Áp dụng AI liên hoàn
Nhờ sản phẩm “AI for Viet Nam” (Trí tuệ nhân tạo của Việt Nam), nhóm sinh viên nữ gồm Đào Hồng Nhung (sinh viên năm 3), Phạm Minh Nguyệt và Nguyễn Hoàng Hà (sinh viên năm 4), chuyên ngành báo in, báo điện tử, Viện Đào tạo Báo chí và truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội mới đạt được điểm 10.
Trước mắt chúng tôi, Nguyễn Hoàng Hà, thành viên của nhóm đang ngồi điều khiển nhân vật bằng ánh sáng ảo từ máy tính. Nhân vật được Hà di chuyển từ ngoài sân vào căn phòng. Bên trong căn phòng là khu triển lãm ảnh Vịnh Hạ Long, Tràng An, Cố đô Huế, Đà Lạt, Nhà thờ Lớn ở TPHCM…
“Để ứng dụng AI vào trong công việc, em nghĩ vẫn cần thiết có môn học riêng tại trường. Làm thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất mà không lạm dụng vào AI. Chúng em muốn học cách làm chủ nó, chứ không phải để nó làm chủ mình”, Nguyễn Hoàng Hà, sinh viên năm 4, chuyên ngành báo in, báo điện tử, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội nói. |
“Chúng em làm mô hình nảy từ các phần mềm AI khác nhau. Ví dụ như thiết kế 3D được làm từ phần mềm Artsteps, hình ảnh được tạo từ Midjourney và phần nội dung được lấy từ Notion (phần mềm chat AI giống ChatGPT), thêm phần giọng đọc từ AI…”, Hà vừa điều khiển nhân vật, vừa giới thiệu. Khi nhân vật ảochạm vào bức tranh, trên màn hình hiển thị hai phần: Bên trái là phần chữ, giới thiệu về địa danh đó; bên phải là hình ảnh phóng to của bức tranh.
Các bạn sinh viên Viện Đào tạo Báo chí truyền thông (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) đang học về trường quay ảo |
“Nhóm làm dựa trên ý tưởng truyền thông cho một công ty du lịch. Vì thế, ở góc bức tranh có một mã QR để người dùng có thể quét để lấy thông tin về công ty du lịch”, Nhung nói.
Các thành viên trong nhóm cho hay, với thành công của dự án này, nếu muốn làm một triển lãm tuyển tập các bài báo hay trong tuần, trong tháng được thiết kế bởi AI và hướng dẫn viên ảo là không quá khó.
Bắt AI cho ý tưởng, AI làm và AI biên tập
Ngô Trung Dũng, sinh viên năm cuối lớp Báo in K39, Bí thư Liên chi đoàn Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã bắt đầu làm việc tại một công ty truyền thông và cộng tác cho một cơ quan báo chí. Trong công việc làm những sản phẩm Podcast (tập tin âm thanh) cho công ty truyền thông, hay viết bài trên báo chí, Dũng đã ứng dụng AI để tìm ý tưởng và triển khai. “ChatGPT có thể cho em gợi ý đề tài. Thậm chí, với sản phẩm Podcast, ChatGPT hỗ trợ em đến khoảng 70, 80% công việc”, Dũng nói.
Những Podcast thường là một cuộc trò chuyện của Dũng với các chuyên gia. Có khi chỉ là những chia sẻ, tâm sự của bản thân Dũng về các góc nhìn về đời sống. Để hoàn thành một sản phẩm theo cách thông thường, Dũng sẽ phải tìm kiếm chủ đề, lên kịch bản, tìm hiểu thông tin, viết nội dung và thu âm.
Nhưng với AI, công việc đã vơi đi rất nhiều.
TS Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trong lần cập nhật chương trình mới nhất năm 2023, chương trình đào tạo đại học ngành Báo chí của Viện đã kịp thời đưa môn học "Công nghệ truyền thông số" vào chương trình đào tạo. Môn học này giảng dạy cho sinh viên về hệ thống báo chí hội tụ SMAC, thuật toán và ứng dụng thuật toán trong báo chí truyền thông, công nghệ Bigdata, công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ phân tích dữ liệu, công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường...
Theo TS Kiền, báo chí hiện đại đang xô đổ nhiều cách làm của báo chí truyền thống. “Thứ nhất, một sản phẩm báo chí tương lai không đơn thuần là một tác phẩm được thực hiện theo một loại hình nào đó và được đăng, phát trên một nền tảng nào đó. Việc tách, nhập các bộ phận trong một sản phẩm để sử dụng linh hoạt cho các nền tảng, các mục tiêu khác nhau sẽ cơ bản là tiêu chí của sản phẩm báo chí hiện đại” - TS Kiền nói.
Thứ hai, cũng theo TS Kiền, tiêu chí đánh giá phóng viên, nhà báo cũng thay đổi cơ bản. Từ những người đưa tin, lấy tốc độ và sự trung thực làm tiêu chí cơ bản, phóng viên sẽ trở thành người sáng tạo trên nền tảng tin tức. Người làm báo cần và nên đi sâu vào các lĩnh vực liên quan đến cảm xúc, trách nhiệm, sứ mệnh… Đó là những thứ mà AI hiện chưa thay thế được con người.
“Sinh viên báo chí cần hết sức bình tĩnh khi tiếp nhận các ứng dụng của AI. Vì rất có thể, thay vì làm chủ AI, bạn sẽ trở thành nạn nhân, thậm chí là công cụ của AI. Nói theo cách của các bạn Gen Z thì hãy để AI là thóc chứ đừng biến nó thành gà và bạn là thóc”, TS Kiền chia sẻ.
Th.S Đinh Ngọc Sơn, Phó Trưởng khoa Phát thanh Truyền hình, Học viện Báo chí Tuyên truyền cho rằng, AI không thể thay thế được phóng viên, nhà báo nhưng nó có thể thay thế được nhiều công việc của nghề báo.
Theo Tiền Phong |