"Thợ áo xanh"
Những người bị khiếm khuyết, phải gắn với chiếc xe lăn luôn lo lắng mỗi khi "đôi chân" ấy bị hư hỏng. Những lúc xe lăn hư giữa đường, họ càng không biết cầu cứu ai… Thấu hiểu nỗi lo ấy, một dự án mang tên "Cộng đồng xe lăn yêu thương" được thành lập tại Trường CĐ nghề Đà Nẵng. Hễ có người khuyết tật nào gọi điện nhờ, đội "thợ áo xanh" sẽ có mặt và mang xe về sửa.
Chúng tôi đến thăm "tiệm sửa xe đặc biệt" khi nhiều sinh viên sau giờ học đang tỉ mỉ sửa xe. Chăm chú "bắt mạch" cho một chiếc xe lăn, Lê Văn Dương (sinh viên năm 3 ngành công nghệ ô tô) cho hay bạn đã tham gia đội "thợ áo xanh" được 1 năm.
Ngoài việc đi làm thêm để trang trải cho việc học, Dương dành nhiều thời gian để sửa xe miễn phí tại xưởng thực hành của trường. "Tranh thủ sau giờ học, em được các thầy hướng dẫn để sửa xe lăn giúp các cô chú. Được góp sức cùng thầy và các bạn để mang lại niềm vui cho người khuyết tật là niềm hạnh phúc nhất của em", Dương nói.
Thời gian sửa chữa tùy vào độ hư hỏng của xe lăn, nhưng đội "thợ áo xanh" vẫn luôn muốn bàn giao xe cho chủ nhân sớm nhất có thể, bởi họ hiểu sự cần thiết của "đôi chân" ấy đối với người khuyết tật.
"Có hôm, các thành viên của đội chạy đoạn đường xa để hỗ trợ sửa giúp cô chú đang bán vé số bị hỏng xe, hoặc đang di chuyển ngoài đường thì xe trở chứng phải ngồi dưới nắng… Chứng kiến những cảnh như thế, anh em trong nhóm ai cũng nỗ lực tối đa", Dương nói.
Ở cạnh đó, Nguyễn Hồng Quân (sinh viên Trường CĐ nghề Đà Nẵng) cũng đang loay hoay sửa lại cần lái của chiếc xe lăn cũ. Quân bảo, sau thời gian sử dụng, hầu như xe lăn nào cũng hư hỏng bánh lái, phanh tay… nên dễ bị nằm đường, rất nguy hiểm đối với người điều khiển. Ở xưởng sửa xe lăn tình thương này, thầy trò nhà trường còn ghi nhớ lịch để nhắc chủ nhân mang xe lăn đến "bảo hành" đúng hạn, tránh hư hỏng giữa đường và tăng thêm độ an toàn. Tất nhiên việc sửa chữa hoàn toàn miễn phí.
Quân tâm sự: "Em thuộc nhóm sinh viên đầu tiên xung phong tham gia đội sửa xe lăn miễn phí. Do học ngành công nghệ ô tô nên việc tiếp cận "nghề" sửa xe lăn cũng khá dễ dàng, được các thầy hướng dẫn nên giờ đây em đã là thợ chính của xưởng tình thương này rồi. Mỗi chiếc xe được "trùng tu", với chúng em cảm thấy rất vui".
Điểm tựa của người yếu thế
Bị khuyết tật bẩm sinh, chị Ngô Thị Hồng (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) dựa hết vào chiếc xe lăn để đi bán vé số hằng ngày. Nhưng gần đây, chiếc xe cũ cứ hư hỏng hoài, trong khi các tiệm sửa xe máy lại không chuyên với sửa xe lăn nên cánh thợ dù nhiệt tình nhưng cũng chỉ biết khắc phục tạm. Cho nên, tiệm sửa xe lăn 0 đồng đã giúp chị vơi đi nỗi lo.
"Chiếc xe lăn của tôi vừa được các thầy, các em sửa chữa bóng loáng, ở đây không lấy tiền nên tôi biết ơn lắm. Nếu có nhiều hơn những điểm sửa chữa như thế này thì người khuyết tật ở vùng ven, ở xa nhà trường cũng được giúp đỡ", chị Hồng tâm sự.
Theo Hiệu trưởng Hồ Viết Hà, việc sửa chữa xe lăn gặp chút khó khăn là chuyện thay thế phụ tùng, nhất là các loại xe lăn mới, vì thế thầy trò Trường CĐ nghề Đà Nẵng phải "chế" từ những vật liệu, linh kiện có sẵn trong xưởng. Có trường hợp người khuyết tật bị khiếm khuyết cả tay chân, dùng xe lăn khó khăn, các sinh viên phải sáng chế thêm bộ điều khiển và chế thành xe tự động.
"Nhà trường đào tạo đa ngành nghề, vì vậy những phụ tùng, phụ kiện trên xe lăn "hiếm" đã được các em chế tạo và sửa chữa. Đây là kỹ năng sáng tạo trong làm việc của các sinh viên. Ngoài việc giúp "đôi chân" của người khuyết tật thêm vững vàng hơn, mô hình này còn rèn tay nghề, dùng những kiến thức đã học để hỗ trợ cộng đồng. Tử đó, các em sinh viên sẽ được học về lòng nhân ái, sẻ chia, sẵn sàng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn…", Hiệu trưởng Hồ Viết Hà nói.
Mô hình "Xe lăn yêu thương" của Trường CĐ nghề Đà Nẵng đã giành giải nhất tại cuộc thi Sản phẩm tái chế năm 2022 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH tổ chức. |
Theo TN