Tôi từng “lên bờ xuống ruộng”

(CTG) Thật ra tôi thấy đây chẳng là chuyện mới. Nó đã tồn tại quá lâu trong xã hội chúng ta, chỉ có điều người trong cuộc có lên tiếng hay không mà thôi. Tôi cũng là một minh chứng điển hình.

Tuổi trẻ không bao giờ nề hà gian khó, họ luôn khát khao được cống hiến. Trong ảnh: thanh niên tình nguyện TP.HCM - Ảnh:Mminh Đức

Là một dược sĩ vừa ra trường được phân công về một bệnh viện, tôi lao vào làm việc với bầu nhiệt huyết mà không hay biết mình trở thành cái gai cho một số người khác, cấp trên mình. Tôi háo hức đưa công nghệ phần mềm vào quản lý, bao nhiêu công sức đổ ra vì lúc đó rất ít khoa dược bệnh viện được trang bị phần mềm. Công việc của khoa nhờ đó nhẹ nhàng hơn rất nhiều, bệnh nhân không phải chờ đợi...

Tưởng rằng mình sẽ được sếp biểu dương, ai dè qua một đợt thanh tra bệnh viện bỗng dưng tôi trở thành kẻ tội đồ mà chẳng biết vì sao! Ngay sau đó tôi lãnh quyết định kỷ luật và phải chuyển công tác về một bệnh viện xa nhà thêm mấy chục cây số nữa. Tôi đau đớn gần như suy sụp, không thể tin được những gì xảy ra với mình.

Nhưng rồi tôi quyết không đầu hàng. Tôi nghĩ công lý chỉ có khi mình không khoan nhượng. Tôi đã gửi đơn khiếu nại từng cấp, rồi ôm hồ sơ bay ra Hà Nội kiến nghị đến cơ quan gần như cao nhất thì nỗi oan khuất của tôi mới được hóa giải. Cuối cùng vị giám đốc kỷ luật tôi cũng phải về hưu non nhưng cái giá tôi trả cũng không nhỏ: ngọn lửa nhiệt huyết, cống hiến của tôi hoàn toàn tắt lụi. Cái giá khủng khiếp cho sự bồng bột tuổi trẻ mà lẽ ra nó phải là ngọn lửa cống hiến cháy bùng không mệt mỏi!

Giờ thì dĩ nhiên tôi đang làm việc “ở ngoài”. Công việc tốt, thu nhập tốt. Nhưng tôi vẫn đau đáu về những ngày tuổi trẻ. Giá như có những thủ trưởng tốt có lẽ hệ thống nhà nước sẽ có rất nhiều người ưu tú chứ không đến nỗi kêu ca mãi như thế này.

DO YEN (doyen@...) 



Muộn còn hơn không

Trong số những người trẻ, nhiều người khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chính nhờ động cơ mong muốn xây dựng quê hương nên phấn đấu và học giỏi. Cho nên khi ra trường, muốn về quê hương phục vụ mà không được nhận thì đau lòng lắm.

Bản thân tôi cách đây tám năm tốt nghiệp đại học với tấm bằng đỏ, cũng hăm hở trở về quê mong mỏi được phục vụ nhưng bị từ chối. Trong khi đó nhiều người tốt nghiệp đại học hệ tại chức, cử tuyển, năng lực yếu kém thì được tuyển dụng, thậm chí sau một vài năm công tác còn được bổ nhiệm vị trí quan trọng. Ngày đó tôi cũng đau lắm.

Dĩ nhiên chúng tôi hiểu câu chuyện của những người trẻ chúng tôi ngày đó và cả bây giờ đều không cá biệt. Chỉ mong dù muộn vẫn hơn không: những người nắm giữ trọng trách chịu hiểu rằng khi người có tài, có đức được trọng dụng thì xã hội mới phát triển.

PHẠM ĐƯỢC (Đà Nẵng)





Theo Tuổi Trẻ