Tổ quốc giữa trùng khơi: Tư thế người làm chủ

(CTG) Những con tàu và nhà giàn tựa như mắt biển, như tấm lá chắn canh giữ chủ quyền tổ quốc.

15 giờ ngày 10-5, hệ thống quan sát trên các nhà giàn cụm Phúc Tần và trên tàu HQ 621 đồng loạt phát hiện một mục tiêu lạ đang di chuyển vào vùng biển chủ quyền của ta, khoảng cách từ tàu đến mục tiêu là chín hải lý. Đại úy, thuyền trưởng Nguyễn Thế Hùng ra lệnh: “Tất cả vào vị trí sẵn sàng đợi lệnh!”. Con tàu lập tức nhổ neo rẽ sóng tiến về phía mục tiêu…

Khoảng cách mỗi lúc một rút ngắn, còn tám hải lý… bảy hải lý… Mục tiêu dần hiện rõ trong ống nhòm. Gương mặt của các chiến sĩ bắt đầu giãn dần khi nghe thông báo của thuyền trưởng: “Chỉ là thuyền buồm thể thao treo cờ Nhật Bản. Biểu hiện đi qua không gây hại”. Tàu được lệnh giảm tốc và bẻ lái về vị trí neo trực.

Những con “tàu lạ”

Thuyền trưởng Nguyễn Thế Hùng cho biết khu vực này là con đường hàng hải quốc tế đi qua, hằng ngày có rất nhiều tàu thuyền qua lại. Những con tàu này thường đi vào những tuyến đường cố định, cách thức di chuyển rất dễ nhận ra. Theo đó, chiếc thuyền buồm nói trên đáng lẽ ban đầu các chiến sĩ đã nhận dạng “không vấn đề gì” nhưng có lẽ do chủ nhân nó vốn là người đang đi du lịch nên để thuyền “ẹo qua, ẹo lại” nên mới gây sự hiểu nhầm. “Theo thông lệ quốc tế, họ được quyền đi qua vùng biển chủ quyền của ta với mục đích không gây hại. Và đó không phải là mục tiêu mà các chiến sĩ ta bận tâm” - anh Hùng giải thích.

Cái mà tất cả chiến sĩ luôn phải căng mắt dõi theo chính là những con “tàu lạ”. Có tàu thì thay tên, đổi số, có tàu thì cải trang, giả dạng tàu cá của ngư dân. Họ đi vào vùng biển của ta không theo một cách thức cố định nào. “Nói chung là lảng vảng, thập thò và lén lút như kẻ trộm” - anh Hùng cười. Cũng có trường hợp, dù rất hiếm, tàu cá của ngư dân nước bạn do vô tình nên xâm nhập vào vùng biển chủ quyền của ta. “Với những con tàu này, chỉ cần ta có động thái thông báo là họ lập tức rời khỏi ngay”.



Tàu và nhà giàn DK1 cùng làm nên những tấm lá chắn nơi tuyến đầu tổ quốc


Ngoài chiếc thuyền buồm thể thao có nhân dạng rõ ràng nói trên, trong đợt hải trình hơn hai tháng rưỡi vừa rồi, tàu HQ 621 phát hiện hai “tàu lạ” với những hành tung cực kỳ bí ẩn. Tương tự, con tàu HQ 935 vừa xong nhiệm vụ trực mà chúng tôi theo về đất liền cũng phát hiện ba chiếc “tàu lạ” như thế. Thượng úy Hồ Văn Thư, thuyền trưởng tàu HQ 935, nói: “Những chiếc “tàu lạ” này tuy được hóa trang bằng nhiều cách khác nhau nhưng chỉ cần nhìn vào cấu trúc, đặc điểm chiếc tàu là chúng tôi nhận ra ngay xuất xứ. Đó là chưa nói cách thức di chuyển thập thò, trang bị trên tàu cố tình để lộ ra cái gì đó… cho thấy những chiếc “tàu lạ” này đa phần đều từ một nơi phái đến”.

Hành xử của người làm chủ

Trung úy Nguyễn Văn Mạnh, lái trưởng tàu HQ 624, người có 15 năm kinh nghiệm trong ngành, kể nhiều năm trước đây những chiếc “tàu lạ” này khi xâm nhập vào vùng biển chủ quyền của ta với thái độ rất ngông nghênh và hung hăng. “Trên tàu của chúng luôn có súng pháo, khi chúng tôi gần để dùng biện pháp nghiệp vụ thông báo, yêu cầu rời khỏi, chúng còn quay cả họng súng về tàu của ta. Mình càng ra hiệu xua đuổi, chúng càng chạy rề rà như tỏ ý khiêu khích. Chúng tôi vẫn luôn giữ thái độ bình tĩnh, tiếp tục dùng biện pháp nghiệp vụ vừa ôn hòa vừa cương quyết buộc chúng phải ra khỏi vùng biển chủ quyền ngay lập tức”.

