Thú vui đọc sách

(CTG) Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, việc không còn phải động tới sách học thuật dày cộp với tôi là một sự nhẹ nhõm. Tôi có thời gian đọc các cuốn tiểu thuyết như một cách giải trí.

Nhưng rồi công việc dần thế chỗ, chiếm hết thời gian, việc đọc sách trở thành không thiết yếu. Tuy nhiên, khi cuộc sống có những thay đổi mang tính bước ngoặt, tôi quay trở lại với sách để tìm kiếm sự bình yên, lý trí và hiểu biết sâu sắc hơn về thế giới.

Nhìn lại hành trình đọc của mình, tôi thấy tôi với sách có mối gắn kết lúc thân tình, lúc lại xa cách.

Lúc học phổ thông, tôi thích đọc hồi ký và các loại sách phi hư cấu (non-fiction) khác. Lần gần đây về thăm bố mẹ, tôi thấy cuốn hồi ký khổng lồ của Bill Clinton vẫn ngạo nghễ giữa kệ sách của gia đình. Bìa sách nổi bật với hình ảnh Bill Clinton và nụ cười cởi mở đặc trưng. Không ai có thể rời mắt khỏi cuốn sách mời gọi như vậy. Trong những năm đó, tôi hy vọng sách sẽ giúp ích cho việc học, mở mang thêm những kiến thức ngoài giáo án nhà trường.

Lúc trên giảng đường đại học, tôi chuyển hướng sang hồi ký của những người sống sót sau Holocaust, hoặc những nhà hoạt động quyền lợi cho phụ nữ ở Anh thời Victoria. Tôi không còn đọc đơn thuần để lấy thông tin. Những cuốn sách này bỗng dưng trở thành lăng kính để tôi nhìn nhận và hiểu các giai đoạn lịch sử và nền văn hóa xa lạ. Hồi ký, không thấm đẫm giá trị văn chương, nhưng hấp dẫn bởi giá trị lịch sử. Tôi chưa bao giờ là người am hiểu văn chương. Trên ghế nhà trường, tôi luôn vật lộn với các chủ đề, biểu tượng trong các tác phẩm. Tuy nhiên, trong sử học, sự kết nối giữa rắc rối cá nhân và những đấu tranh lịch sử luôn làm tôi thích thú.

Thời gian làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, tôi luyện cách đọc sách nhanh nhằm nắm bắt luận điểm và kết nối với các học giả khác. Mục đích lúc này của tôi là trở thành một học giả, học hỏi cách xây dựng luận điểm và trình bày bằng chứng trong khoa học xã hội. Chính trong giai đoạn này, tôi khám phá ra tầm quan trọng của văn học. Một năm liên tục tôi tham gia khóa học "Viết để xuất bản" (Writing for Publication). Mục đích của khóa học là giúp nghiên cứu sinh học cách viết như một nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, trong lớp này tôi không viết nhiều, ngược lại tôi học cách giải phóng trí tưởng tượng thông qua tiểu thuyết (fiction). Đây là lớp học thật sự thay đổi cách tôi nhìn nhận công việc nghiên cứu và sáng tạo. Giáo sư của tôi cho rằng "nên học cách viết từ những người viết giỏi nhất, mà thường họ là nhà văn, không phải là nhà nghiên cứu". Trải nghiệm này thay đổi cách tôi tiếp cận văn chương.

Tôi từng rất sợ môn văn học ở bậc phổ thông. Lên đại học tôi cũng chỉ cố để không bị trượt môn. Tôi chưa bao giờ hứng thú với môn văn. Lúc nào cũng cảm thấy bị bó hẹp bởi việc phân tích nhân vật hoặc tìm kiếm biểu tượng. Tôi bị ám ảnh bởi nỗi sợ rằng có ý nghĩa nào đó ẩn giấu, có biểu tượng gì đó được cài cắm, mà tôi - do quá ngây thơ hoặc thiếu hiểu biết - đã không thể nhận ra.

Tôi chỉ cố gắng tập trung vào logic, hoặc bố cục của bài viết - hai yếu tố dễ nhận ra hơn - để đạt đủ điểm cần thiết.

Phần lớn cuộc đời học thuật của mình, tôi tránh xa văn học, cho đến những năm cuối làm luận án tiến sĩ. Vì không cần phải đọc văn để lấy điểm cao, tự dưng tôi thấy tiểu thuyết thật tuyệt vời. Tôi không còn đọc để phân tích nhân vật, hoặc săn lùng biểu tượng có ý nghĩa đặc biệt nữa. Bây giờ tôi đọc chỉ vì vẻ đẹp của ngôn từ và cách tác giả xây dựng một thế giới khác. Khi việc đọc đã trở nên thú vị và ít gánh nặng hơn, tôi duy trì đọc một đến hai cuốn tiểu thuyết mỗi tháng để tìm hiểu cảm xúc, thế giới khác lạ. Văn chương trở lại trong giá sách của tôi như vậy.

Cũng từ đó tôi nhận ra các học giả xung quanh mình, đặc biệt là những người đã viết những cuốn sách xuất sắc, đều đọc rất nhiều tiểu thuyết. Họ đọc rất đa dạng về nội dung và thể loại, từ tiểu thuyết lịch sử đến khoa học viễn tưởng.

Đọc sách tốt, thời gian của bạn sẽ không bao giờ bị phí phạm. Sách có thể không trả lời toàn bộ các câu hỏi bạn cần, nhưng sẽ tình cờ mang đến những góc nhìn, hoặc hướng đi để tìm ra câu trả lời.

Theo Vnexpress