![]() Vào tháng 3 vừa qua, việc vận động viên trong đội bỏ trốn tại Úc đã gây ảnh hưởng xấu không chỉ đến đội tuyển rowing Việt Nam mà còn làm xấu hình ảnh Quốc gia. |
Chắc chắn không một xứ sở nào, một giống người nào có thể tồn tại như một nơi chốn, một loại người chỉ tiêu biểu cho cái xấu, cái dở. Những người có hành vi làm hoen ố diện mạo quốc gia chỉ chiếm một phần nhỏ trong cả một cộng đồng có chung những giá trị cao đẹp để tôn vinh, gìn giữ. Ở nước nghèo thì số người này có thể đông hơn, bởi trong cảnh sống khốn khó thì lợi ích, tiện nghi vật chất có sức hấp dẫn càng lớn; tâm lý vọng ngoại càng có điều kiện lan rộng.
Vấn đề là làm thế nào để “một bộ phận” người tiêu cực đó luôn chiếm tỷ lệ thật nhỏ trong cộng đồng dân tộc và không có khả năng nhiều lên. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, muốn giải quyết vấn đề một cách căn cơ thì phải thực hiện hai việc.
Thứ nhất, phải dạy dỗ công dân từ tấm bé về ý thức tự tôn dân tộc và ý thức tự trọng, đặc biệt phải chú ý thể hiện ý thức này trong quan hệ giao tiếp với người nước ngoài.
Thứ hai, phải làm thế nào để bản thân dân tộc được biết đến như là chủ nhân của những giá trị đích thực và đáng tự hào, chẳng hạn, một nền kinh tế hùng mạnh hoặc đang trỗi dậy mạnh mẽ; một nền văn hoá đặc sắc, phong phú, tinh tế và có chiều sâu; một nền thể thao giàu thành tích ở đỉnh cao; một nền giáo dục lành mạnh và tiên tiến, có khả năng góp phần tích cực trong việc đào tạo tinh hoa cho nhân loại...
Cả hai việc đều phải được thực hiện song song, bởi ý thức tự tôn dân tộc chỉ bền vững một khi nó có cơ sở hiện thực. Tự hào về những giá trị ảo, chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng, không chỉ là tự lừa dối; đó còn là sự ngộ nhận về bản thân, về cộng đồng người mà mình là thành viên. Nó dễ khiến người ta trở nên lố bịch trong mắt người khác, cộng đồng khác.
Trái lại, những giá trị có thật gắn với một dân tộc sẽ giúp cho dân tộc đó có được uy tín, vị thế tốt đẹp trong đại gia đình thế giới. Sở hữu càng nhiều giá trị thực và cao thì dân tộc có được uy tín, vị thế càng cao, đồng thời có được sự tôn trọng, ngưỡng mộ của các dân tộc, cộng đồng khác. Tương tác với sự tôn trọng và ngưỡng mộ từ bên ngoài, ý thức tự tôn dân tộc càng có điều kiện được củng cố trong mỗi thành viên của cộng đồng dân tộc ấy.
Đáng nói nữa là trong thời đại ngày nay, sự tôn trọng, ngưỡng mộ đối với một dân tộc thường được cụ thể hoá bằng những quyền lợi mà các dân tộc khác dành cho mỗi thành viên của dân tộc đó khi tham gia vào đời sống quốc tế. Chẳng hạn, được phép nhập cảnh một nước nào đó mà chẳng cần visa; được xem xét ưu tiên khi xin việc làm, đi học; được hưởng sự bảo hộ dành cho kiều dân theo các ký kết giữa các nhà chức trách hữu quan… Các quyền lợi ấy càng khiến người ta thấy cần thiết, theo sự thôi thúc tự nhiên của nhu cầu bảo vệ các lợi ích thiết thân của mỗi cá thể, phải gìn giữ thể diện quốc gia trong giao tiếp với người nước ngoài.
Đảm nhận vai trò chính trong việc quản lý đất nước, Nhà nước phải là người cầm trịch trong thực hiện những việc nói trên để đạt được mục tiêu này. Thực ra những người có trách nhiệm đã nhận thấy, đã hiểu và thậm chí đã đưa ra các cam kết, không chỉ một lần. Cái còn thiếu là làm cho các cam kết ấy thực sự đủ mạnh và đáng tin cậy, không phải là những lời hứa suông.
Rõ hơn, một khi đã hứa thì phải làm cho được trong thời gian thích hợp; nếu không, thì phải bị cách chức hoặc ít nhất cũng bị buộc phải từ nhiệm.
Theo SGTT