Cú liều để đời
Trước đây, anh Bùi Công Mạnh (quê gốc Nam Định) làm nghề tài xế. Mức thu nhập khi ấy không quá cao nhưng cũng đủ để anh lo cho vợ con. Trong một chuyến chở hàng đi Tây Bắc, anh Mạnh biết đến mô hình nuôi chồn, don, dúi... cho thu nhập cao. Từ đó, anh bắt đầu suy nghĩ bỏ nghề lái xe để khởi nghiệp.
Khoảng năm 2003, anh Mạnh bán chiếc xe container để mua 20 cặp chồn giống. Trải qua nhiều năm tăng gia sản xuất, đến nay người đàn ông đã sở hữu khoảng chục trang trại nuôi động vật hoang dã trải dài từ Bắc vào Nam.
"Lúc tôi nói bỏ nghề, vợ và mọi người trong gia đình ngăn cản rất nhiều. Họ không biết tôi nuôi con gì, rồi chăm sóc ra sao, bán buôn như thế nào. Mặc kệ, khi ấy đã quá đam mê rồi tôi phải làm liều và theo đuổi đến cùng", anh Mạnh kể.
Do mô hình chăn nuôi động vật hoang dã khi ấy còn quá mới mẻ, miền xuôi không có trang trại nên anh Mạnh phải lặn lội lên vùng cao Tây Bắc học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi từ người dân tộc. Lắm lúc anh phải "đóng đô" các địa phương nhiều tháng liền để xem con chồn, don, dúi ăn gì, uống gì, có bệnh tật hay không...
Từ vài chục con chồn ban đầu, anh Mạnh cho vật nuôi sinh sản để tăng đàn. Để có đầu ra, anh đem chồn thương phẩm (chồn thịt) "chào hàng" tại nhà hàng, quán ăn nhằm xem xu hướng tiêu dùng. Chỉ thời gian ngắn sau, may mắn đã mỉm cười khi sản phẩm của anh được các cơ sở đón nhận và đặt hàng.
Vài năm kế tiếp, anh Mạnh mở rộng quy mô sản xuất, sau đó mua thêm don và dúi để đa dạng chủng loại cho trang trại.
"Tính đến nay tôi mở được nhiều trang trại từ miền Bắc vào Tây Nam Bộ, trong đây tôi có trại đặt tại tỉnh Vĩnh Long đã hoạt động gần 3 năm", anh Mạnh nói thêm.
Theo đó, các trang trại được anh Mạnh thiết kế nuôi khép kín, diện tích khoảng 2.000-3.000m2, mỗi trại có trên 1.000 cá thể chồn, don và dúi.
Anh Đỗ Văn Đạt, nhân viên kỹ thuật đồng hành cùng anh Mạnh nhiều năm, cho biết bản thân phụ trách khâu chăn nuôi, chăm sóc quá trình sinh trưởng, sinh sản của các vật nuôi.
Với kinh nghiệm bản thân, anh Đạt nhận định các loài don, dúi và chồn có sức đề kháng cao, giá trị kinh tế cao và đặc biệt là chi phí chăn nuôi thấp nên giúp nhà nông có lợi nhuận tốt.
"Khi đem con giống về nuôi cần thời gian thuần hóa cho chúng quen không gian sinh sống. Sau đó, mỗi giai đoạn sinh trưởng của con vật, người nuôi phải tách riêng hoặc nhốt chung để chúng thích nghi", anh Đạt chia sẻ.
Chi phí đầu tư thấp, giá trị kinh tế lại cao
Theo anh Đạt, đặc tính của các loài này là "ngày ngủ, đêm thức" khi nuôi chung khu rất có lợi vì thời gian cho ăn giống nhau. Đối với don và dúi hay đào hang nên cần làm chuồng kín, quây lưới chắc chắn.
Cụ thể hơn về quá trình chăn nuôi, anh Đạt cho biết, chồn và don có tập tính sinh sản giống nhau, nuôi khoảng 1 năm có thể sinh sản đợt đầu, thời gian mang thai và nuôi con của 2 loài này dao động 4-5 tháng. Sau thời gian nghỉ ngơi khoảng 15-20 ngày, người nuôi có thể cho chồn, don cái ghép cặp để tiếp tục sinh sản.
Riêng con dúi, từ giai đoạn con giống đến lúc ghép cặp, sinh sản chỉ mất 9 tháng, sau đó mất thêm 45 ngày mang thai và nuôi con.
"Nguồn thức ăn của các loài này rất đơn giản, don và chồn sẽ ăn trái cây, rau củ, buổi tối ăn dặm thêm cháo gà, cháo cá. Tuyệt đối không để thức ăn ôi thiu nếu con vật ăn vào sẽ bị bệnh tiêu hóa.
Con dúi thì đơn giản hơn là các loại tre, nứa, bắp,... loài này không cần uống nước. Tính ra chi phí đầu con mỗi ngày cho ăn chỉ tốn 2.000-3.000 đồng. Phân bón các con vật thải ra có thể tận dụng làm phân bón cho cây trồng", anh Đạt phân tích.
Chia sẻ về lợi nhuận nuôi các loài vật này, anh Mạnh khẳng định, nông dân chỉ cần đầu tư trong năm đầu tiên đã thu hồi vốn, bước sang năm thứ hai là có lợi nhuận khá.
"Tôi lấy ví dụ bà con mua cặp chồn trưởng thành giá 35 triệu đồng, cặp chồn này sinh sản 2 lứa/năm, mỗi lứa đẻ 3-4 con. Nếu bán ra và trừ hết chi phí bà con có thể thu về 50-55 triệu đồng/năm.
So với những vật nuôi thông thường, động vật hoang dã có ưu điểm hơn về giá cả cũng như thị trường tiêu thụ vì nhu cầu của khách hàng ngày nay muốn thưởng thức thức ăn độc, lạ nhiều hơn", chủ trang trại tiết lộ.
Được biết, cơ sở của anh Mạnh đang cung cấp giống và bao tiêu chồn, don, dúi thương phẩm cho khách hàng. Mỗi tháng, các trang trại của anh Mạnh cung cấp hàng nghìn con giống và hàng chục tấn chồn, don, dúi thương phẩm mang về thu nhập bình quân hàng chục tỷ đồng/trại.
Biết đến trang trại của anh Mạnh trên mạng xã hội, vợ chồng ông Nguyễn Văn Út lặn lội từ huyện Tri Tôn (An Giang) xuống thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) để mua con giống.
Ông Út cho biết, bản thân từng nuôi nhiều loài vật nhưng các mô hình đều không mang lại kết quả như mong đợi. Nhận thấy động vật hoang dã đang là tiềm năng nên ông Út đến cơ sở anh Mạnh tham quan và lựa chọn con giống.
"Tôi dự định mua mỗi loài vài cặp để nuôi thử, hôm nay xuống đây để hỏi rõ hơn về cách dựng chuồng, chăm sóc ra sao. Ở địa phương tôi cũng chưa có ai nuôi nên không lo thị trường cạnh tranh", ông Út vui vẻ nói.
Theo Dân Trí |