Có những bạn vì làm quá hăng say, chẳng may bị lưỡi cuốc đụng trúng chân, nhưng sau khi băng bó vết thương vẫn xin tiếp tục công việc".
Từ tuyến đường đất sình lầy mỗi mùa mưa, hai bên cỏ mọc um tùm, phần đi lại được chỉ rộng chưa đến 1 m, giờ đây người dân đã bon bon chạy xe trên tuyến đường bê tông rộng hơn 2,5 m. Chứng kiến niềm vui của người dân, Hiếu bày tỏ: "Những ngày đầu mới làm, đứa nào đứa nấy về cũng nhức tay, nhức chân và ê ẩm khắp người. Nhưng hôm nay, nhìn thấy thành quả thì niềm hạnh phúc lại dâng trào, vì biết rằng tụi mình đã làm được một việc mang lại ý nghĩa thật sự cho người dân".
Các công trình, phần việc
Tại xã Mỹ An Hưng A, H.Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp: Công trình thắp sáng đường giao thông nông thôn 2000 m tại đường Tư Để, ấp An Thái; công trình số phục dựng di ảnh tại địa phương nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7; trao tặng 30 phần quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách; xây dựng đường cờ Tổ quốc 2000 m với 200 lá cờ; thực hiện tuyến đường giao thông nông thôn xanh - sạch – đẹp, hỗ trợ trồng 500 cây tại các tuyến đường "Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp"; cải tạo 1 sân chơi thiếu nhi tại Trường tiểu học Mỹ An Hưng A; trao tặng 10 bộ máy vi tính cho UBND xã hỗ trợ công tác chuyển đổi số tại các ấp trên địa bàn; trao tặng 100 phần quà (tập, dụng cụ học tập) và 20 bộ sách giáo khoa cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trong chương trình "Chuyến xe yêu thương"; hỗ trợ thực hiện công trình bức tranh "Tự hào một dải non sông" tại nhà bia liệt sĩ của xã…
Tại xã An Bình Tây, H.Ba Tri, tỉnh Bến Tre: Bê tông hóa 1 tuyến đường giao thông nông thôn; thực hiện 1 tuyến đường cờ Tổ quốc; trao 1.000 cuốn tập trắng, 20 bộ sách giáo khoa, 10 chiếc xe đạp và hơn 20 gian hàng khoa học, trò chơi sinh hoạt cho 350 học sinh trong chương trình "Chuyến xe yêu thương"; trao tặng 20 phần quà cho các gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình chính sách; trao tặng và trồng mới 100 cây xanh trên một tuyến đường; tổ chức 5 buổi ôn tập hè cho học sinh địa phương và rèn các kỹ năng sống, khoa học vui; tổ chức 3 đợt phát suất ăn yêu thương với hơn 450 phần ăn cho người lao động khó khăn ở địa phương…
Theo TN