Bảo vệ ngư dân mỗi chuyến ra khơi

(CTG) Liên tiếp tàu cá của ngư dân nước ta bị tàu lạ đâm chìm, bắt cóc... gây thiệt hại không nhỏ tới kinh tế. Hơn thế nữa, tình trạng này đã khiến ngư dân có tâm lý lo sợ trước mỗi chuyến ra khơi. Xung quanh vấn đề này, ông Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNN) đã trao đổi với báo chí.

 

 
- PV: Vừa qua, ngư dân Việt Nam đánh cá ở khu vực quần đảo Trường Sa đã bị tàu lạ tấn công, ý kiến của ông về vấn đề này?

Ông Chu  Tiến Vĩnh: Vùng biển quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, do đó, người dân Việt Nam có quyền khai thác trên vùng biển đó, không quốc gia nào có quyền ngăn cản, xâm phạm. Bất kỳ quốc gia nào xâm phạm, gây ảnh hưởng đến ngư dân Việt Nam đang đánh bắt trong địa phận là vi phạm. Chính phủ Việt Nam sẽ có chính sách để bảo trợ cho ngư dân Việt Nam bằng mọi hình thức. Ngoài ra, Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ cho ngư dân như gạo nước, tiền hồi hương... trong trường hợp ngư dân bị bắt.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã chỉ thị lực lượng hải quân, cảnh sát biển... tăng cường tuần tra, giám sát trên biển để hỗ trợ ngư dân lúc cần thiết, đồng thời xua đuổi các tàu thuyền nước ngoài hoạt động trái phép trên vùng biển của Việt Nam.

- Những tác động của nước ngoài trong thời gian qua có ảnh hưởng đến kết quả khai thác thuỷ sản không, thưa ông?

- Tôi cho rằng không ảnh hưởng gì lớn, vì một khi chúng ta có chính sách bảo trợ giúp đỡ cho ngư dân Việt Nam trong vấn đề ra khơi thì chúng tôi khuyến khích ngư dân hoạt động bình thường. Đứng sau ngư dân đã có tất cả các cơ quan Nhà nước, nếu có vấn đề gì Nhà nước sẽ hỗ trợ ngư dân ngay lập tức.

- Ngoài sự hỗ trên, theo ông, ngư dân cần phải làm gì để tự bảo vệ mình?

- Khai thác thủy hải sản trên biển, ngư dân thường xuyên phải đối mặt với rủi ro như bão tố, tàu lạ tấn công, tai nạn.... Do vậy, Tổng cục Thủy sản có chủ trương  khuyến khích ngư dân thành lập các tổ đội sản xuất trên tinh thần tự nguyện, 5-7 ngư dân phối hợp với nhau thành một nhóm, có thể hỗ trợ nhau trong trường hợp gặp tai nạn. Bộ NN&PTNT sẽ kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho những nhóm như thế này. Ví dụ, khai thác theo nhóm sẽ được ưu tiên gắn máy đàm thoại từ xa, gắn các thiết bị tìm kiếm... vừa tiết kiệm kinh phí vừa đảm bảo an toàn cho ngư dân.

- Mô hình này đã được ngư dân tỉnh, thành nào áp dụng chưa?

- Đã được nhiều tỉnh áp dụng, đặc biệt là các tỉnh ven biển miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi... Có thể nói, đây là những tỉnh, thành có số tàu cá của ngư dân bị bắt giữ và tấn công nhiều nhất, gây thiệt hại lớn về kinh tế, do đó, bản thân ngư dân tự hiểu cần phải liên kết thành nhóm.

- Vừa qua, Quảng Ngãi đã đề xuất quỹ hỗ trợ ngư dân đánh bắt thủy hải sản khi gặp rủi ro, quan điểm của Bộ NN&PTNT như thế nào?

- Theo đánh giá của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc, nghề khai thác hải sản là một trong những nghề nặng nhọc và gặp nhiều rủi ro nhất, đây cũng là nghề có số lượng tử vong cao, 24.000 người chết mỗi năm trên thế giới. Tàu thuyền của ngư dân ta nhỏ, trang thiết bị an toàn còn thiếu, khi đi khai thác hải sản xa bờ tai nạn thường xuyên xảy ra... Vì vậy, việc đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ ngư dân với mục đích hỗ trợ ngư dân vươn khơi là rất tốt, Bộ NN&PTNT cũng như Tổng cục Thuỷ sản hoàn toàn ủng hộ tất cả các tỉnh ven biển thành lập quỹ này.

Bên cạnh đó, có nhiều tổ chức quốc tế hay nước ngoài rất muốn hỗ trợ cho ngư dân trong việc làm sao để khai thác bền vũng nguồn lợi thuỷ sản, đó cũng là cách để giữ nguồn lợi chung cho các nước khác, nhưng chưa biết hỗ trợ ra sao, thông qua tổ chức nào.

Theo An ninh Thủ đô