Tôi muốn làm chuyên gia về robot

(CTG) Là học sinh lớp 12CT1, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), Lê Minh Đức vừa trở thành Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM ngay trong những ngày đầu năm mới 2024. Anh chàng được nhắc gắn liền với niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo.

Lê Minh Đức (thứ hai, từ trái qua) cùng các bạn trong nhóm nghiên cứu tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) - Ảnh: THÀNH ĐOÀN
 

Lê Minh Đức (thứ hai, từ trái qua) cùng các bạn trong nhóm nghiên cứu tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) - Ảnh: THÀNH ĐOÀN

"Tôi nhận ra niềm đam mê robot của mình từ hồi cuối tiểu học. Đó là lần đầu tiên tham gia các lớp STEM, tôi thật sự thích thú khi được học về robot và bắt đầu làm những con robot đơn giản nhất" - Lê Minh Đức bắt đầu cuộc trò chuyện cùng Tuổi Trẻ.

Tự hào nói về robot đến từ Việt Nam

* Hãy bắt đầu từ các sản phẩm robot mà Đức đã sáng chế?

- Lớp 6, tôi bắt đầu nghiên cứu các mẫu robot để giải quyết những vấn đề của cộng đồng, xã hội. Thời điểm đó nghe chuyện xả thải gây ô nhiễm môi trường biển, tôi đã làm một mô hình rất thô sơ với ý tưởng chuỗi lọc nước bị ô nhiễm. 

Tôi còn làm mô hình thư viện thông minh tham gia cuộc thi Robot trẻ thế giới (IYRC) tại Hàn Quốc với robot hỗ trợ người cao tuổi lấy sách từ trên cao. Những trải nghiệm học tập, thực hành làm robot ấy nuôi lớn đam mê trong tôi về lĩnh vực này.

* Điều gì bạn thích nhất trong quá trình sáng tạo ấy cũng như mỗi lần đem robot đi thi?

- Tôi thấy hạnh phúc vì kỹ thuật và kỹ năng cơ khí đã giúp biến tầm nhìn của bản thân thành hiện thực. Điều khiến tôi vui nhất là được thấy robot hoạt động sau quá trình lập trình, lắp ráp mà không cần phải thiết kế lại.

Với mỗi cuộc thi, tôi thấy tự hào khi cầm trên tay và chia sẻ với bạn bè quốc tế rằng sản phẩm đến từ Việt Nam. Tôi nhớ cảm giác choáng ngợp khi mang robot bước vào phòng thi tại hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế REGENERON ISEF 2023 ở Dallas (bang Texas, Hoa Kỳ). Nhiều bạn nước ngoài làm được những dự án rất hiện đại. Sau giây phút choáng ngợp, chúng tôi trao đổi cùng nhau, giúp tôi nhận ra họ giỏi thế nào và lấy đó làm mục tiêu phấn đấu của bản thân.

* Kỳ thi nào khiến bạn vất vả nhưng cũng để lại nhiều ấn tượng nhất với bạn?

- Đó là REGENERON ISEF 2023 tôi nói ở trên. Tôi và các bạn tham gia phải ưu tiên việc học hàng đầu. Nhiều hôm phải hoàn thành việc học trước, đêm mới bắt tay làm robot, làm không ngừng nghỉ đến 2h - 3h sáng.

Có lẽ vì thế mà những thành quả tại kỳ thi này cũng khiến tôi hạnh phúc và thấy xứng đáng với những nỗ lực suốt một năm của cả nhóm. Các kỹ năng và trải nghiệm từ viết báo cáo đến quá trình sáng chế robot đều rất quý giá.

Chỉ 10% năng khiếu

* Bạn nghĩ điều gì giúp bạn gặt hái những thành quả hôm nay? Có gì là khó khăn không?

- Tôi cho rằng năng khiếu chỉ chiếm 10%, giúp tôi định hướng mình sẽ làm gì. Nhờ tham gia các khóa học trực tuyến của Viện Công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ), học hỏi từ các thầy giáo và người đi trước, tìm cách cân bằng giữa việc học và làm robot mà tôi có được những quả ngọt hôm nay. Tất cả đều là nỗ lực hết sức.

Thật ra để cân bằng việc học và làm robot rất vất vả. Tôi từng có thời gian gặp vấn đề về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Tôi có một playlist nhạc của nhóm Cá Hồi Hoang mà trong từng giai đoạn có một bài hát làm kim chỉ nam cho mình vì mang lại cảm xúc thoải mái, cởi mở và phóng khoáng. Những thông điệp trong bài hát dặn tôi làm người phải sống sao cho tốt, dù cuộc sống có ra sao.

* Gia đình, nhà trường đã thúc đẩy niềm đam mê của bạn thế nào?

- Tôi vẫn chưa thể cảm ơn mọi người một cách đầy đủ nhất vì sự hỗ trợ rất nhiều mình nhận được trong một năm vừa qua. Gia đình là chỗ dựa tinh thần, thầy cô là chỗ dựa học tập, luôn động viên chúng tôi cố gắng hơn nữa cũng như tạo điều kiện rất nhiều trong suốt quá trình nghiên cứu khoa học. Các thầy cô môn kỹ thuật luôn hỗ trợ và có mặt bất cứ khi nào chúng tôi cần, giúp cả nhóm vượt qua những thời điểm khó khăn nhất khi nghiên cứu.

Tôi luôn cảm nhận sự thân thuộc, gần gũi mỗi khi bước vào trường. Ở đó luôn có sự động viên, giúp đỡ rất lớn từ bạn bè trong cả việc học lẫn nghiên cứu. Đó là ngôi nhà thứ hai của tôi.

Điểm dừng để biết mình đang ở đâu

* Liệu rằng có phải mỗi chúng ta luôn cần tiến về phía trước?

- Tôi rất yêu thích câu "Hãy ngắm những vì sao và nhìn bản thân bay cùng chúng trong dải ngân hà" của hoàng đế La Mã Marcus Aurelius, đại ý hãy dùng cuộc đời của mình để làm những điều lớn lao giống như những vì sao trên ngân hà.

Nhưng trên hành trình đó, mỗi người đều cần một khoảng nghỉ. Tôi thích ngắm máy bay từ những quán cà phê ở quận Gò Vấp

(TP.HCM). Nhìn những công trình hàng không hiện đại cứ vài phút lại cất hạ cánh, tôi hiểu cuộc sống luôn hối hả và thúc đẩy sự phát triển, tiến lên. Dĩ nhiên vẫn luôn có thời điểm ta phải dừng lại để biết mình đang ở đâu, dành một chút thời gian cho bản thân.

Mơ ước làm ra sản phẩm công nghệ

Trở thành Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM là niềm tự hào song Minh Đức luôn tự nhắc bản thân phải cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với danh hiệu ấy. Hiện là trưởng nhóm nghiên cứu, nơi các bạn được động viên nghiên cứu thứ mình thích và không bị bó buộc gì, Đức nói muốn lan tỏa tình yêu khoa học trong các bạn cùng trường.

"Tôi vẫn đang dần hoàn thiện chính mình mỗi ngày với mơ ước lớn nhất là trở thành chuyên gia trong lĩnh vực robot, có thể làm ra những sản phẩm khoa học, kỹ thuật cho người dân trong nước. Tôi mong có thể hiện thực hóa những giấc mơ công nghệ lớn từ tình yêu quê hương, đất nước bằng sự đam mê sáng tạo cũng phần nào là thế mạnh của bản thân" - Minh Đức bày tỏ.

Theo TT