Xây dựng Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030

(CTG) Sáng nay 02/3/2021, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 32 để báo cáo kết quả công tác năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021; Báo cáo kết quả kiểm tra thực hiện chính sách pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên năm 2020; Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về thanh niên và công tác thanh niên năm 2021.

 

Dự và chủ trì Hội nghị có anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban; anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.

Quang cảnh Hội nghị.

Theo đó, năm 2020, Việt Nam có khoảng hơn 22,6 triệu thanh niên (chiếm 23,2% dân số). Tỷ lệ thanh niên di cư so với tổng số thanh niên chiếm 3,23%. Thanh niên có trình độ học vấn tốt nghiệp THPT là chủ yếu (xấp xỉ 48%). Trong đó, thanh niên không có chuyên môn kỹ thuật chiếm tới 76%. Trong số này, chỉ 3,1% có trình độ dạy nghề; 3,7% có trình độ trung học chuyên nghiệp; 5,9% có trình độ cao đẳng và 10,5% có trình độ đại học trở lên. Bên cạnh đó, tỷ lệ thanh niên tham gia lực lượng lao động lên tới gần 80%. Lượng thanh niên có việc làm chiếm 94,9%; tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên là 5,06%.

Năm 2020 vừa qua, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam cơ bản hoàn thành kế hoạch công tác. Trong đó, công tác phối hợp nghiên cứu đề xuất, xây dựng nội dung các cơ chế, chính sách về thanh niên và công tác thanh niên đạt nhiều kết quả rõ nét, đặc biệt trong phối hợp xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật Thanh niên năm 2020.

Các hoạt động đối ngoại Nhà nước về thanh niên được đầu tư sâu về nội dung, đa dạng hình thức, gắn với chủ động thích ứng với điều kiện dịch Covid-19 trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Công tác phối hợp giữa Trung ương Đoàn và các Bộ, ngành theo năm, giai đoạn ngày càng chặt chẽ, phát huy thế mạnh của mỗi ngành trong triển khai công tác về thanh niên.

Tuy nhiên, các báo cáo tại Hội nghị cũng chỉ ra rằng, nhiều UBND cấp tỉnh, thành phố và các bộ, ngành chưa quan tâm thực hiện việc tự kiểm tra, thay vào đó hầu như chỉ lồng ghép với công tác kiểm tra chung, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thanh niên; nội dung kiểm tra theo chuyên đề tại cấp huyện chủ yếu lồng ghép với cuộc làm việc cấp tỉnh.

Các đại biểu bộ, ngành đóng góp ý kiến tại Hội nghị.

Về các phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2021, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam đã thống nhất triển khai nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, đáng chú ý có việc phối hợp Bộ Nội vụ, Trung ương Đoàn, các bộ, ngành, cơ quan xây dựng, tổ chức thực hiện văn bản triển khai Luật Thanh niên; phối hợp Bộ Nội vụ, Trung ương Đoàn xây dựng, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Đồng thời, phối hợp Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Trung ương Đoàn và các bộ, ngành tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên năm 2021; phối hợp kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện pháp luật, chính sách, công tác thanh niên.

Tại Hôi nghị đại diện các bộ, ban, ngành đồng tình và đánh giá cao những kết quả hoạt động của Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam trong năm vừa qua. Đồng thời cũng đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp về những lĩnh vực mà các bộ, ban, ngành phụ trách. Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết cho rằng, tuy chịu ảnh hưởng của những tác động khách quan trong năm 2020, đặc biệt là đại dịch COVID-19, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam đã duy trì, phát huy cơ chế phối hợp với các bộ, ngành, phát huy thế mạnh của mỗi ngành để làm tốt công tác phát triển thanh niên. Năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi). Theo ông Nguyễn Văn Tuyết, thời gian tới, các cơ quan liên quan cần tham mưu để Chính phủ kịp thời có hướng dẫn triển khai thi hành Luật, cùng với việc giám sát của Quốc hội và kiểm tra của Ủy ban quốc gia về thanh niên để Luật sớm đi vào cuộc sống. “Cơ chế đặt ra rồi mà chúng ta không vận hành, không triển khai, không kiểm tra thì rõ ràng sẽ không đem lại kết quả”, ông Tuyết nhấn mạnh.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam ghi nhận những ý kiến đóng góp cụ thể, sâu sắc và những gợi mở của các thành viên Ủy ban nhằm hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả công tác năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2021. Đồng thời nhấn mạnh, năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 song các công việc của Ủy ban đã được hoàn thành cơ bản, trong đó có nhiều kết quả nổi bật. Thời gian tới, Ủy ban tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách về thanh niên và công tác thanh niên; phối hợp kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Luật Thanh niên 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030; tổ chức rà soát, điều tra, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên trong lĩnh vực khởi nghiệp.

Để công tác được triển khai tốt, anh Nguyễn Anh Tuấn đề nghị các bộ, ngành liên quan cần lồng ghép mục tiêu, chỉ tiêu, cụ thể hóa chính sách đối với thanh niên khi xây dựng, thực thi chính sách của ngành, lĩnh vực; kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện theo ngành dọc; tăng cường cơ chế chia sẻ thông tin với Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam về những vấn đề liên ngành trong công tác thanh niên theo ngành, lĩnh vực.

Minh Kiệt