Yên Bái: Trí thức trẻ cùng nhân dân xuống đồng, đợi vui chung một tết

(CTG) Các Phó Chủ tịch xã thuộc Dự án 600 trí thức trẻ công tác tại hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải đang tích cực vận động để 100% hộ dân đều đồng tình xuống đồng reo cấy vụ Đông Xuân và chung vui một tết Nguyên đán.


Đồng bào H’Mông, tỉnh Yên Bái nói riêng và cả nước nói chung có phong tục ăn tết truyền thống của dân tộc mình vào dịp cuối tháng 12 dương lịch. Việc tổ chức tết thường kéo dài hàng tháng làm mất thời gian, bỏ bê mùa màng gây lãng phí tiền của. Đây là phong tục không còn phù hợp với thực tế đời sống hiện tại, đồng thời gây cản trở việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở địa phương.

Năm 2013, tỉnh Yên Bái đã thành công trong việc vận động đồng bào dân tộc H’Mông ăn chung một Tết Nguyên đán cùng với các dân tộc khác trong tỉnh cũng như cả nước. Phát huy kết quả đã đạt được, các tổ chức chính trị - xã hội nói chung, các Phó Chủ tịch xã thuộc Dự án 600 trí thức trẻ đang nỗ lực vào cuộc nhằm thay đổi tư duy, nhận thức để từ đó hình thành thói quen cho đồng bào trong việc trồng cấy vụ đông xuân và vui chung một tết. 



Đàm Đức Đông (thứ nhất bên phải) Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Bốn cùng cán bộ Huyện Đoàn Mù Cang Chải hướng dẫn bà con cách dự trữ thức ăn cho trâu vào mùa rét.


Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải Đàm Đức Đông cho biết:
Xã có 110 héc ta trồng lúa nước, trong đó diện tích trồng được 2 vụ khoảng 45 héc ta. Để chuẩn bị cho sản xuất vụ Đông Xuân 2014, UBND xã đã tổ chức đánh giá, thành lập Ban chỉ đạo sản xuất, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí lãnh đạo xã, cán bộ, công chức phụ trách các bản. Cũng như các đồng chí được phân công. mình đã trực tiếp đến kiểm tra việc làm đất, ngâm ủ mạ, gieo mạ cùng bà con với quyết tâm làm hết những diện tích có thể sản xuất được vụ Đông Xuân.

Anh Cứ A Phia, bản Trống Trở phấn khởi chia sẻ: “Trước kia làm một vụ gia đình thường không đủ gạo ăn từ tháng 7 đến tháng 10 mặc dù được nhà nước hỗ trợ nhưng vẫn phải ăn thêm sắn, ngô; không có thóc để nuôi con lợn, con gà. Bây giờ làm 2 vụ, gia đình thừa gạo ăn, chăn nuôi được đàn lợn, đàn gà cũng bớt khó khăn”.

Để vận động đồng bào ăn chung một tết Nguyễn Thị Thanh Lam, Phó Chủ tịch UBND  xã La Pán Tẩn, huyện Trạm Tấu khẳng định: “Cần phải ba cùng với dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tình cảm bà con, phân tích để bà con hiểu dần lợi ích của việc ăn chung một tết, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của người có uy tín”.

Việc loại bỏ cái lạc hậu, cái kém văn hóa dù khó đến mấy vẫn phải làm. Để đạt được hiệu quả đó công tác vận động, tuyên truyền, thuyết phục luôn được đặt lên hàng đầu. Đồng thời phát huy vai trò của lực lượng trưởng thôn, bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc làm gương và vận động gia đình, anh em, dòng họ cùng thực hiện. Với cách làm đó sớm muộn gì thì cũng thành công.

Anh Vừ A Trừ, bản Páo Lầu, xã La Pán Tẩn cười nói: “Trước kia ăn 2 tết tốn kém lắm, ăn hơn một tháng phải mổ mấy con lợn, chuẩn bị cả chục lít rượu, chúng nó (chỉ các con) thì nghỉ học cả tháng trời. Bây giờ ăn chung một tết có thời gian làm ruộng, chăm sóc được đàn trâu, bò. Hồi trước ăn 2 tết hay uống rượu say nên mấy con trâu, bò có ngày không được ăn cỏ hết tết nó gầy hơn nhiều. Cái bụng mình đã hiểu rồi Phó Chủ tịch à. Phải cấy xong và ăn cái tết chung”.



Lý A Sử, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải hướng dẫn bà con cách chăm sóc mạ.


Ở Trạm Tấu việc cấy lúa hai vụ đã được bà con triển khai từ năm 2004, nhưng việc tuyên truyền vận động bà con ăn chung một tết là một vấn đề liên tục được đề cập đến. “Đâu phải mọi công việc đều diễn ra thuận lợi khi mà tập tục vốn đã có từ bao đời nay, chúng tôi đã tranh thủ sự giúp sức của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng và trải qua thời gian dài gần dân, sát dân, giải thích chủ chương đúng đắn của Đảng và Nhà nước mới vân động được bà con hiểu, làm theo”. Hà Chánh Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Pá Hu cho biết về việc vận động đồng bào ăn chung một tết trong năm đầu tiên lên công tác.

Lần đầu tiên, ở Pá Hu không hộ nào mổ nhiều trâu bò, gà lợn, rượu chè đình đám mà các hộ gia đình tập trung vào sản xuất, ăn tết Nguyên đán cùng đồng bảo cả nước. Dư âm của những ngày tết chung đậm chất cổ truyền ấy như còn đọng mãi trong tâm trí của Sùng A Chờ - người dân thôn km 16 khi được hỏi về cái tết đầu tiên ăn chung cho biết: “Ồ vui lắm, vui vì không bỏ việc đồng mà vẫn được tham gia các trò chơi dân gian, ca hát trong đó có cả các trò chơi của đồng bào mình nữa”.

Thảo cho biết thêm: “Năm nay lại ăn chung 1 tết chúng tôi lại tiếp tục đi vận động, nhưng tôi nghĩ nhận thức của người dân đã dần thay đổi; quá trình vận động sẽ không khó khăn như năm trước nữa. Bà con vẫn tiếp tục ủng hộ chủ chương của Đảng là ăn chung 1 tết Nguyên đán”.

Có thể nói, việc đồng bào nghe và làm theo chủ trương của Đảng và Nhà nước đó là một thành công lớn. Thành công đó chính là sự vào cuộc của các cấp chính quyền trong đó có đóng góp công sức bé nhỏ của đội ngũ trí thức trẻ. Đây chỉ là 3 trong số 20 tri thức trẻ của tỉnh, với vốn kiến thức, sự hiểu biết trong quá trình tham gia học tập đang được dần áp dụng vào cuộc sống đã góp phần làm nên thành công bước đầu của cuộc vận động giúp bà con ngày một ấm no hơn.

Lê Minh Quang
Tỉnh Đoàn Yên Bái