Tân sinh viên và những cạm bẫy “giấc mộng màu hồng”

(CTG) Môi trường làm việc thân thiện, không yêu cầu kinh nghiệm và đặc biệt lương "cực khủng" được các “nhà tuyển dụng” hứa hẹn khi nhận các tân sinh viên vào làm việc. Tuy nhiên, lương cao chẳng thấy đâu mà chỉ thấy những cái thở dài sau khi ném thời gian, công sức, tiền bạc vào những công việc làm thêm việc nhẹ, lương cao.

 

“Miếng ngon” không tự trên trời rơi xuống

Vũ Hoài Phương là sinh viên năm ba của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đã 2 năm trôi qua, Phương vẫn không sao quên được kỷ niệm năm nhất “rát cổ, bỏng họng” mà chỉ nhận về 1,3 triệu đồng sau gần 3 tháng làm thêm.

Phương cho biết: “Không hiểu tại sao lúc đó mình lại dễ bị lừa như vậy. Người ta tuyển mình vào vị trí “chăm sóc khách hàng” nhưng thực tế là đi tiếp thị các “thực phẩm chức năng giảm cân” với một mức lương được hứa hẹn từ 7 - 15 triệu đồng. Mình gọi điện 3 tháng trời, mỗi ca nói từ 4 đến 4 tiếng rưỡi, có lúc còn bị khách hàng mắng chửi thậm tệ nhưng lương nhận được ngày một ít.

Những khoản tính lương trên trời của công ty khiến Phương chết đứng.

Tháng đầu tiên, Vũ Hoài Phương nhận về 900.000 đồng, tháng thứ 2 chỉ còn vỏn vẹn 400.000 đồng. Làm được nửa tháng thứ 3, không thể chịu nổi nữa, Phương quyết định nghỉ việc. Dù đã làm nửa tháng nhưng công ty của Phương nhất quyết không chịu trả lương.

Phương chia sẻ thêm: “Mình nhận ra đây là một công ty có dấu hiệu đa cấp nên đã quyết định dừng. Dù là một công ty rất nhỏ nhưng có 1 tổng giám đốc, 3 phó giám đốc. Những người lãnh đạo công ty lại chẳng có bằng cấp gì. Họ “tự phong” chức vụ cho nhau để dễ bề lôi kéo, dụ dỗ lòng tin từ những người như mình”.

Hoàng Thị Kim Dung, sinh viên năm 3 trường Đại học Thăng Long nhớ lại khoảng thời gian còn là tân sinh viên năm nhất: “Thời buổi dịch bệnh, mình có lên mạng tìm hiểu về các công việc làm tại nhà và thấy một bài đăng với nội dung: “Chỉ cần bỏ ra 2 - 3 tiếng để nhập liệu mỗi ngày, bạn sẽn có mức lương 200.000 đồng”.

Thấy công việc khá dễ, lại có thu nhập tốt, Dung đã tìm hiểu qua về công ty và cuối cùng quyết định nhận công việc. Yêu cầu đầu tiên từ người tuyển dụng là phải lập và kích hoạt tài khoản của ngân hàng duy nhất, điền mã giới thiệu của đối phương để có thể nhận lương thông qua tài khoản đó.

"Sau khi mình lên ngân hàng để kích hoạt tài khoản về thông báo với bên tuyển dụng thì phát hiện Facebook mình đã bị chặn. Tìm hiểu ra mới biết đó là một hình thức giới thiệu người sử dụng dịch vụ của ngân hàng này để nhận hoa hồng", cô gái nói.

Mơ ước làm giàu trên mạng ảo

Trần Minh Thư là sinh viên năm nhất, trường Đại học FPT. Tháng đầu lên thành phố với mong muốn kiếm thêm thu nhập, Thư vội đi kiếm việc làm.

Theo lời giới thiệu của bạn bè, Thư xin vào bán hàng cho một công ty. Ngày đầu phỏng vấn, công ty này cho biết Thư sẽ được cung cấp chỗ ăn, ở, nếu bán được hàng sẽ nhận 60% hoa hồng cho một sản phẩm. Chưa kịp để Thư suy nghĩ, nhân viên công ty này liền đưa ra các bài báo, những chứng từ về công ty họ ở nước ngoài để chứng minh uy tín. Bức tranh lợi nhuận được nhân viên ở đây vẽ lên hoàn hảo. Công ty yêu cầu Thư phải đóng trước 1,2 triệu đồng để giữ chỗ. Với sự hối thúc từ nhân viên tuyển dụng, Thư đóng tiền ngay trong buổi phỏng vấn.

