Phó Giáo sư tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã nhấn mạnh điều này khi đề cập tới nhu cầu cấp thiết của việc cấu trúc lại hệ thống các khu kinh tế.
![]() |
Phó Giáo sư tiến sĩ Trần Đình Thiên nêu rõ, bất ổn của nền kinh tế đã thể hiện rõ qua lát cắt của nền kinh tế: cả nước có tới 18 khu kinh tế ven biển, gần 30 khu kinh tế cửa khẩu, 260 khu công nghiệp và khoảng 650 cụm công nghiệp... Cấu trúc tổ chức khu kinh tế của Việt Nam rất manh mún, sự phân bố công dàn trải, phân tán và lãng phí nguồn lực. Tình trạng “chia cắt” của một nền kinh tế thị trường thành các nền “khu kinh tế” ngày càng rõ nét.
Theo Phó Giáo sư tiến sĩ Trần Đình Thiên, mâu thuẫn xảy ra là, dường như càng phát triển, càng đầu tư nhiều hạ tầng thì nền kinh tế càng bị chia cắt, càng “cạnh tranh ngược” giữa các “ khu kinh tế”, ít hướng tới sự phân công và kết nối để phát huy thế mạnh. Nhập siêu ngày càng nghiêm trọng dẫn đến sự lệ thuộc vào thị trường bên ngoài một cách bất bình thường và đáng báo động. Đó là hậu quả không thể tránh khỏi của cách thức phân bổ nguồn lực mang nặng tính hành chính - xin cho, ít dựa trên nguyên tắc thị trường.
Lâu nay, mô hình tăng trưởng với các trụ cột chính như sau: khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ chất lượng thấp, đầu tư vốn lớn và dễ dàng, khu vực doanh nghiệp nhà nước có thế lực mạnh hiệu quả thấp, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng xét theo quan điểm phát triển bền vững. Kéo theo đó là một cơ cấu công nghiệp lệch lạc, thiếu nền tảng công nghiệp hỗ trợ, thiếu lực lượng doanh nghiệp có khả năng liên kết và gia nhập vào chuỗi sản xuất thế giới và khu vực, dẫn tới không thể cạnh tranh và lớn lên một cách bình thường.
Phó Giáo sư tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng, vấn đề tái cấu trúc có phạm vi rộng và phức tạp, nó bao gồm cả sự mổ xẻ cơ cấu ngành, vùng lẫn sự phân tích hệ thống thể chế, cơ chế vận hành và hệ thống quản trị vĩ mô. Tổng giá trị nền kinh tế chúng ta có khoảng 100 tỉ USD nhưng có tới 650 cụm công nghiệp, 18 khu kinh tế ven biển, 27 khu kinh tế cửa khẩu…. Như vậy, trong tình hình của Việt Nam, nếu chúng ta thử chia ra đầu người thì mỗi cụm này sản xuất được bao nhiêu đôla mỗi năm. Thực ra không nhiều, điều đó cho thấy nền kinh tế của chúng ta đang quá tải.
Theo Phó Giáo sư tiến sĩ Trần Đình Thiên, nền kinh tế địa phương đang phải gồng mình lên nuôi các khu công nghiệp, các khu kinh tế, chứ không phải khu công nghiệp đang nuôi nền kinh tế.
Đồng tình với ý kiến này, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, nói: “Tôi đi từ tỉnh này đến tỉnh kia thấy bờ sông nào bây giờ cũng xây dựng khu công nghiệp hết. Địa phương nào cũng muốn có cảng mà không cần biết có thực sự phù hợp với điều kiện kinh tế vùng hay không”.
Từ đó, ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới, đề nghị phải đình chỉ việc tăng thêm các khu công nghiệp. “Tôi đi qua phía biên giới Campuchia thấy có 6-7 khu công nghiệp. Mỗi khu công nghiệp chiếm vài hecta là được rồi cần gì đến vài chục hecta. Diện tích đất nông nghiệp của nông dân bị chiếm dụng quá lớn, gây náo loạn và lãng phí. Có những khu công nghiệp hệ thống hổ lốn, công nghệ cũ kỹ, lạc hậu rất lãng phí. Vậy công nghiệp đang “hại” nền kinh tế chứ không phải cứu nền kinh tế” - ông Lược khẳng định.
Theo Bộ Công thương, từ khi Nghị định 29/2008/NÐ-CP có hiệu lực, các khu kinh tế đã xuất hiện nhiều vấn đề phải giải quyết: Vướng mắc nảy sinh giữa các quy định mới ban hành với các quy định áp dụng riêng cho các khu kinh tế đặc thù được ban hành trước đó, dẫn đến chưa thật sự rõ ràng trong quy định, thiếu nhất quán trong văn bản hướng dẫn, không thống nhất về nhận thức và áp dụng quy định pháp luật. Các khó khăn vướng mắc liên quan hàng loạt vấn đề từ cơ chế tổ chức, quản lý, chính sách ưu đãi, quy trình, thủ tục hải quan...
Ðể bảo đảm cơ sở pháp lý hiệu lực, nhất quán và đồng bộ, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và sự phát triển của các khu kinh tế, thời gian tới, Nghị định 29/2008/NÐ-CP cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung một số nội dung cơ bản. Ðó là, thống nhất Ban quản lý khu kinh tế cấp tỉnh trên toàn quốc. Có quy định với doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng. Sửa đổi quy định về điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt các khu chức năng trong khu kinh tế...
Cơ chế, chính sách phát triển khu kinh tế cần được hoàn thiện theo hướng gắn với giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường, bảo đảm tính bền vững. Ưu tiên thu hút ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, vừa giải quyết việc làm vừa nâng cao chất lượng lao động. Quy hoạch khu kinh tế gắn với quy hoạch đô thị, quy hoạch thương mại địa phương, quy hoạch ngành. Số lượng và quy mô khu kinh tế cần phù hợp thực tế địa phương, tránh theo "phong trào". Làm tăng tính hấp dẫn với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để đa dạng nguồn vốn xây dựng hạ tầng, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước...
Ðể hệ thống các khu kinh tế phát triển ổn định, về lâu dài cần sự quan tâm, đầu tư hơn nữa của các bộ, ngành và địa phương biên giới; cần có biện pháp quản lý phù hợp thông lệ quốc tế, hài hòa các bên đối tác, khai thác lợi thế, thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước và các cam kết quốc tế nhằm pháp triển thương mại biên giới bền vững.
Theo Tầm Nhìn