![]() Ngoài tìm hiểu truyền thống, đoàn còn khám bệnh, cấp thuốc, dựng nhà cho dân - Ảnh: Tuổi trẻ |
Màu áo xanh phủ khắp bản làng đồng bào Ca Dong (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) trong những ngày này.
Miền đất đi vào lịch sử
Khu căn cứ cách mạng Nước Oa cách trung tâm thị trấn huyện Bắc Trà My hơn một giờ đi bộ. Đường không xa nhưng núi cao vực sâu hun hút khiến cuộc sống người dân gần như cách biệt. Nước Oa từng là khu căn cứ của cơ quan khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ (1960-1973). Nước Oa còn ghi dấu tích nơi ở, làm việc của các đồng chí Võ Chí Công, Chu Huy Mân, Võ Thứ...
Chính tại khu di tích này, Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã cùng nhau vạch ra đường lối chiến lược để chỉ đạo quân dân khu 5 đánh Mỹ. Nơi đây từng diễn ra các hội nghị, đại hội quan trọng, là địa điểm tập huấn cho các cán bộ trung đoàn, sư đoàn, cán bộ các tỉnh trong toàn khu, góp phần cùng cách mạng miền Nam giành thắng lợi trong việc ký Hiệp định Paris năm 1973.
Có mặt trong đoàn công tác, trung tướng Châu Văn Mẫn, phó tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng (Bộ Công an), chia sẻ với các bạn trẻ: “Chúng ta về đây là để chào đón các chứng nhân lịch sử, các cán bộ chiến sĩ trong thời kỳ kháng chiến. Nơi đây một thời tuổi trẻ của nhiều con người đã hi sinh để có ngày phồn vinh hôm nay cho đất nước”.
Còn ông Nguyễn Tập, nguyên phó Ban an ninh khu 5, tuổi đã ngoài 80, nhưng vẫn gắng về lại rừng xưa để nhắn nhủ với thế hệ sau về một thời oai hùng làm cách mạng. “Ngày đó thanh niên chúng tôi khí thế hừng hực với nước nhà, ai cũng muốn xung phong ra tiền tuyến đánh giặc”, ông Tập nhớ lại.
Tri ân một vùng đất
Sáng sớm, hàng ngàn người dân Bắc Trà My đã tập trung tại trung tâm y tế xã Trà Tân để được các bác sĩ Bệnh viện 199 khám bệnh. Ngoài tìm hiểu truyền thống, đoàn còn khám bệnh, cấp thuốc và dựng nhà tình nghĩa cho người dân.
Ông Đinh Văn Thành (41 tuổi), người Ca Dong, được người thân dìu đến trung tâm y tế từ rất sớm. Ông Thành nhà nghèo, bị tai biến cách đây bốn tháng, những biến chứng của căn bệnh khiến hai mắt ông bị mù, tay chân đều tê cứng. “Nhờ có bác sĩ hướng dẫn tôi mới biết bệnh tình của mình. Được cấp thuốc miễn phí, tôi mừng lắm!” - ông Thành run run nói.
Em Đinh Thị Liên (10 tuổi), ở tận thôn 3, xã Trà Sơn, cách trạm y tế hơn 7km, băng rừng đến nơi từ rất sớm. Liên bị té ngã cách đây một tuần, chấn thương vùng đầu và có một khối u sau gáy, có thể dẫn tới biến chứng rất khó lường. Sau khi được khám, cấp thuốc và sữa, Liên cảm động rưng rưng. Qua hai ngày khám chữa bệnh, đã có hơn 1.000 người dân trong vùng được khám và cấp thuốc. Các bác sĩ cho biết đa số bà con nơi đây đều mắc bệnh giun sán, huyết áp cao, xương khớp và da liễu…
Cũng trong chuyến công tác này, đoàn đã khởi công dựng 10 căn nhà tình nghĩa cho bà con có hoàn cảnh khó khăn. Đoàn viên trẻ Nguyễn Văn Toàn (21 tuổi), đến từ Hà Tĩnh, tâm sự: “Được đến đây, được trải nghiệm, sẻ chia cùng đồng bào vùng chiến khu là điều mà thế hệ trẻ chúng tôi cần hướng đến. Nếu có dịp tôi sẽ trở lại đây để chung tay xây dựng cuộc sống với đồng bào”.
Theo Tuổi trẻ