Bản hợp đồng có cũng như không của Thư.

Những ngày sau, Thư được gọi đi làm nhưng không phải đến công ty bán hàng mà tham gia những hoạt động vui chơi, ăn uống. Họ không cung cấp chỗ ở với nhiều lý do. Một tuần sau, người quản lý đưa cho Thư những hộp cà phê đóng gói để bán; Đồng thời, yêu cầu Thư giới thiệu cho bạn bè, gia đình tham gia vào công ty, mỗi người đồng ý, Thư sẽ được trích phần trăm.

Đau lòng hơn khi mất hàng chục triệu đồng là bạn Lê Thúy Hiền (20 tuổi), sinh viên năm thứ 2, Khoa Kinh tế quốc tế, Học viện Ngoại giao. Hiền cho biết: "Thấy nhiều bạn đầu tư sàn tài chính kiếm được chút ít nên mình cũng muốn thử".

Hiền đổ dồn mọi tâm trí vào sàn chứng khoán. Suốt hơn 1 tháng cô gái không ăn sáng, vài bữa còn nhịn ăn trưa để tiết kiệm tiền, buối tối đói thì ăn mấy đồ vặt linh tinh phòng trọ. Tháng đầu tiên Hiền đầu tư 3 triệu nhưng số tiền trong tài khoản liên tục âm. Hiền lỗ đến 70% và tiếp tục muốn chơi tiếp để gỡ gạc. Gom tất cả lại được 5 triệu, Hiền đổ dồn hết vào sàn giao dịch tiền ảo và một lần nữa số tiền này mất trắng.

Thúy Hiền không thể tiếp tục chơi vì nợ quá nhiều.

"Sau đó mình chằng thu lại được gì. Tiền vốn chẳng còn lại bao nhiêu, mình quyết định xin thêm bố mẹ, vay tiền bạn bè và chị họ, nói dối là mua khóa học trên mạng. Do không hiểu biết nên mình bị thua lỗ quá nhiều. Mình đành nói thật với cha mẹ. Bố mẹ mình phải đi xin lỗi mọi người rồi nhanh chóng trả lại tiền mình đã vay. Bây giờ mình không dám động đến chứng khoán nữa", Hiền nói.

Phải chia sẻ với cô thầy, người tin tưởng, khi gặp khó khăn

Theo anh Trần Quang Hưng - Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội: Hiện nay nhiều đối tượng lợi dụng tâm lý tân sinh viên đang muốn trải nghiệm môi trường mới và muốn làm thêm để có thu nhập phụ giúp gia đình, vì vậy họ đã dùng nhiều chiêu trò với các để gài bẫy các bạn trẻ.

Anh Trần Quang Hưng - Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội.

Với những hình thức như quảng cáo công việc nhàn hạ nhận lương cao, tìm những công việc hấp dẫn kiểu như chăm sóc khách hàng, trợ lý nhân sự, kinh doanh… nhằm lôi kéo, dụ dỗ tân sinh viên. Đặc biệt, trong số đó, có nhiều hoạt động đa cấp biến tướng được che đậy tinh vi, dù rất cảnh giác nhưng nhiều trường hợp vẫn bị “sập bẫy”

Anh Trần Quang Hưng nhấn mạnh thêm, khi nhận được những lời mời làm việc như vậy, các bạn tân sinh viên phải kiểm chứng thông tin của đơn vị tuyển dụng có rõ ràng, uy tín hay không? Tân sinh viên cũng có thể tìm đến anh chị, thầy cô giáo, tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên hoặc các đơn vị hướng nghiệp của nhà trường để nhận được tư vấn.

Đặc biệt, việc yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để nhận việc là thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo thường xuyên sử dụng. Các bạn tân sinh viên cần cẩn thận trước những yêu cầu này, tránh để tiền mất, tật mang".

“Bất cứ khó khăn gì, các bạn sinh viên nên nhớ việc đầu tiên hãy hỏi thầy cô giáo, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên nhà trường. Tôi tin rằng, thầy cô và những anh chị đi trước sẽ đủ kinh nghiệm để hướng dẫn các bạn tỉnh táo không bị mắc lừa kẻ xấu”, Phó Bí thư Thành đoàn - Chủ tịch Hội Sinh viên TP Hà Nội Trần Quang Hưng nói.

Theo TTTĐ