Chàng sinh viên vượt qua bóng đen truyền kiếp

(CTG) Ba thế hệ trong gia đình của Trần Tuấn Anh (Mỹ Duyệt, Vĩnh Tú, Vĩnh Linh, Quảng Trị) đều bị mù bẩm sinh. Vượt lên hoàn cảnh, Tuấn Anh cố gắng học tập và trở thành người khiếm thị đầu tiên của Quảng Trị đỗ đại học.

Hiện Tuấn Anh đang là sinh viên năm thứ hai lớp Công tác xã hội K33 của Trường ĐH Khoa học Huế.

Ba đời vùng vẫy trong bóng tối

Con đường về nhà Tuấn Anh ngoằn ngoèo, nhão nhoẹt đất đỏ. Căn nhà tuềnh toàng nằm heo hút cuối thôn Mỹ Duyệt.

Trong lúc đợi Tuấn Anh đi làm đồng về, cụ bà Lê Thị Ngạch (bà ngoại của Tuấn Anh) kể những câu chuyện buồn về số phận của ba thế hệ mù lòa gia đình bà. Suốt 86 năm bà đối mặt với bóng tối và những cơn đói vật vã. Tuổi nhỏ của bà là những ngày đầy nước mắt, nghèo đói, quanh năm cùng cha mẹ lăn lộn ngoài đồng kiếm từng miếng ăn. Đến tuổi cập kê, là thiếu nữ đẹp người, tốt nết, bà được nhiều trai làng thương yêu. Rồi một thanh niên tốt bụng trong làng cưới bà về làm vợ. Bà bùi ngùi nhớ lại: “Thời đó, bị mù lòa, nhà nghèo kiệt quệ như mệ mà lấy được chồng là hiếm hoi lắm. Cưới nhau được mấy tháng là mệ có tin vui, gia đình biết mệ có thai, nhà chồng yêu thương và chăm sóc mệ chu đáo lắm”. Thế nhưng niềm vui của đôi vợ chồng trẻ đã không được trọn vẹn. Sau chín tháng mang nặng đẻ đau, đứa con gái đầu lòng của họ chào đời với đôi mắt chỉ có tròng trắng đục. “Đó là con Vân, mẹ thằng Tuấn Anh, vừa lọt lòng đã không nhìn được ánh sáng. Mọi người nói nó cũng bị mù. Tui đau buốt tâm can, chỉ còn biết ôm con mà khóc. Thương chồng, thương con nhỏ đã chịu bất hạnh, rồi xót xa cho phận bạc của mình làm tui kiệt sức!” – cụ Ngạch kể trong tiếng nấc. Thế rồi, cô bé Vân lớn lên trong bóng tối, lay lắt với cái đói và mù chữ. Đến tuổi cập kê, mặc dù xinh đẹp, nết na nhưng Vân vẫn không có mối nào để gả cưới. “Có vài đám đến xem mặt con Vân nhưng rồi họ lại ra về trong im lặng vì thấy hoàn cảnh nhà tui quá cơ cực và sợ con cháu bị mù di truyền. Những ngày dài, vợ chồng tui âu lo vò võ. Càng nghĩ càng xót thương con, tui dù sao cũng có chồng, có con, mai đây tui chết rồi nó sống với ai…” – giọng cụ Ngạch ngậm ngùi.


Ba thế hệ trong gia đình chàng sinh viên Trần Tuấn Anh đều bị mù bẩm sinh, riêng con gái Thiên Phúc của anh may mắn không bị mù. Ảnh: TRƯỜNG AN


Tuổi xuân lụi tàn theo năm tháng, Vân sống trong khổ đau, đơn độc. Đã có lần chị muốn tìm đến cái chết để giải thoát nhưng nghĩ về mẹ già mù lòa phải sống đơn độc, chị tự nhủ phải sống để đỡ đần mẹ lúc tuổi già. Thấy bạn bè cùng trang lứa đã có con bồng, con bế, khát vọng làm mẹ trỗi dậy cháy bỏng trong người phụ nữ mù lòa, bất hạnh. Thế rồi, Vân có con với một người đàn ông đã thương tình, hiểu được nỗi khát khao của chị. Nhưng số phận nghiệt ngã lại một lần nữa giáng xuống gia đình chị. Đứa bé trai sinh ra kháu khỉnh, bụ bẫm nhưng cũng bị mù bẩm sinh. Nỗi đau chồng chất nỗi đau khiến cả gia đình bà Ngạch kiệt sức, vô vọng. Ba thế hệ mù lòa tiếp tục vẫy vùng trong bóng tối để tìm lối thoát trong bất lực, tuyệt vọng…

