Cảm phục nghị lực chàng trai khuyết tật vượt “giông tố” cuộc đời

(CTG) Anh Trần Thanh Phong (SN 1983, xã Hậu Thạnh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng), đã nỗ lực tự chủ mưu sinh dù bị teo tay chân từ năm 3 tuổi, lớn lên ở miền quê nghèo nơi cái nghèo đeo đẳng còn mẹ không may mất vì ung thư, bố bị động kinh.

Sức khoẻ yếu, khó khăn trong sinh hoạt, học tập và khó có cơ hội tìm kiếm việc làm là những trở ngại mà những người khuyết tật luôn phải đối mặt. Mang trong mình những khiếm khuyết, thế nhưng bằng ý chí kiên cường, nhiều người khuyết tật đã vượt qua rào cản để làm đẹp cho cuộc đời. Điển hình là anh Trần Thanh Phong, xã Hậu Thạnh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng với nghị lực sống phi thường khiến nhiều người phải thán phục. 

Anh Trần Thanh Phong (SN 1983, xã Hậu Thạnh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) - 1 trong 50 gương thanh niên khuyết tật được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021

Anh sinh ra trong một gia đình nghèo, thiếu ăn, thiếu mặc và lớn lên trên mảnh đất quê hương xã Hậu Thạnh thuộc huyện Long Phú với nền kinh tế chủ đạo là nông nghiệp. Năm lên 3 tuổi, anh đã bị một cơn sốt ác tính làm teo dần hai tay, hai chân, cuộc sống gia đình thì bữa no, bữa đói. Ba mẹ thương anh nên đã cố gắng đưa đi chữa trị nhiều nơi, nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Từ đó, anh phải ngồi xe lăn vĩnh viễn và trở thành người khuyết tật, làm cuộc sống của anh gặp rất nhiều khó khăn. Từ việc di chuyển đến sinh hoạt cá nhân... đều phải phụ thuộc vào người khác. Ba mẹ anh làm thuê, ai thuê việc gì làm việc đó, hoàn cảnh gia đình đã nghèo khó nay lại càng khó khăn hơn khi ba anh mắc phải căn bệnh động kinh mãn tính.

Đến năm 18 tuổi, được sự thương yêu của ba mẹ, động viên của người thân, anh quyết tâm đến trường, tham gia lớp học cấp bậc tiểu học. Mặc dù, với tuổi đã lớn mà lại học cùng các em nhỏ nhưng với tinh thần lạc quan cố gắng vươn lên ước mơ nhỏ bé của anh là biết đọc chữ và các con số như bao đứa trẻ khác. Tận dụng chiếc xe lăn cũ của nhà hảo tâm tặng anh, ba anh sửa chữa để cho anh đi học. Anh tự mày mò, tự tập điều khiển xe loanh quanh trong ngôi nhà nhỏ, nền đất không bằng phẳng có khi lệch bánh anh trượt khỏi xe, không tự ngồi dậy và lên xe được phải nằm đó có khi phải đợi đến chiều tối ba mẹ về bế anh lên. Thế nhưng sự khó khăn đó không làm lung lay ý chí của anh, mỗi ngày anh đều tập lái xe lăn, có trượt té thì anh tự bò tìm giá đỡ. Rồi anh cũng tự điều khiển chiếc xe lăn một cách dễ dàng hơn. Trong những ngày đầu đi học, việc đi lại của anh còn rất khó khăn, nhiều khi ba mẹ đi làm phải nhờ hàng xóm đẩy xe lăn trên các dốc cầu cao đến trường. Anh tâm sự: “Những hôm trời nắng, cũng nhờ bà con hàng xóm thương, thay phiên đẩy xe cho anh đi học, còn những hôm trời mưa phải nghỉ học vì sợ lại là gánh nặng của người khác, họ còn công việc, gia đình ...”

Cuộc sống không dành cho anh sự may mắn, căn bệnh mãn tính của ba lại càng ngày càng nặng, mẹ anh vừa chăm sóc anh lại vừa gánh trên vai lao động chính, người phụ nữ tần tảo tranh thủ thời gian đi làm và lo bữa cơm cho cả nhà. Anh tâm sự “Lúc đó tôi vừa buồn, vừa tủi, vừa thương ba mẹ khi mình phải ăn bám suốt đời”. Thế là anh dừng lại việc đến trường, trăn trở, suy nghĩ và phải tự tìm cho mình một công việc có ích, phù hợp để có thêm thu nhập phụ giúp ba mẹ vì đã quá khổ cực, lam lũ mỗi ngày vì con.

