Trí thức trẻ Việt Nam góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII

(CTG) Sáng nay 06/11/2020, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Trí thức trẻ Việt Nam tiêu biểu trong và ngoài nước góp ý dự thảo các Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.

 

Dự và chủ trì Hội nghị có Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang; anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam; anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Phó chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam. Cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các ban, đơn vị Trung ương Đoàn và các trí thức trẻ Việt Nam ở trong và ngoài nước, cùng các trí thức trẻ ngoài nước đã gửi vidieo để góp ý dự thảo các văn kiện...

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam cho biết: Trung ương Đoàn đã tổ chức các hội nghị lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên vào dự thảo các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và đã thu được nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội…

Thông qua Hội nghị lần này, anh Tuấn mong muốn các đại biểu Trí thức trẻ Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, tập trung trí tuệ thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình với Đảng, với đất nước, trao đổi, thảo luận đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Các đại biểu trí thức trẻ trong và ngoài nước về tham dự Hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã sôi nổi đóng góp các ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Góp ý về định hướng phát triển đất nước, GS.TS Đinh Ngọc Thạnh, Đại học Soongsil Hàn Quốc cho rằng nguồn lực con người trong giai đoạn này là quan trọng nhất. “Việc xây dựng Đảng, phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường phải lấy con người làm trung tâm. Định hướng đến năm 2045, cuộc cách mạng 4.0 sẽ ảnh hưởng hầu hết đến mọi mặt thế giới. Tên là 4.0 nhưng cốt lõi là về con người, nhân sự. Do đó, mục tiêu đến năm 2045 phải tập trung phát triển con người, đặc biệt giới trẻ”, anh Thạnh nói.

Anh Thạnh đề xuất, cần tập trung hơn nữa đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt giáo dục phổ thông từ bậc tiểu học. “Cần ưu tiên chăm lo, xây dựng con người có nhân cách, thể chất, lối sống đẹp làm trọng tâm; đầu tư phát triển tư duy logic, sáng tạo và các kỹ năng phản biện, kỹ năng mềm cho trẻ ở giai đoạn sớm theo phương pháp chơi mà học, học mà chơi, hơn là các bé phải ngồi vào bàn một cách nghiêm túc, học thuộc lòng theo sách giáo khoa”, anh Thạnh nói.

Theo anh Thạnh thì giai đoạn 2045 đội ngũ này chính là nguồn nhân lực chủ chốt của đất nước. Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, những yêu cầu học thuộc lòng thì máy móc sẽ giúp con người làm được. Vì thế, chỉ có khả năng sáng tạo, trí tuệ cảm xúc mới là điểm cạnh tranh của nguồn nhân lực.

Các đại biểu là trí thức trẻ đóng góp vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Đồng quan điểm này, Ths. Hoàng Anh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia, cho rằng đổi mới giáo dục và đào tạo cần phải được đặt trong bối cảnh thế giới đang biến đổi phức tạp. Thay vì đào tạo kiến thức, kỹ năng thì cần giúp người học có năng lực thích ứng và năng lực sáng tạo. Đặc biệt, không chỉ đào tạo ra thế hệ học sinh thích ứng với tương lai mà cần đào tạo ra thế hệ học sinh có khả năng tạo ra tương lai cho chính mình.

Là người cũng nhiều năm làm việc ở nước ngoài và trở về công tác tại ĐH Quốc gia Hà Nội, TS Lê Duy Anh cho rằng, muốn phát triển đất nước cần đặt ra mục tiêu nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ. Bởi nhiều quốc gia có nền khoa học mạnh đã thu hút chuyên gia hàng đầu thế giới đến làm việc. Việc cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ quyết định thành công trong kinh tế.

“Cần bổ sung tầm nhìn mục tiêu đến năm 2045 là xây dựng được 3 trường đại học top 100 thế giới. Nếu có ít nhất 1 trường cũng là thành công, chứng minh trí tuệ Việt Nam và đưa Việt Nam sánh ngang tầm thế giới”, anh Duy Anh đề xuất.

Tại hội nghị, nhiều trí thức trẻ nhấn mạnh về việc trọng dụng nhân tài và cần coi lực lượng trí thức trẻ là như là nguyên khí quốc gia. TS Nguyễn Thị Thuý Anh, ĐH California Mỹ cho rằng trước sự cạn kiệt về tài nguyên thiên nhiên cần khai thác nguồn tài nguyên tri thức để phát triển kinh tế xã hội. “Đảng, Nhà nước cần coi tri thức trẻ là nguyên khí quốc gia. Là người Việt Nam, ai cũng hướng về quê hương, cố gắng nỗ lực giúp quê hương. Vì thế, càng khai thác được lực lượng này thì đất nước càng lớn mạnh”, chị Thúy Anh nói. Đồng thời chị Thúy Anh đề xuất Việt Nam cần nhấn mạnh nữa, phát huy sức mạnh hơn nữa của đội ngũ trí thức trẻ vì đó sẽ là sức mạnh của VN trong tương lai.

TS Trần Lê Hưng cũng cho biết việc thu hút nhân tài đến Việt Nam không chỉ cần có cần cơ sở hạ tầng, mà cần hơn là nhưng vấn đề gây hứng thú cho bản thân. “Chúng tôi cần được khơi sức sáng tạo và nghiên cứu đóng góp cho đất nước, cho đời sống nhân dân. Việc gìn giữ nhân tài như như thế nào, chứ không chỉ đến rồi đi. Thu hút họ về và ở lại, nếu họ đi phải xem lại. Cần nhiều hơn chính sách để gìn giữ người tài”, anh Hưng đề xuất.

Anh Hưng cũng cho rằng cần duy trì phát triển mạng lưới trí thức trẻ toàn cầu giúp thanh niên đóng góp tiếng nói của mình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng cần đẩy mạnh kết nối chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài để chuyển giao kinh nghiệm, khơi dậy khát vọng của trí thức trẻ; có chính sách đãi ngộ đúng với khả năng, để họ cống hiến cho đất nước.

Đóng góp vào chính sách phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, TS. Bùi Khắc Hùng, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất, cần đưa vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái của người dân vào Báo cáo tổng kết thực hiện chiến phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020), xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030). Bên cạnh đó, cần có những giải pháp hữu hiệu trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới gắn với điều tra, rà soát hộ nghèo sát thực tế; đồng thời có giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường do chất thải từ hoạt động sản xuất của các khu cụm công nghiệp, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp...

Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang cho biết, đây là hội nghị thứ 24 lấy ý kiến góp ý cho các dự thảo Văn kiện ĐH Đảng XIII và là một hội nghị chất lượng, thể hiện trách nhiệm tâm huyết của người trẻ đối với Đảng, với đất nước.

Thông qua 18 ý kiến của các bạn Trí thức trẻ (gồm trực tiếp tại hội nghị và những video mà các bạn gửi về), Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang đã rất tâm đắc với các ý kiến đóng góp của đại biểu Trí thức trẻ. Những ý kiến của các bạn tận những nơi xa xôi về với Đảng, với đất nước để thấy được hơi thở của cuộc sống và khi ban hành văn kiện dễ đi vào cuộc sống.

Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương khẳng định sẽ tiếp thu; đồng thời trình Tiểu ban Văn kiện XIII của Đảng để có những bổ sung, điều chỉnh kịp thời vào dự thảo văn kiện trình Đại XIII của Đảng.

Anh Kiệt