Thanh niên tật nguyền khởi nghiệp trồng nấm thành công

(CTG) Vụ tai nạn nghề nghiệp khiến anh Phạm Ngọc Thịnh (SN 1985, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai) không may người tàn tật, phải đi bán vé số. Sau này, anh quyết định làm lại cuộc đời, khởi nghiệp trồng nấm.

Trước kia, anh Phạm Ngọc Thịnh (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) sinh ra lành lặn như bao người khác. Anh luôn ước mơ và hi vọng có thể lập nghiệp với nghề mộc, dốc sức lao động xây dựng sự nghiệp. Đã có thời gian, anh Thịnh có kinh tế vững vàng, gia đình êm ấm, thậm chí anh còn định mở cơ sở sản xuất nhỏ.

Anh Phạm Ngọc Thịnh (SN 1985, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai) - 1 trong 50 gương thanh niên khuyết tật được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021

Thế nhưng, người tình không bằng trời tính, vụ tai nạn nghề nghiệp xảy ra năm 2014 đã khiến mọi ước mơ sụp đổ. Sau tai nạn, anh Thịnh bị chấn thương cột sống, liệt hoàn toàn hai chân. Anh nhớ lại: "Bao dự định của tôi đều tiêu tan, tôi còn không tin được mình sẽ phải ngồi xe lăn suốt đời, không còn chút ý chí nào để sống tiếp. Nhìn 2 đứa con còn nhỏ dại, tôi lại lấy lại tinh thần, lao thân vào tập luyện ròng rã ngày đêm nhưng vẫn không thể lấy lại cảm giác của đôi chân".

Không thể đi lại, nhưng thời gian luyện lập đã giúp anh học cách sống độc lập. Sau khi ra viện, cuộc sống của gia đình anh trở nên khó khăn, số tiền dành dụm suốt bao năm cũng bao biết. Từ một người lành lặn không may tàn tật, anh Thịnh như sụp đổ, không biết làm gì để lo cho con cái.

Sau cùng, anh quyết định vượt lên nghịch cảnh, lặn lội khắp nẻo đường để bán vé số dạo kiếm đồng ra đồng vào. Sau 3 năm đi khắp nơi từ Đắk Lắk tới Tp.HCM để bán vé số, anh Thịnh quyết định trở về quê hương. Trong lúc đang tìm kiếm một công việc làm tại gia để gần gũi gia đình, anh bất ngờ phát hiện việc trồng nấm. Anh Phạm Ngọc Thịnh kể: "Chăn nuôi, trồng trọt đối với tôi thì hơi khó, tôi tình cờ thấy cây nấm trên mạng xã hội, tôi bắt đầu tìm hiểu và thấy phù hợp, tôi có thể làm được".

Sau khi tìm hiểu kĩ lưỡng, năm 2018 anh quyết định khởi nghiệp với nghề này. Ban đầu, mười người nghe thì đến tám người phản đối, họ hỏi: "Ngồi xe lăn sao làm được? Làm rồi bán cho ai?...". Thế nhưng, anh Thịnh không nản lỏng mà vẫn tiếp tục kiên định với nghề đã chọn.

Nhờ số tiền 20 triệu mà một số nhà hảo tâm gửi cho, anh mua 2.000 phôi nấm sò trắng về trồng. Loạt nấm đầu tiên không thành công, anh Thịnh xoay xở mãi mới thu được tiền vốn. Anh tiếp tục tìm hiểu thêm, may mắn được nhiều người thương tình giúp đỡ. Có người kinh niệm lâu năm trồng nấm, tới hỗ trợ kỹ thuật tận tình, có người lại tặng phôi, rồi hỗ trợ máy tưới tự động...

 

Anh Thịnh kể: "Tôi mua thêm 3.000 phôi nấm bào ngư xám để làm. Lần này, tôi nghĩ quyết liều một lần, nếu thất bại sẽ quay trở về đi bán vé số. Nhưng ông trời thương, lần này nấm ra đẹp, đều, hái sướng tay...". Cứ thế, càng làm càng quen tay, giờ đây anh Thịnh đã thành thạo việc trồng và chăm sóc nấm.

Anh quyết định mở rộng việc kinh doanh, làm hẳn trại nấm ngay tại nhà với 20.000 phôi nấm. Anh cho vệ sinh trại sạch sẽ, xử lý bằng vôi. Anh Thịnh "mách nước": Phần cổ miệng cho ra nấm phải được vệ sinh kỹ sau khi hái, nếu còn sót gốc nấm thì rất dễ nhiễm khuẩn, chưa kể còn côn trùng gây hại.

Giờ đây, anh có 3 trại nấm, tổng diện tích 100m2 với khoảng 8.000 phôi nấm bào ngư xám. Mỗi lứa phôi anh thu khoảng 3-4 tháng, 1 tháng cho 2 lần thu hoạch. Trung bình mỗi tháng anh hái khoảng 1 tấn nấm, giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Dù vậy, số lượng này không đủ để bán cho đầu mối, anh Thịnh lại lặn lội đi tìm các trại nấm đạt chất lượng để thu mua nấm về bán.

Trại nấm đã giúp anh Thịnh có thu nhập ổn định, nuôi sống gia đình. Chưa kể, anh còn thạo nghề, được nhiều anh chị em cùng cảnh ngộ tới học hỏi, cùng nhau phát triển. Anh Thịnh tâm sự: "Mọi người trong nhóm đều hỗ trợ nhau trong mọi khâu chăm sóc, đặc biệt đã có thể tự làm phôi để phục vụ cho anh em trong nhóm và cùng nhau chia sẻ kỹ thuật, đầu ra của sản phẩm". Hiện tại, anh Thịnh đang sản xuất nấm tẩm vị chế biến thuần chay, được rất nhiều người ưa thích. Trong tương lai, anh hi vọng có thể cải thiện sản phẩm hơn để phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Hiện nay tại cơ sở sản xuất phôi hoạt động trung bình từ 5-8 nhân viên, trong đó có 2 hộ là người khuyết tật, 2 hộ là hộ nghèo. Nhằm hỗ trợ anh, chị, em khuyết tật có công việc làm ổn định, tạo điều kiện giúp đỡ cho những hộ khó khăn, anh Thịnh có thể bao tiêu đầu ra cho bà con, hiện tại đã hỗ trợ và đồng hành cùng các bạn khuyết tật và bà con nghèo hoạt động duy trì 7 trại chăm sóc nấm quy mô lớn, nhỏ khác nhau do bà con tự chủ động.

Với nỗ lực phấn đấu của mình, anh Thịnh được nhận Bằng khen của Câu lạc bộ Chấn thương cột sống Việt Nam. Đặc biệt dịp này, anh Thịnh vinh dự được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức.

Diễn ra từ tháng 10 đến tháng 12/2021, Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Công ty TNHH TCPVN tổ chức, nhằm tìm kiếm và tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng.

Đồng thời mong muốn tạo sự lan toả và quan tâm, kêu gọi cộng đồng xã hội tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên khuyết tật Việt Nam; tìm ra các mô hình phù hợp, bền vững để hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng bình đẳng, tự tin và hiệu quả. Chương trình sẽ tuyên dương 50 đại biểu là thanh niên khuyết tật tiêu biểu có thành tích đặc biệt.

Chương trình Gala “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021 dự kiến được tổ chức vào ngày 12 - 13/12/2021 tại Thủ đô Hà Nội.