"Flex" - tiếng lóng chỉ sự khoe khoang, khoe mẽ - đang thu hút sự quan tâm, đặc biệt khi nhiều người trẻ đạt được thành tích ngoài kỳ vọng và kiếm bộn tiền.
Trẻ trung, năng động và "flex" thường dùng để miêu tả những người có thành tích cao, giúp thúc đẩy nền kinh tế phát triển vượt bậc. Một số khác còn giành được học bổng tại các trường đại học hàng đầu thế giới và thành lập đế chế kinh doanh tại quê nhà.
Lợi thế của gia đình có nền tảng kinh tế tốt
Nhiều người đạt thành tích cao tự hào về những gì mà mình làm được. Tuy nhiên, họ không phủ nhận sự may mắn khi được sinh ra trong gia đình có nền tảng kinh tế tốt.
Trí Trường (22 tuổi, sinh viên đại học) được tuyển thẳng vào một số trường luật cạnh tranh nhất tại Mỹ.
Bố của Trí Trường là doanh nhân, nhà tư vấn kinh tế. Trường thừa nhận, phần lớn thành công của anh nhờ vào sự giáo dục và nền tảng tài chính tốt từ gia đình.
Gia đình Trường có đủ khả năng chi trả chi phí học tập khổng lồ hàng năm tại Đại học Duke (Mỹ) - khoảng 85.000 USD (hơn 2 tỷ đồng) mỗi năm, gấp hơn 20 lần mức lương trung bình hàng năm của người Việt.
"Thời điểm học trung học, đối với tôi, du học là sự lựa chọn. Nhưng đối với nhiều người bạn của tôi thì không. Tôi biết họ thích đi du học nhưng gia đình không đủ tài chính", Trí Trường chia sẻ.
Khi khoảng cách giữa những người có tiền và không có tiền ngày càng lớn, những người ở giữa ngày càng khó thăng tiến hơn.
Theo SCMP, chi phí học tập và giáo dục bổ sung tăng trung bình lên tới 106,7 triệu đồng/năm cho một trường tư thục ở TPHCM.
Có được công việc được trả lương cao tại một trong những công ty tư vấn tác động xã hội uy tín nhất toàn cầu, Mỹ Lệ (24 tuổi) cho biết, giáo dục đã thay đổi cuộc đời cô.
Tại Đồng Tháp - nơi Mỹ Lệ sinh ra, các cô gái thường không muốn lên đại học. Tuy nhiên, mẹ của Lệ - người có bằng cử nhân vào năm 1980 - luôn khuyến khích con gái theo học những trường tốt nhất.
"Mẹ dạy tôi tiếng Anh từ khi tôi 3 tuổi. Nơi tôi sống không có trường mẫu giáo tốt nên mẹ thành lập một trường để dạy tôi và một số bạn", Mỹ Lệ kể.
Nhờ khả năng nắm bắt cơ hội và gia đình có nền tảng kinh tế ổn định, Mỹ Lệ đã có thể trải nghiệm những điều mới mẻ.
Các chuyên gia cho biết, sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục mang đến những rủi ro dài hạn cho nền kinh tế.
Nguyễn Thị Ngọc Lan - nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Dartmouth, Mỹ - cho biết: "Khi Việt Nam tiếp tục tăng trưởng kinh tế, khoảng cách giàu nghèo và đặc quyền ngày càng lớn. Điều này góp phần vào việc tiếp cận các nguồn tài nguyên giáo dục, trao đổi kiến thức một cách không bình đẳng".
Vòng xoay học tập, làm việc lặp lại không hồi kết
Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, với xuất khẩu giảm hơn 12% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 và nhập khẩu giảm 18,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Các nhà phân tích cho biết, cuộc khủng hoảng tài chính đang ngày càng sâu sắc, trong khi chi phí sinh hoạt tăng cao. Theo khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, hơn 70% hợp đồng thuê căn hộ vừa hết hạn nhưng tỷ lệ gia hạn mới chỉ 10-20%.
Tại TPHCM, nhiều người trẻ làm 2-3 công việc cùng lúc với việc học. Họ học thêm ngôn ngữ mới từ YouTube với mong muốn có được cơ hội nghề nghiệp tốt hơn.
Văn Hùng (26 tuổi) cho hay, anh đang tạm dừng việc học tại một trong những trường đại học kỹ thuật tốt nhất tại Việt Nam. Anh không chắc liệu mình có đủ khả năng để quay lại hay không.
"Học tập mệt mỏi và khi trở về nhà, tôi phải làm việc bán thời gian. Tôi chỉ ngủ được khoảng 3-4 tiếng mỗi ngày. Tôi phải kiếm tiền để sống. Vì vậy, tôi không có lựa chọn nào khác ngoài làm việc", Hùng chia sẻ.
Hùng chia sẻ, năm 17 tuổi, anh bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Anh trở lại trường trung học vào năm 21 tuổi, phải cân bằng giữa công việc và học tập, đồng thời chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học.
Hiện tại, Hùng là nhà trang trí nội thất tự do. Anh đã kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống, nhưng không đủ thời gian hoàn thành việc học.
"Nếu gia đình tôi có điều kiện hơn, tôi đã có thể chuyên tâm vào học hành. Như vậy, cuộc sống sẽ tốt hơn", anh nói.
Các nhà phân tích cho biết, nâng cao kỹ năng là chìa khóa cho thị trường lao động tại Việt Nam. Tuy nhiên, hơn một nửa số thanh niên trong độ tuổi 16-30 cần được hỗ trợ để xây dựng những kỹ năng và chuyên môn nhằm đảm bảo phát triển lâu dài.
Theo Dantri