Khát vọng tìm con chữ

Quá trưa, hai mẹ con Tuấn Anh mới lọ mọ từ ngoài đồng trở về nhà nghỉ ngơi. Cả chục năm nay cứ vào ngày nghỉ là Tuấn Anh tranh thủ về nhà lo việc đồng áng, chăm sóc vườn cây để có tiền trang trải cho mọi sinh hoạt của gia đình và tiền ăn học trên thành phố. Khó khăn chồng chất hơn khi ông ngoại của Tuấn Anh bạo bệnh qua đời. Ba người mù trong gia đình phải vùng vẫy trong bóng tối giữa dòng đời nghiệt ngã để kiếm cái ăn. Tuấn Anh kể: “Em học chưa hết cấp một ở trường người mù tỉnh Quảng Trị thì ông ngoại chết. Em bỏ học về nhà để đỡ đần giúp bà và mẹ”. Khi phải từ bỏ ước mơ học chữ, hằng ngày Tuấn Anh phải mò cua, bắt ốc, lân la làm thuê việc vặt cho người dân trong làng để kiếm cái ăn cho ba người. Cậu bé mù lòa đã cùng mẹ dựng được cả trăm cây trụ tiêu, trồng thêm ba sào sắn, mỗi tháng cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng, cộng thêm số tiền trợ cấp xã hội cũng đủ sống đắp đổi qua ngày cho ba con người. “Những ngày bỏ học ở nhà, thấy bạn bè đồng lứa í ới gọi nhau đi học em nhớ trường, nhớ bạn ghê lắm. Hằng ngày em lấy cục than củi tập viết lại những chữ đã học lên nền đất kẻo sợ bỏ học lâu sẽ quên”. Sau một thời gian dài ở nhà chịu khó làm lụng giúp mẹ và tích lũy được một ít tiền nhờ thu hoạch hồ tiêu, Tuấn Anh xin phép mẹ đến TP Đông Hà tiếp tục học chữ, thực hiện ước mơ trở thành sinh viên đại học. “17 tuổi em mới học lại chương trình lớp 3, tưởng chừng như đã quá muộn, vậy mà giờ đây, 28 tuổi em vẫn thi và trở thành sinh viên đại học” – Tuấn Anh cười hạnh phúc.


Sau khi đỗ đại học, Tuấn Anh được một tổ chức từ thiện của Hà Lan tặng một chiếc máy vi tính để hỗ trợ người khiếm thị học tập. Ảnh: TRƯỜNG AN

Niềm hạnh phúc lớn lao

Suốt những năm học phổ thông, cậu học trò già nhất lớp này đã có những nỗ lực phi thường, luôn đạt học sinh khá, giỏi. “Tốt nghiệp lớp 12 với bằng loại khá, mọi người khuyên em nên học nghề tẩm quất nhưng em quyết tâm thi đỗ đại học bằng được nên làm hồ sơ đăng ký dự thi hai trường. Không ai tin em sẽ thi đỗ”. Cuối cùng, cậu học trò mù đã làm mọi người thán phục bởi kết quả đạt được. Kỳ thi năm 2009, Tuấn Anh đỗ cả hai trường với số điểm tương đối cao, ngành Công tác xã hội (18 điểm) và Giáo dục tiểu học (17,5 điểm). Ngày Tuấn Anh đỗ đại học, cả gia đình ai cũng vui mừng nhưng nỗi lo thì chồng chất. Mẹ Tuấn Anh tâm sự: “Thằng Anh thi đỗ hai trường, cả làng, cả xã ai cũng mừng, gia đình hãnh diện nhưng cũng lo nơm nớp vì tiền mô mà ăn học. Rứa rồi, nhờ hàng xóm thương tình góp tiền ủng hộ, động viên nó nhập học, đắp đổi rồi cũng qua”. Tuấn Anh đã chọn ngành Công tác xã hội (Trường ĐH Khoa học Huế) để theo học bởi lý do thật giản dị. “Sau này ra trường em sẽ xin về hội người mù hay một tổ chức từ thiện nào đó để làm việc. Ở đó em có thể chia sẻ, giúp đỡ những người kém may mắn được tiếp cận với tri thức của xã hội” – Tuấn Anh trải lòng.

Niềm hạnh phúc lớn lao lúc này của Tuấn Anh là được làm cha của bé gái ba tuổi. Đó là kết quả của mối tình giữa anh với một cô gái người dân tộc Vân Kiều cùng học chung cấp ba ở Hội Người mù tỉnh Quảng Trị. “Chúng em yêu nhau nhưng gia đình cô gái kịch liệt phản đối, nhất định không cho cưới nhau. Chúng em có con, gia đình cô gái đã bí mật đưa hai mẹ con vào Huế và tính chuyện cho người khác nuôi đứa bé. Khi biết chuyện, gia đình em đã nhờ người đi tìm, khó khăn lắm mới đem được bé về nuôi” – Tuấn Anh đượm buồn khi nhắc lại chuyện tình của mình. May mắn, bé gái kháu khỉnh, mạnh khỏe và mắt rất sáng. Tuấn Anh đặt tên con gái là Trần Hồ Thiên Phúc với mong muốn con gái được bình yên, may mắn. Tuy bé Thiên Phúc thiếu vắng bàn tay săn sóc của mẹ nhưng lại được sự yêu thương của bà nội, bà cố và sự đùm bọc, chở che của những người dân tốt bụng trong làng. Cứ cuối tuần, hay dịp nghỉ lễ là chàng sinh viên mù này lại tức tốc về quê thăm con gái và giúp mẹ công việc đồng áng. “Năm nay bé Phúc đã được ba tuổi, đã biết nói, biết hát và đi nhà trẻ. Bé đã có thể dắt bà nội, bà cố đi chơi nhà hàng xóm. Đây là điều may mắn và diệu kỳ nhất mà ông trời đã dành cho gia đình em, xóa tan đi nỗi ám ảnh mù lòa truyền kiếp đeo đẳng. Với gia đình em, bé Phúc còn quý hơn vàng” – Tuấn Anh ôm con gái cười hạnh phúc.

“Cháu Thiên Phúc đã đi học mầm non, cuộc sống càng thêm phần khó khăn, túng thiếu. Nhưng dù khó khăn đến đâu thì em cũng phải xoay xở, vay mượn để nuôi dạy con gái nên người” – Tuấn Anh tâm sự.

 

Theo Không gian trẻ