Câu chuyện khởi nghiệp đối với những người bình thường đã khó, với người khuyết tật lại càng khó khăn gấp bội. Sinh ra không được lành lặn như bao người bình thường khác, người khuyết tật phải chịu những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần. Hầu hết, họ gặp không ít khó khăn về mọi mặt đời sống xã hội như: học tập, tìm kiếm việc làm, hôn nhân... Thế nhưng, cản trở lớn nhất với họ chính là sự kỳ thị của cộng đồng. Đó là rào cản vô hình nhưng tàn nhẫn, đẩy người khuyết tật ra bên lề của cuộc sống. Những áp lực từ phía người thân, gia đình, sự coi thường, thương hại của họ hàng, xã hội càng khiến họ trở nên mặc cảm, tự ti thậm chí có người tìm đến cái chết như một cách để giải thoát. Tuy nhiên, anh Trần Thanh Phong không đầu hàng trước số phận, anh đã nỗ lực vươn lên khắc phục khó khăn và khẳng định chính mình. Năm 2004, anh được người quen giới thiệu công việc bán vé số lẻ tại các đại lý, anh quyết định nhận vé số về bán. 

Chia sẻ gánh nặng kinh tế cùng mẹ, cho đến năm 2016, mẹ anh mắc căn bệnh hiểm nghèo ung thư khi phát hiện đã là thời kỳ thứ 3. Trọn vẹn trong một năm do không tiền điều trị, mẹ anh đã không qua khỏi. Thế là anh trở thành lao động chính trong gia đình, một thanh niên khuyết tật với ý chí và tinh thần lạc quan không bao giờ chịu thua trước số phận bất hạnh. Anh nhận thêm bánh mì về bán để trang trải cuộc sống và có thêm khoản tiền mua thuốc cho ba khi cơn bệnh động kinh tái phát.

Với công việc hiện tại, anh Trần Thanh Phong chia sẻ: “Sẽ tiếp tục cố gắng bán thêm bánh mì và vé số, ổn định hơn, hy vọng có chiếc xe lăn có động cơ để tự điều khiển khi lên các dốc cầu”. 

Với nỗ lực, ý chí phấn đấu của mình, anh Phong vinh dự được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức.

“Những người khuyết tật không phải là gánh nặng của xã hội, chúng tôi vẫn có thể tạo ra những giá trị làm đẹp cho cuộc đời”. Đó là những thông điệp được truyền đi từ nhiều người khuyết tật khác đang nỗ lực vượt lên chính mình; phát triển kinh tế và giúp những người đồng cảnh ngộ thêm tự tin, tự chủ trong cuộc sống...

Thanh niên học tập và theo tư tưởng Bác Hồ “Tàn nhưng không phế” soi sáng cho hôm nay khi mà đại dịch covid 19 đang hoành hành, có khoảng 30% người khuyết tật mất việc, khoảng 50% bị giảm giờ làm, khoảng 60% bị giảm, cắt lương. Đã khó càng khó hơn. Nhưng với tinh thần, ý chí và nghị lực họ đã và sẽ vượt qua. Họ lại là những luồng ánh sáng làm bừng cháy lên những ngọn lửa về cách vượt qua nghịch cảnh về tình người, về vẻ đẹp nhân văn.

Diễn ra từ tháng 10 đến tháng 12/2021, Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Công ty TNHH TCPVN tổ chức, nhằm tìm kiếm và tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng.

Đồng thời mong muốn tạo sự lan toả và quan tâm, kêu gọi cộng đồng xã hội tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên khuyết tật Việt Nam; tìm ra các mô hình phù hợp, bền vững để hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng bình đẳng, tự tin và hiệu quả. Chương trình sẽ tuyên dương 50 đại biểu là thanh niên khuyết tật tiêu biểu có thành tích đặc biệt.

Chương trình Gala “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021 dự kiến được tổ chức vào ngày 12 - 13/12/2021 tại Thủ đô Hà Nội.