Triển khai thí điểm đưa đội hình giảng viên trẻ, sinh viên chuyên ngành đi tình nguyện tại đảo Bạch Long Vỹ

(CTG) Nhằm tạo môi trường để giảng viên trẻ, sinh viên tình nguyện thực tế, vận dụng nghiên cứu khoa học vào thực tiễn có đóng góp thiết thực vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, từ ngày 05- 15/07/2015, đội tình nguyện các trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Thuỷ lợi, ĐH Lâm nghiệp, ĐH Nông Lâm Bắc Giang, ĐH Nông Lâm Tp HCM sẽ tham gia Chương trình thí điểm tại đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), huyện K’Rông Bông (ĐăcLăk), huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), h




Sinh viên hăng say cải tạo đồng cỏ để nuôi dê và bò.


Đây là hoạt động nhằm thực hiện kế hoạch phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về triển khai thí điểm đưa các Đội tình nguyện của giảng viên trẻ, sinh viên tình nguyện tham gia thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tại các địa bàn khó khăn.

Ngày 5/7/2015, Đội tình nguyện đầu tiên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã triển khai hoạt động thí điểm tại đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ.

Trước đó, từ tháng 5 năm 2015, Tổng đội Thanh niên xung phong Hải Phòng, Huyện đoàn Bạch Long Vĩ đã phối hợp với Đoàn thanh niên Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức khảo sát tình hình thực tế tại huyện đảo Bạch Long Vĩ để có căn cứ thực tiễn lựa chọn các mô hình, hoạt động tình nguyện phù hợp để triển khai tại đảo.

Trên cơ sở kết quả khảo sát, Đoàn thanh niên Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức đoàn cán bộ trẻ và sinh viên tình nguyện (gồm 2 giảng viên và 19 sinh viên tình nguyện thuộc các chuyên ngành khác nhau như chăn nuôi, thuỷ sản, thú y, công nghệ sinh học...) triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa tại huyện đảo Bạch Long Vĩ: Xây dựng mô hình chăn nuôi, đồng cỏ khép kín; hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng cỏ; khảo sát nguồn lợi thuỷ sản và đánh giá chất lượng nước tại đảo...



Giảng viên khoa Chăn nuôi hướng dẫn sinh viên làm chuồng dê.


Xây dựng mô hình chăn nuôi, đồng cỏ khép kín

Đoàn cán bộ và sinh viên tình nguyện Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã xây dựng và chuyển giao thành công mô hình chăn nuôi dê cho Liên đội TNXP (thuộc Tổng đội TNXP Hải Phòng). Bám sát đặc điểm thực tế về đất đai, địa hình, thổ nhưỡng... của huyện đảo, đoàn cán bộ và sinh viên tình nguyện Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã xây dựng 01 chuồng nuôi dê tại Liên đội TNXP với diện tích 15m2; trao tặng Liên đội TNXP 02 con dê đực giống Bách Thảo phục vụ việc cải tạo đàn dê tại huyện đảo; tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê cho đoàn viên thanh niên, thanh niên xung phong thuộc Liên đội. Ngoài ra, còn xây dựng đồng cỏ phục vụ phát triển chăn nuôi dê và bò tại Liên đội (làm đất và tiến hành gieo trồng cỏ ruzi, cây keo dậu tại đồng cỏ của Liên đội với diện tích 250m2; làm hàng rào và kè đá để bảo vệ đồng cỏ; tưới nước và theo dõi khả năng nảy mầm, phát triển của cỏ); cải tạo lại đồng cỏ voi của Liên đội phục vụ nuôi dê và bò.



Cải tạo và trồng rau tại vườn rau của Liên đội TNXP.


Hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng cỏ

Trên cơ sở điều tra, nắm bắt tình hình thực tế chăn nuôi của các đơn vị quân đội và các hộ dân trên đảo (về số hộ chăn nuôi; cơ cấu vật nuôi; những thuận lợi, khó khăn trong chăn nuôi của quân, dân huyện đảo), đoàn cán bộ và sinh viên tình nguyện Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã trao đổi, hướng dẫn bộ đội và nhân dân trên đảo các kỹ thuật chăn nuôi (lợn, gà, bò): Kỹ thuật ủ men vi sinh thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng dê, kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cỏ, kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi…; tặng thuốc thú y, các chế phẩm sinh học (men vi sinh ủ thức ăn, men vi sinh xử lý chất thải chăn nuôi) và các hạt giống cỏ (ruzi, keo dậu). Bên cạnh đó, tổ chức điều tra, khảo sát và đánh giá nguồn thức ăn chăn nuôi (các loại thức ăn xanh) trên đảo: Đánh giá chủng loại, ước tính năng suất chất xanh và chất khô của các loại cỏ; thử nghiệm sự lựa chọn các loại thức ăn này đối với dê.



Điều tra tình hình đánh bắt hải sản ở huyện đảo.


Khảo sát nguồn lợi thuỷ sản và đánh giá chất lượng nước tại đảo

Đoàn cán bộ và sinh viên tình nguyện Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức khảo sát thực trạng đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản xung quanh đảo; tiến tới đề xuất mô hình nuôi trồng thuỷ sản phù hợp để làm giảm áp lực khai thác tự nhiên tại đảo. Từ kết quả khảo sát, đã tìm ra những hạn chế trong quá trình đánh bắt thuỷ sản của ngư dân, những hạn chế trong phát triển nuôi trồng thuỷ sản hiện nay tại đảo, một số nguyên nhân thực tế làm suy giảm nguồn lợi tự nhiên ở khu vực xung quanh đảo; lấy mẫu nước và đánh giá chất lượng nước các vùng xung quanh đảo thông qua một số chỉ tiêu như DO, PH, nhiệt độ, NH4/NH3, PO4, Fe, sinh vật phù du…

Ngoài các nội dung tình nguyện thiết thực trên, Đoàn cán bộ và sinh viên tình nguyện Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thăm, viếng nghĩa trang liệt sĩ huyện Bạch Long Vĩ, dọn vệ sinh, nhặt cỏ quanh khu vực nghĩa trang liệt sĩ huyện; cải tạo vườn trồng rau xanh của Liên đội TNXP (vận chuyển đá sỏi, cuốc và lên luống để trồng rau với diện tích khoảng 100m2); dọn vệ sinh chuồng bò, chuồng dê, cắt cỏ nuôi bò, nuôi dê; dọn vệ sinh môi trường, cắt tỉa cây tạo cảnh quan khu công viên và khu vực xung quanh nhà làm việc của Liên đội; giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao với đoàn viên, thanh niên Liên đội...

Những việc làm cụ thể, thiết thực của Đoàn cán bộ và sinh viên tình nguyện Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đem lại những kết quả rất đáng ghi nhận, tạo sự lan tỏa trong thanh niên xung phong, đoàn viên thanh niên và nhân dân huyện đảo; được cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Bạch Long Vĩ đánh giá cao. Những hoạt động ý nghĩa này đã đóng góp tích cực vào việc phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương; nâng cao ý thức, trách nhiệm của thanh niên xung phong, đoàn viên thanh niên và nhân dân huyện đảo về bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học biển, sự cần thiết phải áp dụng các hình thức khai thác thủy hải sản bền vững...
 
Theo ĐTN