Tăng cường quốc phòng trên biển

(CTG) Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội Lê Quang Bình cho rằng cần quan tâm và đầu tư thỏa đáng để nâng cao khả năng quốc phòng trên biển và hải đảo

Phóng viên: Là Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội (QH),  ông suy nghĩ gì nhân ngày mở đầu “Tuần lễ Biển và Hải đảo VN 2010”?
 



Ông Lê Quang Bình

- Ông Lê Quang Bình: Hưởng ứng ngày Đại dương thế giới, VN tổ chức “Tuần lễ Biển và Hải đảo VN 2010” từ  ngày 1 đến ngày 8-6 tại Quảng Bình. Đây là lần thứ hai chúng ta tổ chức và cũng là dịp để tuyên truyền về “Lãnh thổ xanh” của VN, tiềm năng biển và chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của chúng ta trên biển; tuyên truyền về ý thức dân tộc đối với việc thăm dò, khai thác, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của VN trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới.
 
Đóng góp 1/3 GDP
 
Ông đánh giá thế nào về lợi ích chiến lược biển đảo đối với một quốc gia có tới hơn 3.000 km bờ biển và rất nhiều đảo như nước ta?
 
- Với diện tích biển nhiều như vậy, chúng ta có rất nhiều tiềm năng biển, đặc biệt về dầu khí, hải sản, vận tải, du lịch... Hiện kinh tế biển đang đóng góp 1/3 GDP hằng năm cho quốc gia. Đóng góp của kinh tế biển vào GDP nước ta trong tương lai còn cao hơn nữa.
 
Thưa ông, với vai trò và lợi ích chiến lược quan trọng như vậy thì việc bảo đảm hòa bình và an ninh trên biển có ý nghĩa rất quan trọng với nước ta?
 
- Để phát huy được vai trò lợi ích của biển đảo, Nhà nước đã xây dựng chiến lược biển VN đến năm 2010, trong đó xác định vai trò vị trí của biển đảo, quy định trách nhiệm của các cấp, các ngành trong vấn đề quản lý biển. Để thực hiện chiến lược này, vấn đề rất quan trọng là bảo đảm được hòa bình và an ninh trên biển.
 



Tàu hải quân VN. Ảnh: Theo Người lao động

 
Hiện nay ngư dân của VN thường xuyên bị một số nước như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines... bắt giữ, xử phạt, tịch thu tài sản. Chỉ tính riêng trong năm 2009 đã có 144 vụ, 267 tàu với hơn 2.000 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt.
 
Duy trì hòa bình trên biển Đông
 
Việc bắt giữ ngư dân VN đang gây khó khăn cho việc duy trì hòa  bình, ổn định trên biển Đông?
 
- Hiện nay, VN và các nước ASEAN đã ký với Trung Quốc Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) với mục tiêu bảo đảm  duy trì hòa  bình, ổn định trên biển Đông và mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng con đường hòa  bình.
 

Ứng phó hợp lý tranh chấp trên biển

Theo ông Lê Quang Bình, trước mắt cần nghiên cứu xây dựng một thỏa thuận về việc xử lý các vi phạm trong khai thác thủy  sản giữa VN với Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Campuchia nhằm bảo vệ ngư dân. Tăng cường hoạt động tuần tra trên biển của các lực lượng chuyên trách, nhất là cảnh sát biển, bộ đội biên phòng... Cũng cần giáo dục cho ngư dân phải tôn trọng pháp luật của VN, pháp luật quốc tế cũng như pháp luật của các nước liên quan, không nên xâm phạm và có các hành vi vi phạm trên biển.

VN cùng với Trung Quốc, Thái Lan và các nước khác ký nhiều hiệp định như Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ, thỏa  thuận hợp tác tuần tra chung trên vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc... Tuy nhiên, việc thực hiện các hiệp định đã ký có lúc chưa tốt. Để bảo đảm hòa  bình, ổn định trên các vùng biển và hải đảo của nước ta có liên quan với các nước thì vấn đề cần thiết là phải tôn trọng các văn kiện đã ký kết, nhất là DOC.
 
Chúng ta đã quan tâm và đầu tư đúng mức để nâng cao khả năng quốc phòng trên biển?
 
- Do vị trí đặc biệt của biển và hải đảo nên Đảng và Nhà nước ta đã và đang quan tâm đến việc nâng cao khả năng quốc phòng trên biển và hải đảo như: tăng biên chế, trang bị cho hải quân VN, cảnh sát biển cũng như nền quốc phòng toàn dân trên biển.
 
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải tăng cường quan tâm và đầu tư thỏa đáng hơn nữa nhằm đủ sức bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trên biển, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển của VN.

Theo Người lao động