“Có lần khi ta áp sát, ra hiệu cho một chiếc “tàu lạ” chuyển hướng ra khỏi vùng biển chủ quyền của mình, con tàu ấy chẳng những không tháo lui mà còn chần chừ như có ý trêu ngươi, chọc tức. Đến khi có ba tàu đồng đội khác của ta đến phối hợp, một chiếc kèm mạn phải, một chiếc kèm mạn trái, phía sau là hai chiếc khác hộ tống, chúng vẫn cứ chạy rề rà, khi quay trái, khi lạng phải. Tuy nhiên, trước thái độ cương quyết của ta, cuối cùng chúng buộc phải tháo lui có trật tự” - Trung úy Mạnh kể.



Nhiệm vụ thường trực của người chiến sĩ


Theo Đại úy, thuyền trưởng tàu HQ 624 Lê Minh Giang, những năm gần đây tần số xuất hiện của những chiếc “tàu lạ” ấy có giảm đi, sự ngông nghênh cũng không còn nữa. Khi ta xuất hiện kịp thời và lên tiếng “xin mời anh ra cho” là chúng chuồn thẳng.

“Có một điều khác biệt, khi phát hiện có “tàu lạ”, kể cả tàu cá của ngư dân nước bạn “lạc” vào, ta hành xử rất ôn hòa, nhã nhặn. Mục đích chính của ta là thông báo cho họ biết anh đã vào nhà tôi mà chưa được phép, đồng thời yêu cầu anh mau chóng rời khỏi. Cách thức ôn hòa nhưng cương quyết ấy thể hiện tư thế làm chủ một cách đường đường chính chính của ta. Không có chuyện bắt về. Không có chuyện lên tiếng đòi tiền chuộc. Đó là cách hành xử văn minh của một nước có bằng chứng đầy đủ về chủ quyền không thể chối cãi đối với vùng biển, vùng trời của mình” - thuyền trưởng Giang nhận xét.

Giữa biển trời tổ quốc, nghe những lời tâm tình của anh thuyền trưởng vừa tròn 35 tuổi, tôi bất giác nhớ đến cái tinh thần hòa hiếu của cha ông trong Bình Ngô đại cáo còn mãi đến bây giờ.

Chỗ tựa của ngư dân

Không chỉ canh giữ chủ quyền, những con tàu còn giúp ngư dân ta cảm thấy ấm áp và vững tin khi đạp sóng ra khơi làm ăn. Mỗi khi có hoạn nạn bất ngờ, khi thiếu nước ngọt, lúc ốm đau, bà con ngư dân thường tìm đến tàu hay nhà giàn DK1 để xin nước và thuốc chữa bệnh. Không chỉ ghé xin hay nhờ vả mà lúc tiện đường họ còn cập tàu để biếu các chiến sĩ ít mực, ít tôm hay ít đá lạnh để các chiến sĩ uống cà phê đá cho đỡ nhớ đất liền. Nhưng điều lớn hơn, bà con ngư dân biết rõ những lần ghé thăm hiếm hoi ấy còn mang lại hơi ấm đất liền cho những đứa con vì nhiệm vụ mà phải xa nhà quanh năm suốt tháng.

Mùa bão biển, những người ở khơi xa càng thấm thía hơn cái nghĩa tình quân dân cá nước ấy. Thuyền trưởng Lê Minh Giang kể năm 2007, khi đang neo trực, 2 giờ sáng, máy thông tin của tàu kêu lên. Cấp trên chỉ đạo tàu phải chạy về phía biển Cà Mau để cứu một ghe cá của bà con ngư dân Bình Định gặp bão. Ngay tức tốc, tàu nhổ neo rời bãi Phúc Tần. Lúc đến nơi thì cơn bão đã đánh bạt ghe cá này gần đến Hòn Khoai. Anh em cặp mạn, kéo chiếc tàu ra khỏi vùng bão, đồng thời chăm sóc bà con đau yếu trên tàu. “Lúc nhận nhiệm vụ, tôi chỉ kịp nghĩ mình phải mau chóng có mặt để cứu bảy mạng người đang đối mặt với cái chết. Đó không chỉ là nhiệm vụ do cấp trên giao phó mà còn là mệnh lệnh xuất phát từ trái tim của những người chiến sĩ chúng tôi” - thuyền trưởng Lê Minh Giang kể.

Đêm, từ phía nhà giàn trông ra, xa xa là những ánh đèn ngư dân ngày đêm bám biển kiếm sống. Nơi tôi đứng, ngọn hải đăng trong bao năm qua chưa bao giờ tắt. Đã bao đêm rồi những con tàu canh giữ chủ quyền cho biển trời tổ quốc vẫn nằm êm đềm lắc sóng cạnh nhà giàn DK1 dưới ngàn sao.


 

Theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh