Bến đợi ấm lòng, Trường Sa thêm vững

(CTG) Đã gần hai tháng kể từ ngày đoàn thân nhân của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa ra thăm các đảo phía Nam của quần đảo về với đất liền, song dư âm của những ngày hội ngộ giữa biển Đông vẫn còn nóng ấm trong mỗi người.


Qua tâm sự của các thân nhân, chúng tôi được biết, nơi Đất mẹ, nhiều niềm vui đang nảy nở. Điều đó đã thôi thúc chúng tôi tiếp tục hướng về nơi bến đợi của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa…

Quà tặng cha nơi hải đảo

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà riêng của gia đình tại thôn Xuân Sơn 1, xã An Thắng (An Lão, Hải Phòng), ánh mắt chị Nguyễn Thị Xuân lại rạng ngời niềm hạnh phúc khi nhớ đến chuyến đi thăm chồng - Thiếu tá Dương Minh Khai, Chính trị viên đảo Đá Tây.

Những ngày đầu trở về từ Trường Sa, sáng sáng, các “thực khách” ghé vào quán ăn sáng của chị ai cũng tíu tít hỏi han đủ chuyện, rồi “tròn mắt” ngạc nhiên khi nghe chị kể chuyện Trường Sa.



Chị Nguyễn Thị Xuân và con gái Dương Thị Thùy Linh ngắm những
tấm hình kỷ niệm của chồng.


Chị Xuân quê ở An Lão, Hải Phòng, còn chồng chị quê ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Năm 1983, Dương Minh Khai về công tác tại đoàn S79 (Quân chủng Hải quân), rồi thành rể của xã An Thắng năm 1988. Năm 2007, anh Khai ra công tác tại đảo Tốc Tan quần đảo Trường Sa. Từ tháng 8-2009, anh lại tiếp tục ra đảo Đá Tây công tác.

- Khi quyết định đăng ký ra thăm chồng ở Trường Sa, mình đã phải vượt qua hai thử thách lớn, đó là “nỗi sợ” say ô tô, say sóng, nhưng quan trọng hơn là nỗi lo vì cô con gái chuẩn bị thi vào trường THPT của huyện nhà, chị Xuân tâm sự.

Mặc dù đã nhờ em gái đến chăm cô con gái Dương Thị Thùy Linh nhưng chị Xuân vẫn thấp thỏm không yên. Xuống đảo Trường Sa Lớn, chị bấm máy dặn em gái sáng hôm sau nhớ gọi cháu dậy đi thi. Chưa yên tâm, chị lại gọi điện giục chồng tối hôm sau nhớ gọi về xem tình hình con thi cử ra sao, bởi chị lo trên hành trình về đảo Đá Lát sẽ không biết chắc lúc nào có sóng di động để gọi điện cho con.

Chị Xuân thổ lộ:

- Tôi đã mang đến cho anh ấy niềm vui ngày vợ chồng xum họp giữa biển, đảo xa xôi. Con gái tôi tuy không được ra thăm bố, song cháu cũng đã có một món quà ý nghĩa gửi tới cha.

- Khi mẹ ra thăm bố, cháu đã tự hứa với mình là phải thi thật tốt để niềm vui gặp mặt của bố mẹ thêm trọn vẹn. Và cháu đã thực hiện được lời hứa của mình - Ngồi cạnh mẹ, cháu Thùy Linh bộc bạch.

Nối tiếp chuỗi kết quả 9 năm đạt học sinh giỏi, năm 2009 giành 2 giải toán cấp huyện, 2 giải toán cấp tỉnh và Huy chương đồng môn toán cấp quốc gia, trong kỳ thi vào trường THPT huyện An Lão vừa qua, Linh đã đạt điểm cao nhất toàn trường với 58,5 điểm. Sau đó, khi thi vào lớp chọn của trường, cháu đạt 25 điểm, giành vị trí thứ 2.

- Ngay sau khi có kết quả thi, cháu đã báo tin vui này cho bố. Bố cháu mừng lắm và hứa khi về đất liền sẽ thưởng cháu chiếc xe đạp mi-ni chú ạ - Thùy Linh khoe.

Khi tôi gọi điện cho Thiếu tá Đỗ Minh Khai, anh đang làm nhiệm vụ trên biển. Gió biển ào ào thổi vọng qua điện thoại, song không át được giọng nói xúc động của anh:

- Nhận được tin con gái thi đỗ vào THPT mình vui lắm. Tuy công tác xa nhà song mình vẫn rất yên tâm khi nghĩ về hậu phương, bởi xa chồng nhưng vợ mình vẫn tần tảo nuôi dạy các con khôn lớn, các cháu thì ngoan ngoãn, học tập ngày càng tiến bộ.

Con thơ hát tiếng “Trường Sa”

Đầu tháng 7, khi về đến đất liền sau chuyến thăm chồng là Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Duy Trúc, đang công tác tại đảo Trường Sa Lớn, cô giáo Hồ Thị Ngân lại gói ghém hành lý, đưa con trai về quê nhà ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) để báo cáo kết quả chuyến đi với hai bên nội, ngoại.

- Hôm em về, cả nhà nội tập trung đông lắm. Mọi người cứ tíu tít giục em mở những tấm hình chụp tại Trường Sa. Cả nhà luôn miệng khen anh Trúc béo, khỏe, nhưng… hơi đen - Chị Ngân tâm sự.

Riêng mẹ chồng chị Ngân cứ nhắc đi nhắc lại câu nhờ ơn Đảng, ơn Nhà nước và Quân đội nên con dâu bà mới có dịp ra đến tận Trường Sa để thăm và động viên chồng.

Trong số những người đến chơi với gia đình chị Ngân hôm ấy có cả người hàng xóm đã trách anh Trúc không thu xếp công việc đơn vị để về chịu tang, khi cha qua đời. Nghe chị Ngân kể về công việc của anh Trúc nơi đảo xa, người hàng xóm đã cười xòa và bảo vì chưa hiểu hết nhiệm vụ của bộ đội Trường Sa nên đã trách oan anh ấy.



Cô giáo Hồ Thị Ngân gặp chồng- Thượng úy quân nhân chuyên
nghiệp Nguyễn Duy Trúc tại đảo Trường Sa Lớn.


Năm học mới đang đến gần, chị Ngân lại tất bật soạn giáo án, bài giảng. Chị thổ lộ, năm nay thấy tự tin hơn nhiều so với những năm học trước, bởi đã có được vốn kiến thức thực tế vô giá qua chuyến thăm chồng nơi quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

- Em đã sơ bộ lồng ghép những tư liệu thu thập được về Trường Sa vào một số bài giảng. Em cũng dự định sẽ soạn giáo án điện tử, bởi thông qua giáo án này, học sinh của em sẽ được thấy những hình ảnh sống động trên quần đảo Trường Sa - Chị Ngân cho biết.

Chị còn tâm sự rằng, vẫn canh cánh một điều, đó là vì điều kiện thời gian eo hẹp nên khi chia tay Trường Sa Lớn, chị chưa thể cảm ơn toàn thể cán bộ, chiến sĩ của đảo vì tình cảm anh em dành cho mình trong chuyến đi đặc biệt vừa rồi. Chị thổ lộ:

- Em đang có ý định qua chương trình Tâm tình nơi biên giới và hải đảo của Đài Tiếng nói Việt Nam, gửi lời cám ơn cùng bài hát Gần lắm Trường Sa đến các anh.

Nói đến đây, như sực nhớ ra điều gì, chị Ngân gọi cậu con trai:

- Hoàng ơi, con hát cho bác nghe bài Khúc quân ca Trường Sa đi con.

- Bác là ai thế mẹ?

- Bác là bạn của bố Trúc và mẹ.

- “Ngày qua ngày, đêm qua đêm/Chúng tôi đến đây gìn giữ quê hương/Đảo này là của ta, biển này là của ta, Trường Sa…”

Khi con trai dứt lời hát, chị Ngân kể với chúng tôi rằng, anh Trúc dạy con bài hát đó. Và từ ngày thuộc bài này, lần nào anh Trúc gọi điện về, Hoàng cũng hát cho bố nghe.

Bất chợt, tôi tự hỏi mình, rằng tâm trạng của những người lính đảo sẽ ra sao nếu lời hát còn ngọng nghịu của cháu bé mới năm tuổi kia được cất lên giữa Trường Sa?

Chắc hẳn họ sẽ rất xúc động và hạnh phúc. Tôi tin là như vậy!

Em thăm Trường Sa, anh yên tâm giữ biển

Có lẽ, cuộc hội ngộ của Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Võ Ngọc Vĩ với vợ - Trần Thị Mỹ Lương (sinh viên năm thứ hai trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng) sẽ làm mọi người nhớ mãi, không chỉ vì hoàn cảnh khá đặc biệt của hai người mà còn vì cách thể hiện tình cảm đúng …chất “SV” của Mỹ Lương, khi gặp gỡ cũng như lúc chia tay chồng.

Hôm ấy, vừa bước chân lên đảo Đá Đông, Mỹ Lương đã chạy ào đến, ôm chầm và … thơm lấy thơm để lên má chồng. Và khi xuồng trở lại đảo đón thân nhân, chị Lương là người khóc nhiều nhất trong số 4 người vợ đến thăm chồng. Xuồng sắp rời đảo, Mỹ Lương càng khóc to hơn. Võ Ngọc Vĩ phải bước xuống lòng xuồng, tay lau nước mắt cho Mỹ Lương, miệng thì tươi cười động viên cô vợ trẻ. 



Vợ chồng Thiếu uý quân nhân chuyên nghiệp Võ Ngọc Vĩ và Trần Thị
Mỹ Lương gặp nhau trên đảo Đá Đông.

Biết hoàn cảnh của vợ chồng Mỹ Lương ngay từ khi mới nhập đoàn, nên mọi người đều thấu hiểu những xúc cảm đang trào dâng trong cô khi ấy. Cưới nhau được 11 ngày, Võ Ngọc Vĩ nhận nhiệm vụ ra đảo Đá Đông công tác. Gần một năm rưỡi gặp lại ở nơi đầu sóng, ngọn gió, 3 ngày sau hai người lại chia tay.

Gần đây, khi gọi điện thoại cho Mỹ Lương, tôi đã nghe tiếng cô cười lanh lảnh:

- Sau chuyến đi thăm chồng ở Trường Sa về, em đã vượt qua 3 môn thi, trong đó có 2 môn đạt kết quả rất tốt anh ạ.

Ngày ở nhà khách Vùng D Hải quân chờ ra thăm Trường Sa, Mỹ Lương kể với mọi người rằng, biết chuyện cô sắp ra thăm chồng, nhà trường đã ưu tiên cô không phải làm đơn xin nghỉ học. Có giảng viên còn đùa với cô: Ra thăm chồng cũng là “nhiệm vụ”. Phải hoàn thành tốt “nhiệm vụ” đấy nhé!

Hành lý của Mỹ Lương mang ra Trường Sa cũng đặc biệt hơn so với nhiều thân nhân khác, bởi trong đó không chỉ có quà của đất liền mà còn có cả sách, vở.

- Em mang số sách vở ấy theo để ôn tập, chuẩn bị thi kết thúc môn khi về đất liền. Nhưng quả thực em không ôn được nhiều trong những ngày trên biển. Song khi về đất liền, nghĩ đến những ngày hạnh phúc nơi đảo xa, em lại tự động viên mình phải cố gắng nhiều hơn. Cuối cùng thì em không chỉ hoàn thành “nhiệm vụ” ra thăm chồng mà còn hoàn thành cả 3 môn thi đó nữa - Mỹ Lương hồ hởi kể.

Khi Lương chưa đến Trường Sa, hai vợ chồng cô cứ khấp khởi mong chờ tháng 8 đến nhanh, bởi khi ấy, Võ Ngọc Vĩ sẽ xin về nghỉ phép. Song sau chuyến đi này, cô bảo:

- Đến Trường Sa em thêm hiểu và yên tâm hơn về điều kiện sống và công tác của anh ấy. Chúng em đã động viên nhau là anh Vĩ sẽ ở lại Đá Đông tiếp tục gánh vác công việc để cho những anh em khác có điều kiện về đoàn tụ với gia đình.

Có lẽ, một trong những người vẫn đang khao khát ngày vợ chồng xum họp nhất phải là Trần Thị Mỹ Lương, vậy mà khi đến Trường Sa, hiểu hơn về cuộc sống của những người lính đảo, niềm khát khao ấy lại biến thành mong muốn được sẻ chia niềm vui gặp mặt với các thân nhân khác - những người chưa được đến Trường Sa…

Tại buổi tọa đàm “Báo chí với công tác tuyên truyền biển, đảo” được Báo Hải quân Việt Nam tổ chức cuối tháng 7 vừa qua, chúng tôi đã được nghe Chuẩn đô đốc Trần Đình Xuyên, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân tâm sự về kết quả hai chuyến thăm quần đảo Trường Sa trong tháng 6 và tháng 7 vừa rồi. Ông khẳng định chủ trương đưa thân nhân ra thăm cán bộ, chiến sĩ Trường Sa là hoàn toàn đúng đắn. Những chuyến đi mang nặng nghĩa tình ấy đã đáp ứng được niềm khát khao, mong mỏi của người ở đất liền cũng như cán bộ, chiến sĩ nơi hải đảo.

Chuẩn đô đốc Trần Đình Xuyên đánh giá:

- Qua nắm tình hình, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân được biết, với nguồn động viên to lớn từ thân nhân, tinh thần, trách nhiệm và quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong toàn thể cán bộ, chiến sĩ Trường Sa đã được nâng lên một bước mới.

Lời bộc bạch của Chuẩn đô đốc, Phó tư lệnh Trần Đình Xuyên làm chúng tôi, những người có may mắn cùng đoàn thân nhân ra thăm Trường Sa thêm vững tin hơn: Từ chuyến đi đặc biệt này, nơi bến đợi, thân nhân của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa thêm yên tâm, tin tưởng vào những người thân đang canh giữ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Và ở nơi đầu sóng, những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam thêm chắc tay súng, để Trường Sa - mảnh đất phên giậu của Tổ quốc sẽ mãi vững vàng…

Theo Phụ Nữ